MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bóc mẽ" những điểm yếu "chết người" của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc

06-05-2016 - 10:06 AM | Tài chính quốc tế

Đã 3 năm trôi qua kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ xốc lại các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên tình hình có vẻ còn tồi tệ hơn trước.

Không chỉ các ngành công nghiệp truyền thống của Trung Quốc gặp rắc rối, tình trạng trì trệ thậm chí còn lan sang cả một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và y tế.

Bloomberg đã khảo sát 346 công ty để đánh giá hiệu quả của chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Trung Quốc. Một loạt chỉ số đã được khảo sát gồm: tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), khả năng thanh toán lãi vay, tỷ lệ đòn bầy tài chính và chỉ số quay vòng các khoản phải thu. Các chỉ số của năm 2015 được so sánh với thời điểm 2012, trước khi ông Tập lên làm Chủ tịch nước vào tháng 3/2013.

Đáng buồn là rắc rối đã trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, ngoài ngành than đá và sản xuất thép, những đặc điểm của các “công ty xác sống” còn xuất hiện ở cả những công ty tiêu dùng thiết yếu và y tế. Chỉ trừ các doanh nghiệp phục vụ công ích (như điện, nước), các DNNN hoạt động trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế đều có những vấn đề trầm trọng xét cả trên khía cạnh nợ và lợi suất đem lại cho nhà đầu tư. Kể cả ngành công nghệ cũng đạt điểm số rất thấp về khả năng tạo lợi nhuận,

Thời gian gần đây Trung Quốc đón khá nhiều tin tốt. Giá hàng hóa hồi phục, thị trường bất động sản tạm ổn, chỉ số Shanghai Composite tăng 11% so với mức đáy hồi tháng 1. Tuy nhiên đáng tiếc đó lại là những tin xấu. Những nỗ lực kích thích nền kinh tế đang cho ra thành quả, và do đó áp lực buộc Trung Quốc phải thay đổi đang bị giảm sút. Có lẽ với sự hồi phục ảo được thổi lên bởi nợ như hiện nay, sẽ phải mất vài năm nữa Trung Quốc mới dám thử nghiệm quá trình cải tổ đầy đau đớn.

Trung bình các DNNN hoạt động trong ngành công nghiệp, trong đó có các nhà sản xuất tàu hỏa và công ty đóng tàu, đang phải đợi 106 ngày để được thanh toán. Không nghi ngờ gì nữa, các DNNN này đứng đầu danh sách các doanh nghiệp phải cải tổ. Đã có một số tiến triển nhưng chưa có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào. Tháng 12 năm ngoái, China Ocean Shipping Group sáp nhập với China Shipping Group với hi vọng sức mạnh thương thuyết của họ sẽ tăng lên đáng kể sau khi về chung một nhà trong bối cảnh ngành đóng tàu gặp quá nhiều khó khăn do công suất dư thừa và hoạt động thương mại èo uột. Tháng 6 năm ngoái, hai tập đoàn đường sắt China CNR Corp và CSR Corp cũng có động thái tương tự để đối đầu với đối thủ Siemens đến từ nước Đức.

Trong khi các công ty tiêu dùng thiết yếu trong đó có công ty rượu Kweichou Moutai được nhà đầu tư ưa chuộng, lợi nhuận của ngành này sụt giảm mạnh do áp lực giảm phát tăng cao. Có lẽ các doanh nghiệp này sẽ hoạt động tốt hơn nếu được điều hành bởi các tập đoàn tư nhân như Alibaba hay các startup. Đây là nhóm có thể triển khai ý tưởng cũng như nắm bắt xu hướng rất nhanh.

Tỷ lệ ROA sụt giảm ở hầu hết các ngành, phản ánh cuộc khủng hoảng thừa ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vì giá thép lao dốc, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã mất khoảng 12 tỷ USD trong năm 2015 (theo trung tâm nghiên cứu HIS).

CEO của JPMorgan Chase, Jamie Dimon, trong cuộc phỏng vấn hồi tháng trước với Bloomberg đã nói rằng có thể Trung Quốc đã muốn cổ phần hóa một số DNNN, tận dụng đà tăng điểm của TTCK để giảm bớt gánh nợ. Có thể dễ dàng nhìn thấy nguyên nhân lý giải tại sao lại như vậy. Các công ty Trung Quốc (mà đặc biệt là trong ngành bất động sản) có khối tài sản khổng lồ chỉ được chống đỡ bởi số vốn ít ỏi. Chính phủ Trung Quốc muốn giá cổ phiếu cao để các ngân hàng không mất niềm tin vào các SOE. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra thảm họa. Điều Trung Quốc cần làm là giải chấp, giảm bớt tỷ lệ đòn bẩy.

Nhìn vào việc Trung Quốc vội vã đẩy số thép dư thừa ra thị trường thế giới, chắc hẳn người ta sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng các DNNN trong ngành này đang đối mặt với thời kỳ khó khăn như thế nào. Số tiền trả lãi chiếm tới 34% lợi nhuận trước thuế trong năm ngoái.

Dĩ nhiên nói Bắc Kinh không có ý chí cũng như các công cụ để thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng. Đầu những năm 1990, khi Bắc Kinh đẩy mạnh xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Trung Quốc có khoảng 113.000 DNNN. Năm 1998 con số giảm xuống còn 65.000 và đến giữa những năm 2000 còn khoảng 27.000. Morgan Stanley ước tính đến nay Trung Quốc còn khoảng 20.000 DNNN, trong đó 110 là do trung ương quản lý và còn lại thuộc về các chính quyền địa phương.

Bất kỳ sự thay đổi lớn nào cũng có nguy cơ khiến đời sống kinh tế xã hội của Trung Quốc bị đảo lộn và đây là điều mà các lãnh đạo nước này vẫn luôn muốn tránh.

Chuyển đổi mô hình kinh tế từ dựa vào đầu tư sang tiêu dùng mà không khiến nền kinh tế suy thoái sâu luôn luôn là một nhiệm vụ rất khó khăn. Tuy nhiên cải tổ là điều mà không sớm thì muộn Trung Quốc cũng sẽ phải làm. Và, các số liệu trên đây cho thấy thời gian không đứng về phía Chủ tịch Tập Cận Bình.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên