MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Boeing có thể là con tốt thí trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

14-05-2019 - 20:10 PM | Tài chính quốc tế

Boeing là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu quan trọng nhất thế giới. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang nối dài cơn ác mộng của Boeing.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn khi Bắc Kinh nâng thuế đáp trả nhằm vào 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này nhằm trả đũa việc Mỹ tăng thuế từ 10 lên 25% với hơn 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Vụ việc khiến nhiều doanh nghiệp của Mỹ và Trung Quốc lo lắng nhưng cái tên không thể không nhắc đến chính là Boeing.

Trong những lần đánh thuế trước, các đơn hàng của Boeing tới Trung Quốc chưa bị đưa vào diện tính thuế. Chưa thể xác định tác động của vòng tăng thuế lần này. Là nhà xuất khẩu hàng đầu của Mỹ, Boeing chắc chắn sẽ là trọng tâm của nhiều cuộc đàm phán thương mại bởi nhà sản xuất máy bay Mỹ không thể để mất thị phần Trung Quốc.

Căng thẳng thương mại leo thang, nhiều học giả Trung Quốc cho rằng "Bắc Kinh có thể ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Mỹ, giảm đơn hàng Boeing và hạn chế thương mại dịch vụ với Washington". Thậm chí, việc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ cũng là những điều đã được người ta nhắc tới.

Thị trường 1 nghìn tỷ USD

Với nhu cầu đi lại ngày càng tăng, Trung Quốc đã trở thành một trong những thị trường máy bay quan trọng nhất thế giới. Boeing dự đoán rằng Trung Quốc sẽ sớm trở thành thị trường máy bay thương mại trị giá 1.000 tỷ USD đầu tiên trên thế giới. Đến năm 2037, Boeing ước tính Trung Quốc sẽ cần 7.690 máy bay thương mại để đáp ứng các nhu cầu đi lại.

Airbus và Comac – hãng sản xuất máy bay thương mại Trung Quốc, đang cạnh tranh mạnh mẽ với Boeing ở thị trường này. Máy bay đầu tiên của Comac, được thiết kế để cạnh tranh với Boeing 737 Max và Airbus A320, đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2017. Dù nó chưa sẵn sàng để phục vụ thương mại nhưng Boeing không được phép mắc bất cứ sai lầm nào.

Về phần mình, Boeing đang cố gắng giữ một triển vọng tích cực cho cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. "Chúng tôi tin tưởng rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục thảo luận thương mại và đi đến thỏa thuận để có lợi cho cả các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ cũng như Trung Quốc", Boeing cho biết trong một tuyên bố.

Boeing không có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hãng này đã hoàn thành một trung tâm lắp ráp ở đây vào năm ngoái để hoàn thiện những chiếc máy bay được chế tạo ở các khu vực khác. Dù nhu cầu ở Trung Quốc tạm lắng nhưng các lãnh đạo Boeing tin rằng về lâu dài, các đơn hàng từ Trung Quốc sẽ trở lại.

Trong quá khứ, Boeing là dòng máy bay mà các hãng hàng không Trung Quốc khá quen thuộc. Việc đổi sang mua các máy bay Airbus có thể khiến chi phí gia tăng vì quá trình đào tạo lại phi công cũng như chuẩn bị sẵn các phụ tùng thay thế. Việc vận hành phi đội bay với 2 dòng máy bay khác nhau cũng sẽ khiến chi phí tăng cao.

Rào cản của Boeing hiện tại, phần lớn vẫn đến từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.

Rắc rối với 737 Max có thể biến Boeing thành tốt thí

Trung Quốc là nước đầu tiên cấm bay dòng Boeing 737 Max khi xảy ra hai vụ tai nạn thảm khốc. Khi cuộc chiến thương mại leo thang, Trung Quốc vẫn sẽ mua máy bay của Boeing nhưng có thể từ chối cho 737 Max cất cánh trở lại. Điều này sẽ trở thành ác mộng với Boeing vì đây là dòng máy bay phổ dụng, ra đời để cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ trong lĩnh vực máy bay thân hẹp.

Ngay cả khi Boeing đưa ra được bản sửa lỗi phần mềm với 737 Max, ngăn chặn những tai nạn tương tự như tại Ethiopia và Indonesia, Trung Quốc có thể vẫn không cần phải cấp phép cho nó bay trở lại. Khi cả thế giới theo chân Trung Quốc cấm bay Boeing 737 Max, việc Bắc Kinh chưa gật đầu sẽ gây ra những tác động không nhỏ với Boeing.

Trên thực tế, người Trung Quốc đang hành động có tình, có lý để bảo vệ lợi ích, tính mạng và sự an toàn của cộng đồng. Tuy nhiên, không ai có thể loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ dùng lệnh cấm này để gây áp lực lên Mỹ trong bối cảnh Mỹ liên tiếp đưa ra các áp lực với Trung Quốc nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại.

Nếu tình huống này xảy ra, Boeing tiếp tục là người chịu thiệt hại nhiều nhất. Tuy nhiên, đây có lẽ là cái giá mà Boeing phải trả bởi xuất hiện một số báo cáo cho biết nhà sản xuất máy bay Mỹ đã biết về lỗi hệ thống trên 737 Max từ một năm trước vụ tai nạn thảm khốc đầu tiên nhưng lại không làm gì để khắc phục nó. Nếu Boeing quyết liệt sớm, hơn 400 người sẽ không mất mạng oan uổng và hãng này cũng không rơi vào tình cảnh họa vô đơn chí như lúc này.

Linh Anh

CNN

Trở lên trên