Bộ Tư pháp nói về 630 tỉ đồng ông Đinh La Thăng phải bồi thường
Tổng Cục thi hành dân sự (Bộ Tư pháp) chiều 6-4 cho biết dù bị tuyên buộc bồi thường tổng cộng 630 tỉ đồng song tài liệu được công bố của 2 vụ án không thể hiện ông Đinh La Thăng bị kê biên tài sản.
- 30-03-2018Ngoài phải bồi thường 600 tỷ, bị cáo Đinh La Thăng còn phải nộp hơn 700 triệu đồng án phí
- 29-03-2018Phiên tòa 29/3: Ông Đinh La Thăng bị tuyên 18 năm tù, bồi thường 600 tỷ
- 24-03-2018Ông Đinh La Thăng nghẹn ngào nói lời sau cùng: Dù có xin lỗi ngàn lần cũng không thay đổi được sự thật đớn đau
Chiều 6-4, tại cuộc họp báo quý I-2018 của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thi hành án dân sự, đã trả lời một số nội dung liên quan đến bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đã tuyên đối với ông Đinh La Thăng (nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị (HĐTV/HĐQT) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam-PVN) trong đó về trách nhiệm dân sự, buộc ông Thăng phải bồi thường 600 tỉ đồng trong vụ án PVN góp vốn vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn trả lời câu hỏi của phóng viên
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, vụ xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm đến nay bản án chưa có hiệu lực nên chưa thể nói rõ về số tiền mà ông Thăng phải bồi thường theo trách nhiệm nhân sự.
"Tổng cục thi hành án dân sự có trách nhiệm, thẩm quyền tổ chức thi hành trách nhiệm dân sự trong các bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật. Với nội dung đã nêu, vụ án ông Đinh La Thăng bản án chưa có hiệu lực pháp luật. Theo tôi, chỉ khi nào bản án có hiệu lực, tòa án chuyển sang thì chúng tôi sẽ tổ chức thi hành"- ông Sơn nói.
Dù bị tuyên buộc bồi thường với số tiền nêu trên song tài liệu được công bố của 2 vụ án không thể hiện ông Đinh La Thăng bị kê biên tài sản, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng nếu không có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn thì rất khó thu hồi tài sản, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án PVN góp vốn vào Oceanbank - ảnh: TTXVN
"Việc áp dụng áp dụng các biện pháp khản cấp tạm thời thuộc thẩm quyền của các cơ quan tố tụng trước khi cơ quan thi hành án tiến hành phần việc của mình. Trong vụ án ông Đinh La Thăng, tại sao không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì chúng tôi khó trả lời. Chúng tôi mong muốn các cơ quan tố tụng nên áp dụng các biện pháp khẩn cấp để công tác thi hành án, thu hồi tài sản hiệu quả hơn"- ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Ngày 29-3, ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch HĐQT PVN, bị TAND Hà Nội phạt 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, ông còn bị tuyên buộc bồi thường thiệt hại 600 tỉ đồng cho PVN.
Toà Hà Nội kết luận, ông Thăng đã ký thỏa thuận góp 800 tỉ đồng của PVN vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) vào cuối năm 2008 mà không thông qua HĐQT. Từ cuối năm này tới giữa năm 2011, ông chỉ đạo thuộc cấp 3 lần góp vốn mà chưa được sự đồng ý của Thủ tướng, trái quy định của pháp luật. Hậu quả, PVN bị mất 800 tỉ đồng khi lãnh đạo OceanBank mắc hàng loạt sai phạm.
Trước đó, ở phiên tòa diễn ra tháng 1, ông Thăng cùng ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC)) và 20 người bị TAND Hà Nội xét xử về 2 tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999).
Ông Thăng bị kết tội đã chỉ định thầu và cấp tiền tạm ứng trái luật cho PVC trong thi công Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Chỉ đạo của ông Thăng bị cho rằng đã tạo điều kiện cho ông Trịnh Xuân Thanh cùng thuộc cấp sử dụng sai mục đích hơn 1.000 tỉ đồng của nhà nước mà cụ thể là PVN, gây thiệt hại 119 tỉ đồng. Tại vụ án này, ông Thăng bị phạt 13 năm tù, buộc bồi thường 30 tỉ đồng.
Sau 2 phiên tòa, tổng số tiền ông Thăng phải bồi thường là 630 tỉ đồng.
Người lao động