MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bóng ma khủng hoảng 1997 ám ảnh thị trường châu Á

27-03-2020 - 18:30 PM | Tài chính quốc tế

Khu vực châu Á đang đối mặt nguy cơ cao, trong bối cảnh đại dịch virus corona đang khiến nhiều thị trường tín dụng chật vật.

Châu Á là khu vực dẫn đầu tăng trưởng thế giới trong nhiều năm qua nhờ vay nợ giúp thúc đẩy xây dựng thêm sân bay, cầu đường, chung cư cho hàng triệu người chuyển đến các thành phố. Xu hướng này dẫn đến chi phí vay nợ tăng chưa từng có, những người dồn tiền đầu tư vào khu vực này ngày càng lo lắng.

“Những hệ quả không mong muốn dần xuất hiện”, theo Charles Macgregor, trưởng bộ phận phụ trách châu Á tại Lucror Analytics, đơn vị nghiên cứu độc lập tập trung vào tín dụng lãi suất cao, trụ sở Singapore. Ông có cái nhìn tiêu cực đối với các công ty công nghiệp Trung Quốc và các bên đi vay ở Ấn Độ, Indonesia.

Bóng ma khủng hoảng 1997 ám ảnh thị trường châu Á - Ảnh 1.

Các công ty châu Á sắp phải thanh toán cho hàng nghìn tỷ USD trái phiếu đáo hạn.

Người nắm giữ trái phiếu đang chạy đua để từ bỏ vị thế sau khi số lượng trái phiếu rác ở châu Á tăng 140%, cao nhất thế giới, trong năm 2019. Số đợt phát hành mới giảm. Giới phân tích tại Goldman Sachs dự báo tỷ lệ vỡ nợ sẽ tăng.

Các đồng tiền châu Á suy yếu càng làm gia tăng áp lực lên những công ty vay nợ bằng USD. Quy mô và phạm vi thiệt hại sẽ phụ thuộc vào đường đi của dịch Covid-19 và nỗ lực của chính phủ các nước nhằm ngăn suy thoái. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp không còn nhiều thời gian. Khoảng 40% trong tổng số 11.400 tỷ USD trái phiếu do các công ty châu Á phát hành sẽ đáo hạn trước cuối năm 2021, bao gồm 23 tỷ USD trái phiếu đáo hạn trong năm nay.

Các nhà quản lý tiền tệ vốn dễ bị lãi suất cao thu hút hiện không còn hào hứng với tài sản rủi ro. Kể từ ngày 20/2, nhà đầu tư đã rút hơn 34 tỷ USD khỏi trái phiếu doanh nghiệp, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF).

Tình hình hiện tại khá giống cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khi các công ty vay nợ kỷ lục bằng USD, Xavier Jean, giám đốc cấp cao về xếp hạng doanh nghiệp tại S&P Global Ratings.

 Dịch bệnh buộc nhiều công ty phải hạ hạn mức tín dụng, lo sợ bất ổn kéo dài ở châu Á. Một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm là tăng trưởng GDP quý I của Singapore giảm 10,6% so với quý IV/2019, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Dù thị trường trái phiếu nội địa ở châu Á bùng nổ, hệ thống ngân hàng tốt hơn, các doanh nghiệp vẫn chật vật. Tại Indonesia, Thái Lan và Singapore, nội tệ đã mất giá ít nhất 7% so với USD trong năm nay.

Nợ doanh nghiệp Indonesia có nguy cơ cao nhất. Nội tệ nước này mất giá 15% trong khi thị trường trái phiếu kém hơn so với khu vực. Trong tháng 2, S&P đã hạ hoặc thay đổi triển vọng sang tiêu cực với 6 công ty Indonesia đang có tổng nợ 3,2 tỷ USD.

Bóng ma khủng hoảng 1997 ám ảnh thị trường châu Á - Ảnh 2.

Mức độ mất giá của một số đồng tiền châu Á.

Trung Quốc “là một rắc rối rõ ràng”, Alicia Garcia Herrero, kinh tế trưởng châu Á -  Thái Bình Dương tại Natixis SA, nhận định. Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 tổng nợ doanh nghiệp thế giới và nằm trong số con nợ chịu áp lực lớn. Một báo cáo năm ngoái ước tính 40% các khoản nợ rủi ro nhất của thế giới nằm trong tay các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trái phiếu rác bằng USD ở châu Á tăng mạnh nhất hơn 10 năm.

Các công ty xây dựng Trung Quốc là các bên phát hành trái phiếu rác lớn nhất châu Á, chiếm tới 48% thị trường. Trong khi đó, nhóm công ty chịu áp lực nhất châu Á không thể chờ một đợt phục hồi lâu dài, khi có tới 23 tỷ USD trái phiếu lãi suất trên 15% sẽ đáo hạn trước cuối năm nay.

Bóng ma khủng hoảng 1997 ám ảnh thị trường châu Á - Ảnh 3.

Theo Như Tâm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên