Bộ trưởng Tài chính: Không tăng thuế giá trị gia tăng, tiếp tục nghiên cứu thuế tài sản
Thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài sản là những nội dung được ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh trong phần trình bày, giải đáp ý kiến của các đại biểu Quốc hội sáng nay (26/5).
- 26-05-2018Bộ trưởng Công Thương "xin phép" Quốc hội rút một nhà máy khỏi 12 đại dự án nghìn tỷ thua lỗ
- 26-05-2018Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế và hút FDI một cách có chọn lọc
- 26-05-2018Chủ tịch Dabaco: Kinh tế tư nhân như đội quân thuyền thúng!
- 26-05-2018Bộ trưởng LĐTBXH: Nếu tính được hết kinh tế ngầm, tôi tin năng suất lao động Việt Nam không phải như thế này!
Không tăng thuế Giá trị gia tăng
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện thể chế về thu ngân sách nhằm triển khai Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội.
Về Luật thuế Giá trị gia tăng, tiếp thu ý kiến người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan liên quan, Bộ Tài chính sẽ giữ mức thuế phổ thông ở mức 10%, không nâng mức thuế lên 11-12% như dự thảo ban đầu. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ kết cấu lại các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 0%, 5% và không chịu thuế nhằm đảm bảo công bằng, hạn chế chính sách an sinh xã hội được lồng ghép trong chính sách thuế làm mất tính trung lập của thuế.
Về thuế Bảo vệ môi trường và thuế Tiêu thụ đặc biệt, Bộ tài chính đang nghiên cứu theo hướng mở rộng đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý, phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và định hướng tiêu dùng trong tình hình mới.
Về thuế Tài sản, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu theo hướng tạo công bằng xã hội, thêm cơ sở để quản lý xã hội, định hướng thị trường, đảm bảo công khai minh bạch tài sản, phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng.
"Mục tiêu tăng thu cho ngân sách là một mục tiêu nhưng là mục tiêu thứ yếu. Vừa qua mới là phương án nghiên cứu ban đầu thì đã có nhiều ý kiến. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh trong thời gian tới" – ông Đinh Tiến Dung khẳng định.
Tỷ trọng thu ngân sách từ dâu thô và xuất nhập khẩu đã giảm
Theo ông Đinh Tiến Dũng, tỷ lệ huy động vào NSNN từ thuế và phí đạt mục tiêu đã đề ra. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đều vượt so với dự toán (năm 2016, vượt 9,3%, năm 2017 vượt 6,3%). Tỷ trọng huy động vào NSNN bình quân là 25,2% GDP, trong đó từ thuế và phí là 21,3% GDP. Trước đó, mục tiêu đặt ra là huy động không thấp hơn 23,5 %, trong đó từ thuế và phí khoảng 21%. Điều này góp phần đảm bảo các nhiệm vụ chi cho ngân sách.
Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu nội địa bình quân 2 năm (2016-2017) đạt 80% tổng thu cân đối NSNN, trong khi giai đoạn 2011 – 2015 là 68%. Tỷ trọng thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu mà NSTW hưởng 100% đều giảm. Năm 2011, thu dầu thô chiếm 16% tổng thu cân đối ngân sách, nay còn 3,8%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2011 chiếm 21,6% tổng thu ngân sách, nay còn 15,4%.
"Chính sách thu tiếp tục được hoàn thiện theo hướng giảm nghĩa vụ nộp thuế, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm từ 23% xuống 20% năm 2016. Thực tế, trong 2 năm, do thực hiện nhiều ưu đãi, miễn giảm thuế nên thu được khoảng 15% thuế thu nhập doanh nghiệp. Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thu được trên 10%. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng mức thuế suất ưu đãi thấp hơn, được miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết nội nhập" – ông Đinh Tiến Dũng cho biết.
Đã phát hiện chuyển giá sau thanh tra
"Năm 2016, cơ quan kiểm toán đã kiểm toán, kiến nghị tăng thu ngân sách 19,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tăng thu các khoản thuế và phí, lệ phí là 3,6 nghìn tỷ đồng. Năm 2017, ngành tài chính đã thanh tra, kiểm tra kiến nghị xử lý tài chính và phát vi phạm hành chính trên 55 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thanh tra của cơ quan thuế tăng thu ngân sách 19 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ 1,8 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 37,6 nghìn tỷ đồng (giảm lỗ phần nào là chuyển giá)" – Ông Đinh Tiến Dũng cho biết.
Về quản lý thuế, nợ đọng thuế đã giảm cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, số thuế nợ đọng giảm từ 81,97 nghìn tỷ đồng (năm 2016) xuống còn 73,1 nghìn tỷ (cuối năm 2017), tương ứng giảm 10,8%. Riêng số nộp thuế có khả năng thu hồi giảm từ 31,7 nghìn tỷ đồng (năm 2016) xuống 26 nghìn tỷ (năm 2017), tương ứng giảm 18%, bằng khoảng 2,5% tổng thu ngân sách.
Cùng với đó, thu hồi nợ đọng thuế cũng được tăng cao qua các năm. Năm 2016 thu 39,7 nghìn tỷ đồng. Năm 2017 là 44,77 nghìn tỷ đồng, trong số thuế nợ đọng còn lại, số nợ thuế không có khả năng thu hồi đến cuối 2017 là 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6 nghìn tỷ đồng so với cuối 2016, chiếm 43% tổng nợ thuế.
"Đây là các khoản nợ thuế của các đối tượng đã chết, mất tích, doanh nghiệp giải thể, không còn tài sản để thu hồi, nhưng chưa được xóa. Và vì chưa được xóa nên theo quy định là vẫn phải theo dõi và tính phạt chậm nộp 0,03%/ngày nên số nợ này càng tăng. Ngoài ra còn có khoản tiền phạt và chậm nộp là 15,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng số nợ cũng là khoản thu khó đòi. Chúng tôi đang tích cực rà soát để trình cuộc hội xóa khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi, đảm bảo phản ảnh đúng thực chất số nợ thuế, minh bạch trong quản lý thuế" – Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.