MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nông nghiệp: "Một đoàn tàu có 3 khoang, chúng tôi mới làm được 1, 2 khoang còn lại yếu kém thì trách nhiệm thuộc về Bộ Nông nghiệp chứ không đổ cho ai!"

Trong phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đã có buổi trả lời và trao đổi rất thẳng thắn với các đại biểu về những tồn tại của ngành nông nghiệp, đặc biệt là vụ khủng hoảng thừa thịt lợn.

3 phút thông tin thêm của Bộ trưởng

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường là tư lệnh ngành đầu tiên đăng đàn. Ngay đầu giờ, 68 đại biểu đã đăng ký chất vấn.

Bộ trưởng Cường, trước khi nhận câu hỏi từ đại biểu, đã dành ra 3 phút để thông tin thêm tình hình đến các đại biểu Quốc hội. Trong khoảng thời gian đó, Bộ trưởng nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam vẫn đang ở quy mô nhỏ lẻ, dễ bị tổn thương, việc hội nhập cũng đang là thách thức đối với ngành. Do đó, nông nghiệp Việt Nam rất cần được tái cơ cấu.

Nhận trách nhiệm đó về mình nhưng Bộ trưởng Cường bày tỏ quan điểm các bộ ngành, thành phần trong xã hội cũng cần có trách nhiệm tham gia cùng.

Những cuộc giải cứu triền miên của lợn, dưa hấu…

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm, chất vấn đó là câu chuyện dư thừa trong sản xuất, dẫn đến bài ca muôn thưở: được mùa mất giá được giá mất mùa mà câu chuyện giải cứu lợn hồi tháng 4 là một ví dụ tiêu biểu.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi về căn cứ quy hoạch ngành lợn và đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm. Đại biểu Trần Dương Tuấn thì muốn biết ngoài lợn, hành tím, dưa hấu, từ nay đến năm 2018 còn mặt hàng nào có nguy cơ phải giải cứu để “người dân còn biết đường mà tránh”. Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt ra câu hỏi tương tự, ngoài lợn thì còn gì nữa, và vai trò của quản lý nhà nước trong câu chuyện dư thừa này...

Trả lời, giải trình từng vấn đề một, Bộ trưởng Nông nghiệp cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm: “Chúng tôi không nói là chúng tôi làm tốt hết. Một đoàn tàu có 3 khoang, chúng tôi mới làm được 1, 2 khoang còn lại yếu kém thì trách nhiệm thuộc về Bộ Nông nghiệp chứ không đổ cho ai”.

3 khoang này, ý của Bộ trưởng chính là chuỗi: sản xuất – chế biến – tổ chức thị trường. Ở khâu cuối, không đổ lỗi sang Bộ Công thương, Bộ trưởng Cường nói đó là thuộc trách nhiệm của Bộ trong việc phối hợp, phát hiện, đề xuất, cảnh báo cho người sản xuất.

“Ngay ở nước Bỉ họ có GDP 500 tỉ USD, có 3% dân số làm nông nghiệp, vậy mà họ vẫn có khủng hoảng thừa… Cho nên chúng ta phải cố gắng để tổ chức lại sản xuất, quy hoạch, chế biến”, Bộ trưởng nói.

Ông nhấn mạnh việc sẽ tổ chức lại sản xuất, có kế hoạch giảm ở những chỗ dư thừa để cân bằng lại thị trường. Bên cạnh đó yêu cầu các doanh nghiệp lớn đã sản xuất phải chế biến.

Bộ trưởng giải thích là chính!

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhận xét một số đại biểu như Trần Dương Tuấn đặt câu hỏi khó cho Bộ trưởng Nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là điều cần thiết. Bởi thông qua đó, đòi hỏi Bộ trưởng phải đưa ra được những giải pháp mang tính đột phá, trả lời được những vướng mắc tồn đọng trong thời gian qua.

"Rất nhiều lần đại biểu hỏi nhưng bị lặp đi lặp lại, lặp mãi", ông Phương nói.

Ông cũng nhận xét các vấn đề được đại biểu đưa ra là nóng, được cử tri quan tâm nhưng nó cũng không mới, đã được chất vấn nhiều lần trước đó. "Bộ trưởng trả lời lần này mang tính giải thích là chính, chưa đưa ra được giải pháp đột phá về tổng thể lâu dài", đại biểu Phương nói.

Trong khi đó, trả lời bên lề về chất lượng chất vấn Bộ trưởng đầu tiên, ông Phạm Kim Đoán, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai tỏ ra đồng tình với Bộ trưởng Cường. Tuy nhiên, ông thể hiện tâm tư, mong Bộ trưởng chấm dứt được tình trạng chăn nuôi thua lỗ kéo dài trong 7 tháng qua, tránh hệ luỵ xấu trong xã hội. “Chúng ta đi sản xuất để xuất khẩu nhưng không thể quên những người chăn nuôi ở nông thôn”, ông Đoán nói.

Bên cạnh đó, ông đề nghị Bộ Nông nghiệp phải có luật quy định số lượng chăn nuôi của từng doanh nghiệp, nếu đơn vị nào nuôi quá quy định phải chịu xử phạt. “Phải thực hiện ngay đối với doanh nghiệp FDI. Nếu không giảm thì lượng dư doanh nghiệp phải tìm cách tự xuất khẩu”, ông nói.

Một câu hỏi khó khác dành cho Bộ trưởng đến từ đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM). Bà Tâm hỏi: "Người nông dân Việt Nam rất chăm chỉ, cần cù nhưng cuộc sống vẫn vất vả. Bộ trưởng có biết người nông dân đang nghĩ gì về trách nhiệm của bộ trưởng không? Bộ trưởng có biết người nông dân đang mong muốn bộ trưởng làm gì để thể hiện trách nhiệm của mình không?".

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: "Trước hết phải nói rằng người nông dân không chỉ trông chờ mỗi bộ trưởng, mà họ trông chờ cả hệ thống của chúng ta". Bộ trưởng gửi lời cảm ơn vừa qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, cùng với bà con làm được một số việc.

"Thế còn ông bộ trưởng thì ông phải quyết tâm làm tốt, liên kết tốt đi, chỉ đạo cho tốt trong lĩnh vực của mình…", ông nói.

Tuy nhiên, câu trả lời không làm đại biểu Quyết Tâm hài lòng và vị này đã giơ biển tranh luận ngay sau đó.

"Tôi chia sẻ với bộ trưởng là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Nhưng hôm nay Quốc hội chất vấn bộ trưởng, tôi muốn hỏi bộ trưởng về trách nhiệm của mình chứ không phải nói cả hệ thống chính trị", bà nói.

Bà Tâm phân tích: "Tôi gặp rất nhiều bà con và có cảm nhận là chúng ta đang ứng xử với nông dân, nông thôn, nông nghiệp theo kiểu cái gì dễ thì làm. Không chỉ bộ trưởng Nông nghiệp mà các bộ trưởng khác cũng vậy, chưa thật sự có giải pháp đột phá”.

“Tôi xem truyền hình thấy có thứ trưởng bộ Nông nghiệp trả lời rằng sản phẩm dư thừa là do bà con nông dân cứ thấy cái gì lợi là làm. Trả lời như vậy là thiếu trách nhiệm, bởi bà con thấy lợi là làm là đúng rồi, còn trách nhiệm của bộ ở đây như thế nào?", đại biểu Quyết Tâm nói.

Cuối giờ sáng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng được yêu cầu giải trình thêm. Phó Thủ tướng nói: "Tôi rất chia sẻ với bà con nông dân, ví dụ như tình trạng giá thịt lợn rớt trong thời gian qua".

Ông nói: "Quy hoạch không đúng thực tế, không phù hợp với thị trường, nhưng điều chỉnh quy hoạch lại chậm, không kịp thời. Đã thế tình trạng đầu tư vượt quy hoạch, ngoài quy hoạch diễn ra khá phổ biến, ví dụ như cây cao su vượt quy hoạch hàng chục ngàn ha".

Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng còn manh mún, quy mô vẫn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình. Công tác phát triển thị trường còn hạn chế, các thị trường chính vẫn thiếu tính ổn định.

Theo Phó thủ tướng, giải pháp là hình thành các vùng sản xuất lớn, gắn với thị trường trong nước, quốc tế và gắn với xây dựng thương hiệu.

Nhận xét về phiên trả lời chất vấn về vấn đề nông nghiệp của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phần trả lời chất vấn về nông nghiệp đã đạt yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây không phải lần đầu tiên Quốc hội dành thời gian để các lãnh đạo ngành nông nghiệp trả lời những vấn đề nóng của lĩnh vực mình. Tại kỳ họp lần này, việc Quốc hội dành phiên chất vấn đầu tiên để Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đăng đàn cũng thể hiện sự quan tâm, quan trọng của cử tri với những vấn đề nóng trong nông nghiệp.

"Bộ trưởng đã nắm rõ tình hình, trả lời thẳng thắn, nhận trách nhiệm làm rõ vấn đề cũng như đưa ra giải pháp khắc phục những bất cập của ngành", Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

“Tuy vậy một số vấn đề Bộ trưởng chưa trả lời hết nội dung. Một số nội dung chưa nêu được giải pháp đột phá. Nhưng nhìn chung thấy rằng các đại biểu hài lòng”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên