MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Indonesia nêu đề xuất lạ: Người nghèo hãy lấy người giàu để xóa đói giảm nghèo!

21-02-2020 - 09:55 AM | Tài chính quốc tế

"Điều gì sẽ xảy ra nếu những người nghèo lại kết hôn với những người nghèo khác? Như vậy thì chúng ta sẽ có thêm nhiều hộ nghèo hơn. Đó là 1 vấn đề ở Indonesia".

Tờ Jakarta Post hôm qua (20/2) dẫn lời Bộ trưởng Văn hóa và Phát triển con người của Indonesia, ông Muhadjir Effendy, cho rằng những người giàu ở đất nước này nên kết hôn với những người đến từ các gia đình có thu nhập thấp, bởi những cuộc hôn nhân như vậy sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ đói nghèo trên toàn quốc.

Theo ông Muhadjir, ở Indonesia – đất nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới, những lời răn dạy về việc "tìm kiếm một người tương xứng" để kết hôn thường bị hiểu nhầm. "Điều gì sẽ xảy ra nếu những người nghèo lại kết hôn với những người nghèo khác? Như vậy thì chúng ta sẽ có thêm nhiều hộ nghèo hơn. Đó là 1 vấn đề ở Indonesia", ông Muhadjir phát biểu trong 1 cuộc họp ở Jakarta hôm 19/2.

Ông Muhadjir dẫn số liệu chính phủ cho biết hiện ở Indonesia có gần 5 triệu hộ nghèo. Thậm chí nếu tính đến cả những trường hợp cận nghèo thì tỷ lệ là 16,8%, tức khoảng 15 triệu hộ nghèo trên tổng số 57,1 triệu hộ gia đình trên cả nước.

Nghèo đói gia tăng cũng đồng hành với bệnh tật gia tăng. Do đó ông đề xuất giải pháp ban hành một fatwa (phán quyết tôn giáo từ chính quyền Hồi giáo) yêu cầu (nhưng không bắt buộc) tăng kết hôn giữa người giàu và người nghèo. Vị Bộ trưởng cho biết ý tưởng này xuất phát từ việc trong xã hội Indonesia tồn tại thành kiến những người có thu nhập thấp chỉ nên kết hôn với những người có cùng mức thu nhập như vậy và người giàu "phải kén chọn" khi đi tìm bạn đời để tìm ra những người giàu có như mình.

Ông cũng đề xuất xây dựng chương trình cấp chứng chỉ tiền hôn nhân mà theo đó các cặp đôi chưa có kinh tế ổn định nhưng vẫn muốn kết hôn sẽ phải bắt buộc có thẻ pre-employment card. Tấm thẻ này là 1 sáng kiến của Tổng thống Joko Widodo mà theo đó những người có thẻ đang thất nghiệp nhưng sẽ nhận được 1 khoản tiền trợ cấp.

Trong báo cáo mới đây, World Bank cho biết khoảng 115 triệu người Indonesia (tương đương 45% dân số) vẫn chưa đạt được tình trạng kinh tế ổn định. Tuy nhiên, World Bank cũng đánh giá Indonesia đã đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình xóa đói giảm nghèo trong 15 năm qua, đưa tỷ lệ nghèo đói xuống dưới 10%, và tầng lớp trung lưu cũng đã tăng trưởng từ 7% lên 20% dân số.

Ông Muhadjir Effendy sinh năm 1956, từng là Bộ trưởng Văn hóa và Giáo dục trước khi đảm nhiệm chức vụ hiện tại. Từng là 1 mục sư, ông có bằng cử nhân từ ĐH IKIP Malang in 1982, sau đó lấy bằng thạc sĩ hành chính công từ trường UGM và bằng tiến sĩ xã hội học tại ĐH Airlangga.

Ông cũng là tác giả của vài cuốn sách về các chủ đề đa dạng, từ giáo dục đến tôn giáo, chính trị và quân sự. 

Tham khảo Jakarta Post

Thanh Thanh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên