Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện mời người dân đi du lịch trong nước
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã có phát biểu trước Quốc hội về các vấn đề liên quan đến phục hồi ngành du lịch thời kỳ hậu Covid-19.
- 10-06-2020Doanh nghiệp du lịch Việt cần ‘kết bè vượt bão’ sau dịch
- 08-06-2020Hội đồng Tư vấn Du lịch: 8 thủ tục, 1 chương trình quảng bá "Thiên đường an toàn" cùng những kỳ tích Covid-19 để Việt Nam đi trước đối thủ cạnh tranh
- 04-06-2020Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Với thị trường du lịch quốc tế, Việt Nam đã sẵn sàng nhưng chỉ mở khi thực sự an toàn
Ngành du lịch là một lĩnh vực chịu thiệt hại rất nặng do Covid-19, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Trong 5 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm hơn 50%; lượt khách nội địa giảm 58% và tổng thu của ngành du lịch giảm gần 50% so với cùng kỳ.
Trong quý I, có 95% số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đã dừng hoạt động, số doanh nghiệp xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế mới giảm 48%; công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% so với cùng kỳ.
Sau khi có Chỉ thị 19 của Thủ tướng cho phép khởi động lại các hoạt động du lịch nội địa, Thủ tướng đã trực tiếp tuyên bố khởi động lại thị trường du lịch nội địa tại Quảng Ninh ngày 21/5 vừa qua và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".
Hầu hết các địa phương có tiềm năng du lịch, các hiệp hội, doanh nghiệp đồng loạt hưởng ứng kế hoạch kích cầu với nhiều hình thức khác nhau. Nhờ vậy, trong tháng 5, du lịch nội địa bắt đầu phục hồi, doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 780% so với tháng 4 nhưng giảm 90% so với cùng kỳ.
Dù vậy, Bộ trưởng đánh giá Chương trình nội địa mới đạt kết quả thực hiện, còn rất yếu ớt, cần có các giải pháp kích cầu du lịch nội địa.
Về giải pháp để phục hồi ngành du lịch, ông cho rằng, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, coi đây là điểm tựa, bà đỡ, là nền tảng để phục hồi nhanh ngành du lịch.
Các giải pháp cụ thể là tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện lại kích cầu du lịch nội địa, kế hoạch người Việt Nam đi du lịch Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 cũng như các tháng tiếp theo.
Các địa phương cần có các giải pháp làm mới sản phẩm du lịch, nâng cao phát triển du lịch, lan tỏa thông điệp Việt Nam an toàn trên thế giới để có thể đón khách quốc tế sớm nhất có thể.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, độc đáo, phong phú, hấp dẫn, cơ sở hạ tầng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng không thua kém các nước phát triển, giá cả hợp lý.
"Không có lý do gì để chúng ta không đi lịch trong nước", Bộ trưởng nói, "Tôi đề nghị và trân trọng kính mời đồng bào và nhân dân cả nước đi du lịch trong nước", Bộ trưởng kêu gọi.
Giải pháp thứ hai, theo Bộ trưởng, đó là phải phục hồi và phát triển du lịch một cách toàn diện hơn. "Phải thực hiện nghiêm các giải pháp của Thủ tướng về kích cầu du lịch nội địa như tôi đã báo cáo và trong cuộc họp chiều 9/6, Thủ tướng nhấn mạnh không thể đóng cửa hoàn toàn nhưng không mở cửa ồ ạt khi không thể xác định mức độ an toàn với các nước; bảo vệ sức khỏe của nhân dân luôn là ưu tiên hàng đầu, kể cả phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt", ông nói.
Cho nên, ông cho biết Bộ sẽ luôn bám sát tình hình dịch bệnh các nước trên thế giới để phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Thủ tướng để mở cửa từng bước.
Theo ông, để ngành phục hồi hoàn toàn cần trải qua 4 giai đoạn mà Việt Nam đang ở bước đầu tiên, là du lịch nội địa. Các bước tiếp theo lần lược là thí điểm đón khách quốc tế trên cơ sở trao đổi khách song phương với một số quốc gia an toàn; mở rộng số quốc gia khu vực trong thực nghiệm trong đón khách quốc tế; cuối cùng là hoạt động đón khách quốc tế sẽ diễn ra bình thường.
"Chúng ta đang ở giai đoạn một và khi du lịch phục hồi hoàn toàn còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới", ông nói và nhấn mạnh: cuộc cạnh tranh khách du lịch quốc tế sau dịch sẽ rất khốc liệt, vì tất cả các nước đều tranh thủ thời cơ này, xem thử ai có thể tận dụng thời cơ này tốt nhất.