MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng LĐTBXH: Không có chuyện 80% người lao động ở tuổi 35 bị sa thải, thực tế chỉ khoảng 1,9%

Qua khảo sát, ông Đào Ngọc Dung khẳng định, chỉ 11% trong số những người nghỉ việc, xin nghỉ việc thuộc độ tuổi 30-35. Như vậy, tổng số người lao động trong độ tuổi này nghỉ việc tại các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 1,9%.

Chỉ 1,9% số lao động trong độ tuổi tuổi 30-35 bị sa thải

Bà Phùng Thị Tường, ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, Bộ LĐTBXH cần có giải pháp để bảo vệ người lao động trong các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là những lao động nữ bị thất nghiệp ở tuổi 35.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định, ý kiến cho rằng nhiều người lao động trong độ tuổi 30-35 thất nghiệp là không chính xác. Tỷ lệ thực tế không cao như nhiều con số của một đơn vị từng đưa ra.

"Thời gian gần đây, có ý kiến cho rằng, số người lao động trong độ tuổi 30-35 bị doanh nghiệp FDI sa thải lớn. Thậm chí có một viện nghiên cứu nói là doanh nghiệp FDI sa thải tới 80% lao động trong độ tuổi 30-35. Tôi xin xác nhận là không có chuyện này. Tôi cũng đã cùng với đoàn giám sát trực tiếp đến các doanh nghiệp FDI. Chỉ có 11% trong số những người nghỉ việc, xin nghỉ việc nằm trong độ tuổi 30-35. Như vậy, họ chỉ chiếm khoảng 1,9% tổng số người lao động tại các doanh nghiệp" – ông Đào Ngọc Dung xác nhận.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, FDI đang giải quyết việc làm cho 2,68 triệu người. Một số doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn như Pouchen (150.000 người), Samsung (170.000 người), Nike và các đơn vị gia công (400.000 người). Đa số doanh nghiệp FDI quan tâm đến phúc lợi cho người lao động. Sau đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp FDI một số chính sách của doanh nghiệp FDI đã được chiều chỉnh. Bình quân mức lương của người lao động Việt Nam tại các tập đoàn lớn đã đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng.

"Chỉ tính riêng Samsung, hiện đã bỏ tiền ra đào tạo cho 1.986 công nhân học chương trình cao đẳng. Trong đó, 555 người đã tốt nghiệp. Khi tốt nghiệp xong, họ tăng lương cho những người này thêm 977.000 đồng/người/tháng. Samsung cũng vừa nhận thêm 1.862 người, thì có 551 người ở độ tuổi 35" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng thừa nhận rằng, công nhân khu vực FDI cần được chăm lo nhiều hơn nữa. Vì vậy, ngày 02/6 trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ LĐTBXH đã báo cáo vấn đề lên Chính phủ. Nghị quyết Chính phủ, được ban hành sau đó, đã đồng ý để Bộ LĐTBXH xây dựng đề án tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho công nhận FDI khi họ thất nghiệp. Các chính sách sẽ bao gồm việc hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo chuyển nghề khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất, trong khi người lao động đứng trước nguy cơ không có việc làm và phải thay đổi.

Gian nan ký kết lại hợp đồng lao động với Hàn Quốc

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ LĐTBXH có giải pháp để giảm thiểu tình trạng người lao động Việt Nam sống bất hợp pháp ở các nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đã đưa được 134.000 người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài, đạt 128% kế hoạch. Tổng số người lao động ở nước ngoài là khoảng 500.000 và còn khoảng cách lớn so với mục tiêu 1 triệu thanh niên được học tập, lao động ở nước ngoài.

Lấy ví dụ về thị trường lao động Hàn Quốc, ông Đào Ngọc Dung đã kể lại những nỗ lực của Bộ LĐTBXH và Chính phủ nhằm kéo giảm tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, sống bất hợp pháp ở nước sở tại.

"55% lao động Việt Nam tại Hàn Quốc sống bất hợp pháp. Vì vậy, trong 4 năm, phía Hàn Quốc không ký kết bản ghi nhớ về lao động với Việt Nam. Vừa qua Chính phủ đã đưa ra biện pháp mạnh như yêu cầu người lao động ký quỹ, tổ chức thuyết phục tại gia đình… Đồng thời, Chính phủ làm việc với phía Hàn Quốc vì một phần cũng do chủ doanh nghiệp phía Hàn Quốc có nhu cầu trong khi người lao động Việt Nam có tay nghề. Phía Hàn Quốc đã quyết liệt xử lý các doanh nghiệp của họ. Chính vì vậy, trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc đến Việt Nam, chính phía bạn đã chủ đồng đề nghị ký lại bản ghi nhớ về lao động" – ông Đào Ngọc Dung kể.

Một vấn đề khác cũng đang được tập trung giải quyết là chuyện lao động ven biên giới. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, Bộ trưởng Bộ Công An, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phải giải quyết vấn đề 138.000 lao động thường xuyên qua lại biên giới: Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào, Việt Nam - Capuchia. Một lượng lớn lao động còn sang tận biên giới Thái Lan. Những người này có hộ chiếu phổ thông nhưng không có giấy phép hành nghề.

"Tôi đang đẩy mạnh đàm phán, nhưng có nước chưa đồng ý. Cố gắng trong tháng 7 sẽ hoàn hành biên bản ghi nhớ giữa 7 tỉnh của Việt Nam với các tỉnh giáp biên phía Trung Quốc. Vừa rồi Thủ tướng đã đồng ý áp dụng chính sách với 3 nước biên giới như nhau. Nếu làm được sẽ có khoảng 50.000 người qua lại biên giới. Riêng việc giải quyết vấn đề với phía Thái Lan hiện chưa xong" – ông Đào Ngọc Dung cho biết.

An Bình

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên