Bộ xét nghiệm ở Tanzania phát hiện 1 quả đu đủ và 1 con dê "dương tính" với COVID-19
Tổng thống Tanzania đã tỏ ra nghi ngờ về độ chính xác của các bài xét nghiệm virus corona ở nước này sau khi một con dê và một quả đu đủ có kết quả "dương tính" với COVID-19.
Chính quyền của tổng thống Tanzania John Magufuli trong thời gian qua đã phải chịu nhiều chỉ trích vì sự ứng phó không hợp lí với đại dịch COVID-19 và từng kêu gọi mọi người cầu nguyện để dịch bệnh biến mất. Mới đây, ông Magufuli cho biết một số bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 nhập khẩu từ nước ngoài "bị lỗi kỹ thuật", tuy nhiên ông không tiết lộ lô hàng này tới từ đâu.
Theo lệnh của tổng thống, đội ngũ an ninh đã kiểm tra chất lượng của bộ xét nghiệm bằng cách thử một số mẫu không phải của con người, bao gồm từ một quả đu đủ, một con dê và một con cừu. Họ dán nhãn những mẫu này với tên và tuổi của người rồi gửi tới phòng thí nghiệm ở Tanzania để xét nghiệm virus corona mà không cho những người xét nghiệm biết nguồn gốc thực sự của chúng.
Ông Magufuli nói kết quả dương tính đối với con dê và quả đu đủ cho thấy một số người bị kết luận dương tính có thể là dương tính giả.
"Rõ là có chuyện gì đó. Tôi đã nói trước rằng chúng ta không nên coi mọi sự viện trợ đều là có ý tốt cho đất nước này," ông Magufuli tuyên bố, và khẳng định sẽ điều tra thêm về bộ xét nghiệm.
Tanzania đã ghi nhận 480 ca dương tính với COVID-19 và 17 ca tử vong.
Tuy nhiên, không như những quốc gia châu Phi khác, chính phủ Tanzania không thường xuyên cập nhật thông tin mà đợi nhiều ngày sau mới cập nhật.
Ông Magufuli nói ông đang cử máy bay đi nhận một phương thuốc thảo dược được tổng thống Madagascar đề xuất. Tuy nhiên, loại thuốc này chưa được kiểm nghiệm hay xác nhận công hiệu bởi cộng đồng quốc tế trong quá trình điều trị COVID-19.
"Tôi đang liên lạc với Madagascar. Họ đã có thuốc. Chúng ta sẽ cử máy bay tới đó và các loại thuốc sẽ được đem về Tanzania," ông nói. Tổng thống Congo-Brazzaville cũng cam kết sẽ nhập khẩu loại thuốc này.
Được biết, loại thuốc được điều chế từ một loại thảo dược thường được dùng để chữa trị bệnh sốt rét.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng hiện tại vẫn chưa có bằng chứng nào về một loại thuốc đặc trị đối với COVID-19 và cũng khuyến nghị người dân không nên tự chữa trị.
Cộng đồng quốc tế vẫn đang tìm cách hữu hiệu để chữa bệnh, và WHO khẳng định rằng biện pháp tránh dịch tốt nhất là giảm thiểu tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm.
Tổng thống Magufuli đã bị chỉ trích vì cách ứng phó với đại dịch COVID-19. Ông đã khuyến khích người dân tiếp tục tới các khu thờ cúng trong khi phần lớn thế giới đang áp dụng các biện pháp phong tỏa và giãn cách.
Mức độ lây nhiễm và số ca tử vong ở châu Phi khá thấp so với châu Âu, Mỹ và một số vùng ở châu Á. Nguyên nhân chủ yếu có thể là do các nước này chưa xét nghiệm đầy đủ với tỉ lệ chỉ 500 trên 1 triệu người.
Tổ quốc