MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Nâng tuổi nghỉ hưu là điều tất yếu!"

Đây là nhận xét của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ khi trả lời về câu hỏi nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động đến tình trạng thất nghiệp hoặc cơ hội của những người trẻ tuổi.

Đại diện cho Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng cho biết việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động là xu thế tất yếu và được nhiều quốc gia thực hiện.

“Tuổi nghỉ hưu ở nước ta đã được quy định và duy trì từ lâu, đến nay đã có nhiều yếu tố thay đổi, trong đó có sức khoẻ và tuổi thọ của người dân được nâng lên (trên 73 tuổi)”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Cũng theo ông, việc nâng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét một cách tổng thể, phù hợp với tuổi thọ trung bình và điều kiện kinh tế-xã hội; bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động đang làm việc và người bước vào độ tuổi lao động; bảo đảm an sinh xã hội, chế độ hưu trí...

Vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động liên quan đến lực lượng lao động xã hội, quyền lợi của người lao động và có tác động xã hội rộng lớn, nên phải nghiên cứu, phân tích kỹ với nhiều phương án, lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, ông Dũng cho hay.

Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã dự kiến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động trình Quốc hội trong năm 2017. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng từ 55 lên 58 và nam giới từ 60 lên 62.

Việc tăng tuổi hưu được phân theo các ngành nghề. Đối với những ngành nghề nặng nhọc, có tính chất độc hại thì sẽ không kéo dài tuổi nghỉ hưu. Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu đã nhận được sự quan tâm của cả xã hội, bởi những quan ngại về thất nghiệp, cơ hội của người trẻ cũng như tình trạng “tham quyền cố vị” có thể xảy đến.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên