MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BOJ và chứng khoán Nhật: Mối quan hệ "bóp méo" thị trường

03-09-2016 - 10:36 AM | Tài chính quốc tế

Việc BOJ chi thêm 6 nghìn tỷ yen mua cổ phiếu đã khiến ngân hàng trung ương trở thành nhà đầu tư lớn nhất thị trường chứng khoán Nhật.

Từ ngày 29/7, khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo tăng gấp đôi lượng cổ phiếu ETF mua vào từ 3,3 nghìn tỷ yen (32 tỷ USD) lên 6 nghìn tỷ yên, các công ty chứng khoán ở Tokyo đều đồng loạt bán ra cổ phiếu với tâm trạng bất an.

Trong một thị trường chứng khoán với cổ đông lớn nhất là ngân hàng trung ương, cũng là nơi chính phủ là cổ đông lớn nhất dưới các hình thức sở hữu cổ phiếu khác nhau tại 25% doanh nghiệp thuộc danh sách những cổ phiếu hạng A, đây chính là lúc nhìn vào những phân tích dòng tiền thay vì những phân tích cơ bản.

Dựa vào những điểm bất thường, chiến lược gia Nicholas Smith của CLSA đã loại Toyota khỏi danh mục vốn tiêu chuẩn và thay bằng Fast Retailting – một cổ phiếu rất được yêu thích dựa trên lịch sử giao dịch và theo cách chỉ số Nikkei 225 được xây dựng. Chiến lược gia này cũng nói thêm, BOJ sẽ thiên về một danh mục cụ thể bao gồm những cổ phiếu vừa và nhỏ.

Theo một số công ty chứng khoán, dòng tiền biến động theo những hướng khác biệt sẽ bẻ cong thị trường và chương trình mua cổ phiếu ETF của ngân hàng trung ương đang làm biến dạng thị trường cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ cũng như thị trường quỹ đầu tư bất động sản (Reit).

Với giới giao dịch, đây là hiện tượng ngắn hạn khi dự báo thời điểm BOJ sẽ tham gia vào thị trường cũng như dự báo thời gian mua. Nhưng với những nhà đầu tư dài hạn vẫn đang thích ứng với sự mất cân bằng trên thị trường do chính sách lãi suất âm tạo ra, họ cảm thấy bị áp đảo trước những kết quả ngoài dự đoán sau động thái của ngân hàng trung ương.

Chương trình mua cổ phiếu ETF của BOJ với mục đích hỗ trợ cổ phiếu, kích thích tăng trưởng và khuyến khích cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sở trường đã khiến nhà đầu tư nảy sinh hoài nghi liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy thống đốc Haruhiko Kuroda cũng thấy chính sách Abenomics đang ngày càng ít chứng minh tác dụng.

Việc BOJ chi thêm 6 nghìn tỷ yen mua cổ phiếu – chương trình này bắt đầu năm 2010 và chỉ cho phép mua dưới 450 tỷ yen mỗi năm – đã khiến ngân hàng trung ương trở thành nhà đầu tư lớn nhất thị trường chứng khoán Nhật. Trong thập kỷ này, lần duy nhất có một nhóm nhà đầu tư bỏ hơn 6 nghìn tỷ USD để mua cổ phiếu là vào năm 2013, khi nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào thị trường với hy vọng Abenomics sẽ vực dậy nền kinh tế. Nhưng hiện tại đã thay đổi, câu chuyện được quan tâm nhất đó là theo kế hoạch cứ ba ngày BOJ phải mua cổ phiếu ETF với giá trị trung bình 70 tỷ yen cho đến hết năm.

BOJ và chứng khoán Nhật: Mối quan hệ bóp méo thị trường - Ảnh 1.

Những cổ phiếu được BOJ sở hữu gián tiếp nhiều nhất.

Chiến lược gia Tohru Sasaki của JP Morgan cho rằng sự mất cân bằng do chương trình mua cổ phiếu tạo ra bao gồm cả sự sụp đổ những khoản đầu tư dài hạn. Nhiều năm qua, đồng yen tăng giá giáng một đòn mạnh đến các cổ phiếu của Nhật, và thực tế chương trình của BOJ cũng liên quan đến điều này. Với chính sách tiền trực thăng tồn tại trên thị trường chứng khoán Nhật, Hệ số tương quan giữa chỉ số Nikkei và tỷ giá USD so với đồng yen bắt đầu suy yếu. Ngay cả khi nếu giá giảm vào buổi sáng, mức giảm có xu hướng bị hạn chế do thị trường cơ bản biết BOJ sẽ mua 70,7 tỷ yên cổ phiếu ETF vào buổi chiều.

Nhà phân tích Tomohiro Araki cũng nhận định tương tự khi cho rằng trong khi chỉ số TSE Reit vượt chỉ số Topix 21% kể từ đầu năm 2016, BOJ đã khiến thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh hơn Reits.

Theo một số tính toán, BOJ sẽ mua cổ phiếu với tỷ trọng có thể theo dõi ở các chỉ số. Các nhà phân tích ước tính hơn một nửa dòng tiền sẽ chảy vào Nikkei 225 và 2/5 sẽ đi vào chỉ số Topix, phần còn lại dành cho chỉ số JPX, dành cho những công ty được chọn lựa theo tiêu chí quản trị doanh nghiệp.

CLSA chỉ ra việc dòng tiền nghiêng hẳn về chỉ số Nikkei 225 sẽ ảnh hưởng đến tính xây dựng chỉ số này. Không giống như Topix với các thành viên trong danh sách có tỷ trọng được tính dựa trên quy mô và tỷ lệ free float (tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do giao dịch trên thị trường so với khối lượng đang lưu hành), trong khi chỉ số Nikkei được tính dựa trên giá của từng cổ phiếu.

BOJ và chứng khoán Nhật: Mối quan hệ bóp méo thị trường - Ảnh 2.

Kết quả là các doanh nghiệp với giá cổ phiếu cao do vậy sẽ đẩy Nikkei 225 lên cao sẽ thu về nguồn vốn lớn hơn so với quy mô. Ví dụ như Fast Retailing có tỷ trọng cao hơn 8% trong danh sách Nikkei do đang có giá cao thứ hai trong các cổ phiếu ở Nhật.

Dựa trên vốn hoá thị trường 3.870 yen (37,9 tỷ USD) và tỷ lệ free float (25%), tỷ trọng của cổ phiếu này trong danh sách Topix chỉ khoảng 30 điểm cơ bản. Trái lại, cổ phiếu của Toyota lại có tỷ trọng trong danh sách Nikkei thấp hơn so với Topix, và là nguyên nhân khiến cổ phiếu này nhận được ít vốn so với quy mô.

Goldman Sachs ước tính rằng kế hoạch tăng gấp đôi giá trị mua vào của BOJ sẽ bóp méo chỉ số Nikkei cũng đồng nghĩa ngân hàng trung ương sẽ chỉ sở hữu ít nhất 1/10 cổ phiếu tại 32 doanh nghiệp vào thời điểm này năm tới, so với mức 5 công ty vào thời điểm hiện tại.

Trong hơn 12 tháng tới, chính phủ sẽ mua thêm 5% hoặc hơn cổ phiếu đang lưu hành tại một số công ty vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp vẫn chần chừ chưa bán cổ phiếu đã mua một thời gian dài có thể đã cảm thấy sức ép nếu tiếp tục làm như vậy, và có thể những doanh nghiệp này sẽ đơn giản chuyển nhượng cổ phiếu cho chính BOJ theo chương trình mua cổ phiếu của ngân hàng trung ương.

Theo Nhật Linh

Người đồng hành

Trở lên trên