MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bóng ma" lạm phát toàn cầu

16-04-2022 - 08:10 AM | Tài chính quốc tế

"Bóng ma" lạm phát toàn cầu

Việc gieo trồng vụ xuân ở Trung Quốc bị gián đoạn do lệnh phong tỏa góp phần đẩy giá thực phẩm toàn cầu lên cao hơn nữa

Các nhà phân tích của Công ty Nghiên cứu Bernstein nhận định các vụ phong tỏa gần đây của Trung Quốc đặt ra rủi ro lớn đối với lạm phát toàn cầu hiện nay so với năm 2020 vì thế giới đã phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa Trung Quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

Nguy cơ suy thoái gia tăng

Thị phần xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu đã tăng lên 15,4% trong năm 2021 - mức cao nhất tính từ năm 2012. Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong 2 năm qua do nước này kiểm soát được đợt bùng phát ban đầu trong vòng vài tuần và tiếp tục sản xuất trong khi phần còn lại của thế giới phải chật vật ngăn chặn dịch Covid-19.

Tuy nhiên, giờ đây Trung Quốc đang phải đối mặt làn sóng dịch tồi tệ và lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài mô tả tình trạng đóng cửa và hạn chế đi lại khắc nghiệt hơn so với đầu năm 2020.

Theo Reuters, "tâm dịch" Thượng Hải ghi nhận hơn 300.000 ca mắc Covid-19 kể từ tháng 3. Trong nỗ lực giảm thiểu tác động về kinh tế, chính quyền Thượng Hải đang dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt sau khi nhiều người than phiền không mua được thực phẩm. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp tại đây vẫn đóng cửa.

Hãng tin AP dẫn số liệu của Công ty Nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho biết 83/100 thành phố lớn nhất Trung Quốc về sản lượng kinh tế đang áp dụng biện pháp phòng dịch, bao gồm các trung tâm sản xuất như Quảng Châu, Từ Châu, Thái Nguyên… Còn theo đài CNN, Ngân hàng Đầu tư Nomura thống kê ít nhất 44 thành phố Trung Quốc đang bị phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần.

 Bóng ma lạm phát toàn cầu  - Ảnh 1.

Các container tại cảng nước sâu Dương Sơn ở TP Thượng Hải - Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh quyết tâm theo đuổi chiến lược "không Covid-19" hôm 13-4, các chuyên gia Ting Lu, Jing Wang và Harrison Zhang tại Tập đoàn Tài chính Nomura (Nhật Bản) cảnh báo nguy cơ Trung Quốc rơi vào suy thoái đang gia tăng.

Những chuyên gia này nhận định: "Khủng hoảng hậu cần đang tồi tệ hơn. Các thị trường cũng lo ngại về hoạt động gieo trồng vụ xuân ở Trung Quốc bị gián đoạn". Kịch bản này có thể góp phần đẩy giá lương thực toàn cầu - vốn đang cao kỷ lục vì xung đột giữa Nga và Ukraine - lên cao hơn nữa.

Báo cáo của các nhà phân tích tại Bernstein chỉ ra so với trước đại dịch, chi phí container xuất khẩu tại Thượng Hải gấp 5 lần và giá cước vận chuyển hàng không gấp 2 lần, đồng thời gây căng thẳng về thời gian giao hàng của nhà cung cấp.

Báo cáo của Bernstein nhận định lạm phát xuất khẩu sẽ cao hơn, đặc biệt là sang các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, đồng thời làm trì hoãn sự phục hồi nhu cầu của chính Trung Quốc.

Bất thường ở Mỹ?

Các ngân hàng trung ương khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận thấy không thể phớt lờ "bóng ma" lạm phát sau thời gian nới lỏng chính sách tiền tệ giúp phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Theo đài Al Jazeera, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và Ngân hàng Dự trữ New Zealand đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ khi thông báo nâng lãi suất trong tuần này.

Cơ quan Tiền tệ Singapore cũng có bước đi tương tự trong khi ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế châu Á mới nổi như Philippines, Malaysia và Ấn Độ đã phát tín hiệu sẽ sớm tăng lãi suất.

Tại Mỹ, theo đài NPR, ngày càng nhiều chuyên gia kinh tế dự báo một cuộc suy thoái đang có nguy cơ đổ bộ nước Mỹ trong vòng 2 năm tới, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị tăng mạnh lãi suất để chống lại mức lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm.

Đó có vẻ là dự báo bất thường khi nền kinh tế Mỹ dường như vẫn đang ổn định với gần 6,5 triệu việc làm được tạo ra trong 12 tháng qua, khiến tỉ lệ thất nghiệp chỉ còn 3,6%. Nhưng chính nền kinh tế phát triển mạnh và thị trường lao động nóng sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn mục tiêu 2% của FED.

NPR dẫn lời nhà kinh tế Matthew Luzzetti cho rằng FED không có lựa chọn nào ngoài việc tăng lãi suất cao hơn đáng kể và chính điều đó sẽ dẫn đến ít nhất là một cuộc suy thoái nhẹ vào cuối năm sau.

Trước đó, chiến lược gia trưởng về đầu tư của Ngân hàng Mỹ Michael Harnett cũng cảnh báo về một "cú sốc suy thoái" trong bối cảnh giá tiêu dùng tăng đến 8,5% trong tháng 3 - tốc độ kỷ lục kể từ tháng 12-1981.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng FED vẫn có thể kiềm chế lạm phát mà không gây suy thoái. Đài CNN trích dẫn phân tích từ Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) rằng tăng trưởng kinh tế phải xuống một "tốc độ khiêm tốn dưới xu hướng", đủ để các công ty giảm bớt một số kế hoạch mở rộng, từ đó nhu cầu lao động bớt nóng và xu hướng suy thoái được ngăn chặn.

Cảnh báo từ Tổng thống Putin

Trang Bussiness Insider dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình trước cuộc họp với ngành dầu khí Nga hôm 14-4: "Một sự thay thế hợp lý cho châu Âu đơn giản là không tồn tại. Đơn giản là không có lượng hàng dự trữ sẵn trên thị trường toàn cầu và nguồn hàng đến từ các nước khác, bao gồm Mỹ, nếu đến được châu Âu thì cũng có giá cao gấp nhiều lần".

Ông chủ Điện Kremlin cho rằng hậu quả kinh tế sẽ nghiêm trọng nếu châu lục này cố gắng thay thế nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga. Cũng theo Tổng thống Putin, Nga sẽ tiếp tục chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang các thị trường đang phát triển nhanh ở châu Á, theo đài Al-Jazeera.

Đáp lại tuyên bố của tổng thống Nga, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo các nước thuộc Liên minh châu Âu sẽ vi phạm lệnh trừng phạt nếu họ chấp thuận "tối hậu thư" về thanh toán chi phí năng lượng bằng đồng rúp. Theo EC, làm như vậy sẽ giúp Nga kiểm soát hoàn toàn các giao dịch và tỉ giá hối đoái.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Biến đổi khí hậu Đức Robert Habeck ngày 15-4 kêu gọi người dân Đức bắt đầu tiết kiệm năng lượng để độc lập hơn với năng lượng Nga, đồng thời khẳng định việc cắt giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng là hoàn toàn có thể.

Theo Xuân Mai - Anh Thư

NLĐ

Trở lên trên