MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bỏ túi" 500 tỷ từ tái cấu trúc khoản đầu tư, Vinalines từ lỗ chuyển sang lãi

17-01-2019 - 19:53 PM | Doanh nghiệp

Đây có thể là kết quả của động thái trước đó, Tổng Công ty vừa hoàn tất chuyển nhượng hơn 5,5 triệu cổ phiếu VST của Vitranschart, giảm tỷ lệ sở hữu từ 58% xuống 48,99% - đồng nghĩa với việc Vitranschart từ công ty con trở thành công ty liên kết của Vinalines. Sự thay đổi "nhỏ" này lại có ý nghĩa "lớn" đối tình hình tài chính của Vinalines khi không còn phải "cõng" khoản lỗ lũy kế gần 1.500 tỷ đồng của Vitranschart.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã công bố thông tin tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Năm 2018, Tổng Công ty đạt sản lượng vận tải biển đạt hơn 26,7 triệu tấn, vượt 24,5% kế hoạch. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt gần 97 triệu tấn, tăng trưởng gần 10% so với năm 2017. Tương ứng, doanh thu đạt gần 14.000 tỷ đồng vượt gần 3% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 365 tỷ đồng. Vinalines cho biết, sau công tác tái cơ cấu tài chính, xử lý tài sản, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, tập trung phát triển khách hàng, kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2018 đã đạt kết quả khả quan, trong đó khối vận tải biển giảm lỗ đến 70%.

Chỉ sau 3 tháng, từ mức lỗ ròng 174 tỷ chuyển thành lãi trước thuế 365 tỷ đồng

Có thể thấy rằng, số tiền lãi 365 tỷ của Vinalines thực sự là một "kỳ tích" khi 9 tháng đầu năm, với kết quả lỗ thêm 174 tỷ đồng, Vinalines đã nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối quý 3/2018 lên 3.434 tỷ đồng.

Đây có thể là kết quả của động thái trước đó, Tổng Công ty vừa hoàn tất chuyển nhượng hơn 5,5 triệu cổ phiếu VST của CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart), giảm tỷ lệ sở hữu từ 58% xuống 48,99% - đồng nghĩa với việc Vitranschart từ công ty con trở thành công ty liên kết của Vinalines. Sự thay đổi "nhỏ" này lại có ý nghĩa "lớn" đối tình hình tài chính của Vinalines khi không còn phải "cõng" khoản lỗ lũy kế gần 1.500 tỷ đồng của Vitranschart.

Hệ quả kéo theo, khi VST chỉ còn là công ty liên kết, Vinalines dự kiến chỉ phải "gánh" tối đa số tiền mà Tổng Công ty đầu tư vào VST, tương đương 299 tỷ đồng (tương ứng mệnh giá của gần 30 triệu cổ phiếu còn lại). Đồng thời, việc VST có tiếp tục lỗ thêm cũng không ảnh hưởng tới tình hình tài chính của Vinalines.

Khoản chênh lệch giữa 2 con số đạt hơn 550 tỷ đồng sẽ là khoản thu nhập bất thường ghi nhận vào kết quả kinh doanh của Vinalines. Do giao dịch giảm tỷ lệ sở hữu hoàn tất vào ngày 28/12 nên khoản lợi nhuận trên nhiều khả năng sẽ được ghi nhận ngay vào niên độ tài chính 2018.

2019 tiếp tục kỳ vọng có lợi nhuận 710 tỷ đồng

Đặt kế hoạch năm 2019, Tổng Công ty dự kiến sản lượng vận tải biển đạt khoảng 18 triệu tấn, hàng thông qua cảng khoảng 107 triệu tấn. Theo đó, doanh thu kỳ vọng đạt khoảng 12.714 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước, tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế hơn 710 tỷ đồng, tăng trưởng 94%.

Về đầu tư, Vinalines được Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng nhắc nhở hoàn thành các thủ tục để sớm đầu tư hai bến 3,4 cảng Lạch Huyện…

Một thông tin đáng quan tâm khác, ngày 17/1 tới đây, hơn 4 triệu cổ phiếu của CTCP Tư vấn Xây dựng Công trình Hàng Hải sẽ chính thức giao dịch trên hệ thống UPCoM với mã chứng khoán TVH. Giá tham chiếu trong phiên đầu tiên ở mức 34.500 đồng/cp. Công ty được thành lập từ năm 1966 và sau đó được chuyển về làm thành viên hạch toán độc lập của Vinalines từ 2004. Hiện Vinalines đang nắm 49% vốn TVH.

Năm 2017, Tư vấn Xây dựng Công trình Hàng Hải ghi nhận tổng doanh thu đạt 111 tỷ đồng, bằng 91% so với 2016 và lợi nhuận trước thuế hơn 22 tỷ đồng, giảm đến 48%. Được biết, việc suy giảm là do năm 2016 có ghi nhận chuyển nhượng bất động sản G21 Làng quốc tế Thăng Long, nếu loại bỏ yếu tố bất thường này thì doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng 14% và 11% so với năm 2016.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên