Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ một số kênh quan trọng có thể hỗ trợ, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp thời dịch Covid-19
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh những đánh giá, dự báo vừa qua là chưa đủ. Việt Nam vẫn cần theo dõi sát sao tình hình trong nước và quốc tế, thậm chí tính đến những phương án xấu nhất." Các doanh nghiệp phải tính trước, tiên liệu trước để xây dựng các kế hoạch vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp khác nhau", ông chia sẻ bên lề họp báo chiều 20/3.
- 20-03-2020CNBC: 25 triệu người có thể bị "thổi bay" khỏi thị trường lao động vì coronavirus, nhiều hơn thời khủng hoảng tài chính toàn cầu
- 20-03-2020Time: Những kệ giấy vệ sinh trống rỗng và mối quan hệ với nỗi sợ hãi lây lan nhanh hơn cả virus
- 19-03-2020Đà Nẵng với cơ hội trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của Việt Nam và Đông Nam Á
- 19-03-2020Liệu đây có phải là lời giải cho câu hỏi hóc búa giáo dục thời dịch Covid-19?
-Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày phản ánh các đối tác ở thị trường châu Âu, Mỹ đang có động thái dừng các đơn hàng đã đặt. Bộ Công thương đã tiếp nhận thông tin này chưa? Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Trước tiên tôi khẳng định châu Âu, Bắc Mỹ là những thị trường trọng điểm và được Bộ Công thương rất quan tâm. Bởi phát triển ở những nơi này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thực hiện được mục tiêu trong tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển thương mại quốc tế.
Như đã biết, thời gian qua các doanh nghiệp công nghiệp và phân phối trong chuỗi cung ứng Việt Nam gặp khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, Hàn Quốc. Khó khăn này đến từ nguồn cung cho các chuỗi dệt may, da giày, đồ gỗ. Đến nay, khó khăn ngày càng lan rộng do dịch bệnh lan toả đến thị trường châu Âu, Mỹ, thậm chí là toàn cầu.
Dịch bệnh làm các quốc gia ở những thị trường này phải thực hiện các chính sách chống dịch quyết liệt như phong toả thành phố, bang, thậm chí là toàn quốc. Việc dừng các hoạt động vận chuyển, phân phối khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Do đó, quan hệ thương mại của Việt Nam với những nước này bị ảnh hưởng.
Thực tế là trong và đến cuối tháng 2, một số đơn hàng, hợp đồng của Việt Nam sang các thị trường này đã bị giảm tiến độ, chủ yếu là do tác động về nguồn cung. Nhưng đến đầu tháng 3, hiện tượng giãn tiến độ, thậm chí huỷ đông hàng và không có đơn hàng mới đã trở nên phổ biến hơn trong lĩnh vực dệt may, da giày từ các khu vực châu Âu, Mỹ.
Về điều này, Bộ Công thương luôn bám sát các diễn biến của thị trường toàn cầu cũng như các thị trường trọng điểm đồng thời có những phân tích, dự báo về diễn biến dịch bệnh để có sự chuẩn bị chủ động cả phía Chính phủ và doanh nghiệp.
Bộ Công thương từng có văn bản báo cáo Thủ tướng trong đó khẳng định chắc chắn các thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ sẽ bị tác động do diễn biến bệnh dịch phức tạp. Đến giờ, trong tháng 3, chúng ta đã chứng kiến nhiều hợp đồng bị huỷ, số đơn hàng mới giảm. Điều này phù hợp với các dự đoán trước đó.
Bộ Công thương cho rằng cần phải lường trước được về tình trạng dịch bệnh tăng lên về quy mô trong thời gian tới vì nhiều đánh giá cho rằng chưa đến đỉnh dịch ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ. Các nước này đã có biện pháp phong toả nhưng chưa hiệu quả. Như vậy, tình hình có thể phức tạp hơn khiến cho hoạt động thương mại bị ảnh hưởng lớn hơn.
- Vậy Bộ Công thương có những khuyến nghị và giải pháp hỗ trợ nào cho doanh nghiệp trước mắt và lâu dài?
Bộ Công thương đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khác theo định hướng của Chính phủ. Đầu tiên, phải khẳng định mục tiêu tiên quyết là chống dịch, đảm bảo an toàn về sức khoẻ, tính mạng người dân. Nghĩa là các hoạt động kinh tế, thương mại... phải dựa trên nguyên tắc này.
Thủ tướng cũng nói đến mục tiêu kép, tức phải tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu được những thiệt hại cho nền kinh tế trong phạm vi có thể làm được. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng ưu tiên về con người vẫn đặt số 1. Chúng ta có thể chấp nhận những thiệt hại kinh tế để bảo toàn con người.
Để giải quyết vấn đề kinh tế, đầu tiên vẫn là quan sát sát sao diễn biến của dịch và có sự phối hợp với cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, những dự báo, đánh giá chung là chưa đủ, cần thêm những đánh giá, dự báo về tác động trực tiếp đến các ngành hàng. Chúng ta phải tính đến cả những yếu tố rất xấu như cắt giảm sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu... Nhiều tình huống bất khả kháng thì Việt Nam cũng không thể nào làm khác được. Do đó, các doanh nghiệp cũng phải tiên liệu trước để xây dựng các kế hoạch vượt qua khó khăn bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Doanh nghiệp cũng có thể dựa vào nguồn lực, sự hỗ trợ của Chính phủ dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, nỗ lực của doanh nghiệp và người lao động cũng rất quan trọng.
Các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công thương đang tập trung đánh giá nhiều ngành hàng để có cái nhìn kỹ hơn về các tác động trong và ngoài nước từ đó có báo cáo, định hướng chính sách phù hợp.
-Bộ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về nguồn lực, sự hỗ trợ của Chính phủ mà doanh nghiệp có thể dựa vào?
Tôi cho rằng có một số kênh quan trọng để hỗ trợ, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch Covid-19 này.
Thứ nhất là kênh về tài chính và các chính sách thuế, phí. Chúng tôi cho rằng cần có những động thái quyết liệt hơn của bộ ngành để cắt giảm thuế phí cho doanh nghiệp, ví dụ như thuế TNDN, GTTT, TTĐB...
Việc cắt giảm phí trong các ngành, dịch vụ, cũng cộng hưởng vào giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sức sản xuất. Đi kèm với đó cần có những biện pháp cải cách hành chính để bản thân các gói hỗ trợ, chính sách đến đúng đối tượng và kịp thời. Nếu không sẽ không phát huy được hiệu quả đặt ra.
Kênh thứ hai là tín dụng và ngân hàng. Tôi cho rằng gói tín dụng mà NHNN mới ban hành rất có ý nghĩa. Sắp tới đây khi đưa vào thực hiện thì cần tiếp tục theo dõi và điều chỉnh vì tình hình trong và ngoài nước thay đổi rất nhanh nên các cơ chế, chính sách tài chính cũng phải cập nhật kịp thời. Điều này đảm bảo hiệu quả chung cho cả ngân hàng và doanh nghiệp được hỗ trợ.
Kênh tiếp theo là đầu tư công. Đây là nguồn lực còn rất lớn lên đến nhiều trăm nghìn tỷ mà chúng ta cần những chính sách giúp đẩy nhanh giải ngân. Nếu giải ngân được đầu tư công trong năm 2020 thì nó không chỉ giúp doanh nghiệp vượt khó mà còn giúp tạo thuận lợi chung cho cả nền kinh tế.
Kênh thứ 4, tôi cho rằng cần đánh giá tác động đến cả chủ doanh nghiệp và người lao động. Như chúng ta đã biết, dệt may, da giày là những ngành có thâm dụng lao động lớn, lên đến 4 triệu người. Nếu giảm thị trường, sản xuất ảnh hưởng đến người lao động thì sẽ là gánh nặng lớn đến nền kinh tế. Do đó, cần có những cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp duy trì được đội ngũ này. Bởi sau khi dịch kết thúc, chúng ta còn cần đội ngũ này để phát triển. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp Việt là nhỏ và vừa nên cần duy trì được mạch lao động, sản xuất.
Cuối cùng cần thúc đẩy, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước. Thị trường trong nước vẫn còn nhiều dư địa do đó cần ưu tiên phát triển mạnh. Hãy coi đây là cơ hội để phát triển thị trường hàng hoá bán lẻ trong nước, phát triển hạ tầng thương mại – trong đó có thương mại điện tử...
Tôi cho rằng dù dịch bệnh thế nào đi chăng nữa, kịch bản có phức tạp ở mức độ nào thì tin tưởng rằng với nỗ lực chung của toàn thế giới cùng với sự tiến bộ của y học, chúng ta sẽ khắc phục được.