Brexit có ý nghĩa như thế nào với các ngân hàng ở London?
London quá lớn và vẫn quá mạnh để khiến cho các ngân hàng ra đi ngay lập tức. Tuy nhiên, Brexit đã tạo ra những vết nứt trong “trái tim tài chính” của châu Âu và chuyển hoạt động sang nơi khác vẫn là một sự lựa chọn hợp lý.
- 28-06-2016Giới tài chính tại London căng mình khắc phục hậu quả Brexit
- 28-06-201620 nghị sĩ từ chức, chính trường Anh thêm hỗn loạn sau Brexit
- 28-06-2016Nhờ cách này vài quỹ đầu cơ đã thắng lớn từ Brexit
Họ đã hi vọng và đã tin tưởng rằng điều mà họ lo sợ sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, cuối cùng thì điều tồi tệ nhất lại đến. Các ngân hàng lớn nhất thế giới đang tức tốc vạch ra những chính sách đối phó với việc Anh không còn là một thành viên của Liên minh châu Âu. Trong vài tháng tới, họ phải quyết định liệu có phải Brexit đồng nghĩa với hoạt động kinh doanh và việc làm cũng sẽ rời khỏi trung tâm tài chính của London hay không.
Phiên giao dịch cuối tuần trước, khi mà thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo, các cổ phiếu ngân hàng là nhóm giảm điểm mạnh nhất. Lo sợ Brexit cũng đồng nghĩa với suy thoái kinh tế và bất ổn, cổ phiếu của các ngân hàng như Barclays và Lloyds đã giảm gần 30% khi thị trường bắt đầu giao dịch. Không chỉ ở Anh, cổ phiếu của ngân hàng Deutsche Bank (Đức) cũng giảm 21%, cổ phiếu của hai ngân hàng Thụy Sĩ là Credit Suisse và UBS đều giảm 13%. Khi thị trường New York bắt đầu mở cửa, cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ hoạt động mạnh ở London cũng lao dốc.
Có vẻ thị trường đã phản ứng thái quá vì các ngân hàng đã chuẩn bị cho sự kiện này từ nhiều tháng trời trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra. Nhiều tháng trước đó, NHTW Anh cũng đã cam kết sẽ đẩy mạnh nghiệp vụ repo tại thời điểm trưng cầu dân ý để bơm thanh khoản cho bất kỳ ngân hàng nào miễn là họ có tài sản đảm bảo. Các ngân hàng lớn của Anh cũng có thể tiếp cận với nguồn ngoại tệ dồi dào bởi NHTW Anh có các hợp đồng hoán đổi tiền tệ với các NHTW khác.
Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận một thực tế là về mặt dài hạn thì ngành tài chính của “xứ sở sương mù” sẽ phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng.
Mấy chục năm qua, ngành này đã tận dụng lợi thế là thành viên của EU để trở nên hùng mạnh. Các ngân hàng, công ty quản lý quỹ và các định chế tài chính của một nước có thể dễ dàng phục vụ khách hàng ở bất kỳ đâu trong 27 nước còn lại mà không phải lập chi nhánh hay văn phòng đại diện ở nước ngoài. Nhờ cơ chế đó, các chi nhánh ở Anh của những ngân hàng Mỹ hay Nhật Bản có thể vươn ra toàn châu Âu và đây cũng chính là lý do quan trọng nhất giải thích tại sao London lại trở thành “thủ đô tài chính” của châu Âu.
Anh rời khỏi EU nghĩa là lợi thế đó không còn. Anh vẫn có thể thỏa thuận với EU để giữ lại những quy tắc cũ nhưng điều đó không hề dễ. Các chính trị gia Pháp và Đức – những người sẽ bước vào cuộc đua tranh giành quyền lực trong năm 2017 và luôn muốn có những trung tâm tài chính của riêng mình – sẽ đòi Anh phải trả một cái giá rất đắt.
Cho đến nay không có quốc gia nào không phải là thành viên của EU mà vẫn được hưởng trọn vẹn quyền miễn trừ hộ chiếu. Các mô hình thay thế đều không hấp dẫn. Thụy Sĩ là một thành viên của Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA) nhưng phải có tới 120 hiệp định thương mại song phương với EU. Quan hệ thương mại giữa EU và Canada không điều chỉnh lĩnh vực tài chính. Na Uy có khả năng tiếp cận sâu với thị trường chung châu Âu nhưng cũng thiếu vắng những quy định về ngành tài chính.
Trước mắt thì không có điều gì thay đổi cả. Mất ít nhất 2 năm để đàm phán về các điều khoản sau khi “ly dị” và trong quãng thời gian ấy Anh vẫn là một thành viên của EU. Tuy nhiên các ngân hàng sẽ sớm bắt tay vào việc lên kế hoạch đối phó với ngày Anh chính thức ra đi.
Hồi đầu tháng, ông chủ của JPMorgan Chase là Jamie Dimon đã cảnh báo rằng hàng nghìn việc làm sẽ mất đi. HSBC cảnh báo từ tháng 2 rằng 20% số nhân viên ở London (tức khoảng 1.000 người) sẽ được chuyển sang Paris.
London quá lớn và vẫn quá mạnh để khiến cho các ngân hàng ra đi ngay lập tức. Ngoài chuyên môn về ngân hàng, họ còn có những yếu tố phụ trợ (như kế toán và luật) cũng rất phát triển. Tuy nhiên, Brexit đã tạo ra những vết nứt trong “trái tim tài chính” của châu Âu và chuyển hoạt động sang nơi khác vẫn là một sự lựa chọn hợp lý. Theo John Cryan – ông chủ của Deutsche Bank – sẽ là “kỳ cục” nếu thực hiện mua bán euro và trái phiếu châu Âu tại một chi nhánh nằm ở bên ngoài EU.
Trung tâm tài chính London sẽ không vỡ vụn, nhưng mất thị phần vào những nơi nhỏ hơn như Dublin (Ireland), Luxembourg hay Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp) là điều khó tránh khỏi.
Còn đối với các ông lớn ngân hàng thế giới vốn vẫn đang chật vật khắc phục hậu quả của khủng hoảng tài chính 2008 trong bối cảnh các cổ đông đang dần cạn kiệt lòng kiên nhẫn và các luật lệ ngày càng bị siết chặt, Brexit là tin rất xấu. “Họa vô đơn chí” là câu nói chính xác nhất để mô tả tình thế mà họ đang gặp phải, tiếc là những cử tri của nước Anh đã chẳng thể đồng cảm với ngành ngân hàng!