Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP: "Không thể ngồi trên mây rồi phân công, giao việc"
Dẫn ra câu chuyện chậm giải ngân 2.000 tỷ đồng để khắc phục hạn mặn do họp bàn và phân công công việc quá nhiều, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ông Mai Tiến Dũng – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không thể ngồi trên mây để phân công, giao việc.
- 10-08-2016Đầu tư bằng ... tiền vay ngân hàng, triết lý kinh doanh liều lĩnh của Donald Trump
- 26-07-2016Không trình sửa luật về doanh nghiệp và đầu tư kinh doanh, Chủ tịch VCCI bày tỏ nỗi thất vọng!
- 22-07-201670% vốn đầu tư kinh doanh bất động sản là vốn vay ngân hàng
- 13-07-2016Điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán
Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những vấn đề còn tồn tại, những việc chưa làm được chỉ ra thẳng thắn để đốc thúc và triển khai công việc hiệu quả hơn.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, để thực hiện theo tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân thì việc kiểm tra, rà soát, giám sát lại các hoạt động, các việc chưa làm để đánh giá đơn vị nào chưa làm đúng, chưa tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ phải chỉnh lại hoạt động của mình.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong tổng số 241 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao, cơ quan này đã hoàn thành đúng hạn 16 nhiệm vụ; hoàn thành quá hạn 58 nhiệm vụ. Số nhiệm vụ chưa thực hiện là 167, trong đó nhiệm vụ trong hạn là 152 và 15 nhiệm vụ quá hạn (ít nhất một ngày và nhiều nhất lên tới 85 ngày).
Chờ giải ngân cây trồng đã chết vì hạn
Trong số 15 nhiệm vụ đã giao mà Văn phòng Chính phủ xếp loại chưa hoàn thành đối với Bộ KH-ĐT, tổ trưởng tổ công tác đã “truy vấn” trực tiếp việc phân bổ 2.000 tỷ đồng khắc phục hạn mặn cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đầu năm 2016.
Theo vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Chính phủ, dù khoản tiền không nhiều nhưng đây được xác định là việc cấp thiết, đáng ra phải thực hiện phân bổ ngay cho các địa phương trong tháng 5, 6 vừa qua nhưng đã để quá hạn.
Cũng bày tỏ sự sốt ruột vì họp bàn vấn đề chống hạn nhiều lần nhưng đến nay khi sắp đến mùa khô hạn mới mà chưa có tỉnh nào nhận được một xu tiền giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận thực tế tiền chưa thể đến nơi cần để khơi dòng, tìm nước, cứu cây trồng vì cách làm của Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng Bộ Nông nghiệp “chéo” chân nhau.
Cụ thể, nếu như Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn phân bổ đều, mỗi tỉnh bị hạn mặn được khoảng 80 tỷ đồng để giải quyết ngay việc bức thiết như nạo vét hồ chứa nước, khơi kênh rạch dẫn nước về đồng…
Thế nhưng, Bộ Nông nghiệp lại muốn đưa một số dự án dang dở của ngành vào để có thêm nguồn vốn thực hiện. Dẫn tới, 2000 tỷ đồng “ách” lại đến nay, họp đi họp lại nhiều lần, cuối cùng phải chấp nhận bổ sung thêm một vài danh mục nhỏ như yêu cầu của ngành nông nghiệp.
Cũng là người trực tiếp tham dự không dưới 3 lần họp tại Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng than phiền: “Chủ trương của Thủ tướng là xử lý cấp bách để giải quyết tình trạng hạn mặn, đơn giản thủ tục để triển khai được ngay. Vậy mà giờ bao nhiêu cà phê, hồ tiêu bị hạn đã chết lâu rồi, đâu thể chờ các bộ họp xong được”.
Câu chuyện phân bổ và giải ngân vốn cứu hạn chỉ là một vấn đề, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn nhìn nhận rằng những việc đã hoàn thành/còn tồn đọng thì phần sót lọt, quá hạn còn rất nhiều, nhiệm vụ mới đạt khoảng 1/3.
Khó nhất là cử Thứ trưởng đi họp
“Chúng ta không thể ngồi trên mây gió rồi phân công, giao việc. Những nhiệm vụ chưa hoàn thành phải xác định, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu mà có thể do lãnh đạo Bộ chưa sâu sát hết. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hết sức quan tâm, rút kinh nghiệm trong công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo vì việc “chạy” có nhanh không nằm ở các cục, vụ, phải đốc thúc, quán xuyến rất nhiều, nếu lãnh đạo Bộ nhiều việc, lướt qua là bỏ sót ngay” – người đứng đầu Văn phòng Chính phủ nói.
Thừa nhận tồn tại sự chậm trễ trong triển khai nhiệm vụ của Thủ tướng, Chính phủ giao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư là bộ đa ngành, tổng hợp, nên nhiệm vụ gì cũng liên quan, tần suất được mời tham dự các cuộc họp cũng khá lớn. Trung bình mỗi tuần Bộ nhận 30 giấy mời họp, có tuần nhận tới 40 giấy mời. "Cầm tập giấy mời trong tay nhiều lúc không biết phân công anh em đi như thế nào cho phù hợp", ông nói.
Nhắc lại ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, “khó nhất là cử các đồng chí Thứ trưởng đi họp, chứ không phải chuyên môn”, ông thừa nhận: “Khi làm Bộ trưởng rồi tôi mới thấm thía, phân công đồng chí Thứ trưởng nào đi cuộc họp nào, lĩnh vực nào, vấn đề nào phù hợp khá khó khăn... Nói vậy để thấy công việc của một bộ đa ngành như Bộ Kế hoạch & Đầu tư rất nhiều. Trong khi đó, vẫn còn đơn vị có tư tưởng “ôm bóng trong chân”.
Bộ trưởng thẳng thắn: “Tôi đã yêu cầu các Cục, vụ... không được 'giữ bóng trong chân', không được đùn đẩy, cái gì thuộc trách nhiệm của mình phải khẩn trương giải quyết. Chúng ta làm thêm ngoài giờ một chút, làm thứ Bảy, Chủ nhật, và nhanh ban hành một văn bản, nhanh có ý kiến thì cả hệ thống chạy theo, làm lợi cho người dân, doanh nghiệp rất nhiều”.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, Bộ cần sự chuyển động mạnh mẽ về tư tưởng, thay vì cơ chế xin cho phải quyết liệt phân cấp. Theo tinh thần “không thể tiếp tục bắn chỉ thiên” mà phải “bắn” có mục tiêu, mục đích, làm là phải có kiểm tra, phân cấp tốt với cơ chế giám sát tốt, chắc chắn sẽ huy động được nguồn lực, rào cản giấy phép con sẽ bỏ được...