MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Tài chính: Nợ công Việt Nam liên tục "phình to", áp lực trả nợ lớn

Sau 6 năm đi vào thực thi, dù đã có nhiều đóng góp quan trọng, nhưng Luật Quản lý nợ công đã dần bộc lộ những điểm bất cập. Một trong những điểm yếu đó, là việc nợ công Việt Nam liên tục “phình to”.

Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn

Luật Quản lý nợ công ra đời năm 2009, từ thời điểm có hiệu lực, đi vào triển khai tính đến nay đã được hơn 6 năm.

Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong khoảng thời gian đấy, Luật đã góp phần quan trọng trong huy động vốn và bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện cho địa phương huy động vốn vay phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu nợ có chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng vay trong nước, giảm tỷ trọng vay nước ngoài...

“Qua đó góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước”, Bộ trưởng Dũng nói.

Dù vậy, sau hơn 6 năm thời gian, Luật Quản lý nợ công 2009 cũng tồn tại một số hạn chế trên hai mặt chủ yếu.

Theo Bộ trưởng Dũng, thứ nhất, về mặt pháp luật đã bộc lộ một số bất cập như quan điểm khác nhau về phạm vi nợ công; sự chưa phân định rõ ràng và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa quản lý nợ công, quản lý ngân sách và đầu tư công; Yêu cầu tách bạch quy định về quản lý vốn vay của Chính phủ theo từng nguồn vốn huy động; các quy định về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ cũng tồn tại nhiều rủi ro...

Bên cạnh đó, một số quy định về phân định chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các cơ quan có liên quan trong quản lý nợ công đã không còn phù hợp trong bối cảnh Hiến pháp năm 2013 và một số Luật, đặc biệt là các Luật có liên quan trực tiếp đến quản lý nợ công đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực thực hiện thời gian qua như Luật Đầu tư công năm 2015 và Luật NSNN năm 2015.

Thứ hai, Bộ trưởng nhận xét rằng công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập chủ yếu như: nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ (ngoài sự gia tăng nợ trong nước), đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Cụ thể chỉ tính riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ (trong đó vay ODA, vay ưu đãi chiếm trên 94%) đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần, tập trung vào 3 nhà tài trợ chính: Ngân hàng Thế giới tăng 11,5 lần (274,2 nghìn tỷ đồng/23,9 nghìn tỷ đồng); Ngân hàng Phát triển Châu Á tăng 20,3 lần (151,1 nghìn tỷ đồng/7,5 nghìn tỷ đồng); Nhật Bản tăng 6,8 lần (243,9 nghìn tỷ đồng/35,9 nghìn tỷ đồng).

Việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, trên thực tế đã có một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng trả thay. Mặt khác, còn thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối trả nợ.

Lý giải cho nguyên nhân này, Bộ trưởng cho biết chủ yếu là do cơ cấu nền kinh tế, mô hình tăng trưởng dựa vào vốn là chính, cơ sở hạ tầng, xã hội còn yếu kém, áp lực vốn đầu tư lớn trong khi tích luỹ nội địa nền kinh tế còn mỏng....

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tâm lý bao cấp từ nhà nước, nhất là vốn ODA và trái phiếu Chính phủ; năng lực của một số chủ dự án hạn chế; vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư...

Cần sửa đổi Luật Quản lý nợ công

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các quy định của pháp luật nói chung và các quy định liên quan đến công tác quản lý nợ công nói riêng là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cũng để khắc phục những tồn đọng trong hơn 6 năm qua.

Đối với dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi lần này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết gồm 10 Chương, 67 Điều, so với 7 Chương, 49 Điều của Luật Quản lý nợ công năm 2009.

Về bố cục, Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) bổ sung 3 chương mới, 18 Điều so với Luật hiện hành và sửa đổi 44 trong tổng số 49 Điều của Luật hiện hành.

Nội dung của Luật, Bộ trưởng Dũng đề xuất phải làm rõ về phạm vi, công cụ quản lý nợ công; phân định giữa quản lý ngân sách, đầu tư công và quản lý nợ công; công tác giám sát và đảm bảo an toàn nợ công; quản lý rủi ro; thống kê, kế toán, kiểm tra, giám sát nợ công, nâng cao và gắn trách nhiệm giải trình với chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công của các cơ quan có liên quan.

Trong những điểm sửa đổi, đáng lưu ý, về phạm vi nợ công, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nợ công không bao gồm nợ tự vay, tự trả của DNNN, đơn vị sự nghiệp công và tổ chức kinh tế khác của nhà nước.

Về nguyên tắc quản lý nợ công, mặc dù kế thừa hầu hết nguyên tắc đã nêu tại điều 5 của Luật hiện hành, dự thảo đã bổ sung thêm nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép; gắn trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động vay, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc ”không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước”...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý, trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, việc tiếp cận nguồn vốn vay ODA ngày càng hạn chế và dần phải tiếp cận với các nguồn vốn kém ưu đãi và nguồn vốn thương mại theo điều kiện thị trường. Do đó, việc phân loại về nguồn vốn vay gắn với tính chất, điều kiện từng nguồn vốn vay của Chính phủ cũng là giải pháp tích cực để có các quy định tương ứng về quản lý sử dụng, từ khâu huy động, xác định đối tượng sử dụng vốn và quy trình quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay của Chính phủ và đảm bảo an toàn nợ theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên