MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Brexit và nguy cơ khủng hoảng toàn cầu: Dân Việt có tiền nên làm gì?

25-06-2016 - 07:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Giá vàng SJC ngày 24/6 có lúc tăng 1,9 triệu đồng mỗi lượng trong khi chứng khoán có thời điểm "bốc hơi" tới 35 điểm khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.

Ngày 24/6, người dân Anh đã quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Sự kiện này khiến cho thị trường tài chính toàn cầu chao đảo: Chứng khoán sụt giảm mạnh, giá dầu rơi, giá vàng đảo chiều nhảy vọt lên cao nhất 2 năm.

Ở trong nước, Brexit cũng tác động lên thị trường chứng khoán, tỷ giá và giá vàng. Trong ngày, chỉ số VNIndex có lúc mất tới 35 điểm còn giá vàng tăng gần 2 triệu đồng/lượng lên đỉnh cao nhất của 2 năm. Dù cuối ngày, những biến động ấy đã giảm đáng kể song thời kỳ hậu Brexit vẫn khiến không ít người băn khoăn và tự hỏi, thời gian tới liệu thị trường tài chính trong nước sẽ chịu tác động gì và nếu có tiền thì nên đầu tư tiền vào đâu.

Xoay quanh câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với chuyên gia tài chính, TS. Bùi Quang Tín.

Pv: Ông nhận định thế nào về diễn biến của thị trường vàng ngày hôm nay?

TS. Bùi Quang Tín: Sáng 24/6, trong suốt quá trình người dân Anh bỏ phiếu về Brexit, giá vàng thế giới đi lên theo chiều thẳng đứng, chạm đỉnh là 1358,41 USD/oz, từ mức 1263,87 USD/oz (tức tăng 7,5%), là mức cao nhất trong vòng 3 năm sau khi các dữ liệu ban đầu cho thấy Anh sẽ rời khỏi EU. Tuy nhiên, sau khi thông tin Brexit trở thành sự thực được công bố, đà tăng của vàng có phần chững lại và cuối ngày chỉ còn quanh 1312,13 USD/oz.

Về giá vàng miếng SJC trong nước, buổi sáng giá đỉnh điểm có lúc lên tới 35,9 triệu đồng/lượng, tăng 1,9 triệu đồng so với phiên liền trước, tuy nhiên cuối ngày cũng đã giảm về 35,1 triệu đồng/lượng.

Vàng luôn là tài sản mà nhà đầu tư tìm tới nhằm bảo vệ bản thân trước những biến động khó lường. Lượng vàng nắm giữ của Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR hôm thứ tư ngày 22/6 vừa qua lên cao nhất kể từ tháng 9/2013.

Sự kiện Anh rời EU cũng được xem là một loại khủng hoảng mà trong đó vàng sẽ bảo vệ và giúp nhà đầu tư chống lại nó. Vàng cung cấp tính chắc chắn và an toàn khi mà các thị trường chứng khoán và tiền tệ “chìm nghỉm”, giống như việc tài sản này đã từng làm trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Sự khác biệt là cú sốc Brexit đã được cảnh báo, tuy nhiên vẫn nhiều nhà đầu tư tư nhân không chờ đợi kết quả của ngày hôm nay và vì vậy họ không chuẩn bị sẵn cho mình một tâm thế. Đó chính là lý do khiến giá vàng biến động mạnh.

Ông dự báo thế nào về diễn biến giá vàng thời gian tới?

Trên thị trường, rõ ràng sau khi có kết quả gần 52% người dân Anh ủng hộ việc nước này rời khỏi EU, nhưng người Anh phải chờ thủ tục này ít nhất trong vòng 2 năm để chính thức được ra khỏi khối đồng tiền chung. Tình hình chính trị nước Anh trở nên khó đoán hơn khi mà sau khi có kết quả bỏ phiếu thì Thủ tướng Anh đã tuyên bố từ chức và chắc chắn tình hình chính trị, kinh tế của Anh và 27 nước còn lại tại EU cũng sẽ không sáng sủa hơn hiện nay bao nhiêu. Do đó, nền tài chính trên toàn cầu chắc chắn sẽ bị tác động theo chiều hướng tiêu cực, càng làm cho vàng trở nên có giá trị hơn và sẽ là 1 kênh trú ẩn an toàn cho người dân toàn cầu, lúc đó giá vàng sẽ ngày càng theo xu hướng tăng.

Bên cạnh đó, với kết quả bỏ phiếu này, Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ không tăng lãi suất trong khoảng thời gian còn lại của năm 2016, thậm chí đến cả đầu năm 2017. Chính điều này càng hỗ trợ cho việc gia tăng của giá vàng trong thời gian tới.

Với những e ngại về khủng hoảng, ông có cho rằng “cơn sốt vàng” trong nước sẽ lặp lại như các năm trước?

Thị trường vàng tại TP.HCM diễn ra từ sáng đến 16h chiều 24/6/2016, các giao dịch vẫn bình thường và người dân vẫn chủ yếu thực hiện các giao dịch vàng nữ trang, không nhiều người mua vàng miếng SJC. Tình hình này hoàn toàn khác so với các năm trước khi mà giá vàng trong nước lên đỉnh điểm 49 triệu đồng/lượng.

Tôi cho rằng, cơn sốt vàng trong dân sẽ không lặp lại như từng xảy ra vì hai lý do.

Thứ nhất, người dân đã “thấm thía” các đợt thua lỗ nặng khi giá vàng rớt từ giá đỉnh điểm 49 triệu đồng/lượng xuống 33 triệu đồng/lượng (tức lỗ trên 30%). Không những thế, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng thua lỗ và dẫn đến nợ nần, phá sản nhiều, nổi trội nhất cách đây gần 4 năm là Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Tuấn Tài, có chi nhánh ở 39 Châu Văn Liêm, P.14, Q.5- từ 1 doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng hàng đầu tại TP.HCM trở nên phá sản.

Thứ hai, giá vàng trong nước thường chịu tác động thuận chiều với giá vàng thế giới. Trong những năm gần đây, giá vàng thế giới nằm “suốt” ở mức thấp, có lúc xuống dưới 1200 USD/oz. Do đó, khi giá vàng lên, người dân lại sợ giá vàng lại xuống và tiếp tục “nằm” ở mức giá thấp như trước. Khi đó, nếu bây giờ đầu tư ở mức giá này thì sẽ gặp rủi ro và thua lỗ như đã từng xảy ra trước đây.

Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá USD/VNĐ hôm nay đã phản ứng sau khi Brexit trở thành hiện thực. Nhiều người lo lắng rằng sự kiện này sẽ tác động lên tỷ giá, thậm chí có thể lặp lại kịch bản từng xảy sau khi Trung Quốc phá giá NDT hồi năm ngoái. Quan điểm của ông thế nào?

Trong quá trình diễn ra cuộc bỏ phiếu và sau khi có kết quả về Brexit, tỷ giá USD/VNĐ trong nước lập tức tăng lên khoảng 0,2% so với giá hôm qua.

Trong rổ 8 đồng tiền để làm 1 phần căn cứ xác định tỷ giá trung tâm tại Việt Nam, chỉ có đồng EUR là mất giá nhiều nhất, tức khoảng 2% tại thời điểm 16h ngày 24/6, các đồng tiền còn lại mất giá dưới 1%, trừ USD thì lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác.

Yếu tố khác tác động đến tỷ giá trung tâm là cân đối vĩ mô tại Việt Nam, tạm thời yếu tố này chưa thấy có tác động diễn ra thực sự nào (trừ diễn biến của giá chứng khoán trên các sàn giao dịch, giảm khoảng 2% trên 2 sàn chính thức). Tổng cục thống kê cũng đã khẳng định Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều từ Brexit do hội nhập chưa sâu rộng, còn NHNN thì đang theo dõi sát tình hình.

Tuy nhiên, áp lực tăng lên tỷ giá USD/VNĐ là điều nhiều khả năng diễn ra, tại vì sau Brexit thì tình hình tài chính toàn cầu sẽ trở nên diễn biến khó lường và theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn, từ đó, nhiều quốc gia sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền bản tệ của họ để hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ xuất khẩu. Cho nên, tỷ giá USD/VNĐ sẽ bị ảnh hưởng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên nhằm tránh gây thiệt hại cho xuất khẩu.

Còn về kịch bản từng xảy ra với tỷ giá sau khi Trung Quốc phá giá NDT là sẽ không lặp lại, tại vì vấn đề Brexit đã được nhiều quốc gia dự báo trước, theo dõi sát và họ đã có sự chuẩn bị, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong suốt quá trình bỏ phiếu về Brexit thì sự biến động tâm lý và đầu cơ có diễn ra, cụ thế giá của đồng Bảng Anh rớt 8%, mức thấp nhất kể từ 1985, đến thời điểm này giá đồng tiền này chỉ còn giảm khoảng 5%, giá vàng hồi sáng tăng lên gần 1360 USD/oz hiện đã giảm còn 1312 USD/oz.

Với những lo ngại xảy ra với vàng và USD, ông có cho rằng chính sách chống vàng hóa, đô la hóa của NHNN sẽ gặp khó khăn?

Theo như các phân tích ở trên, thị trường vàng trong nước vẫn không có nhiều biến động về giao dịch so với các ngày vừa qua. Giao dịch chủ yếu của khách hàng vẫn là nhu cầu thực của họ và các giao dịch mua bán vàng trang sức. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, các giao dịch vẫn không có dấu hiệu đầu cơ. Do đó, chính sách chống vàng hoá của Việt Nam sẽ không có nhiều thay đổi và sẽ ít chịu tác động từ sự kiện Brexit.

Tỷ giá cũng sẽ chịu áp lực tăng theo sự phá giá của các đồng tiền của các Quốc gia sau sự kiện Brexit, tuy nhiên, tôi tin rằng, NHNN sẽ sử dụng hiệu quả và linh hoạt các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực sau sự kiện trên và từ đó giúp ổn định tỷ giá USD/VNĐ. Từ đó, chính sách chống đôla hoá sẽ không chịu tác động đáng kể.

Về phía NHNN, trong thời gian ngắn tới, NHNN nên theo dõi thật sát và liên tục các diễn biến sau sự kiện trên. Tại vì kết quả bỏ phiếu mới chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình Anh rời khỏi Châu Âu. Bên cạnh đó, các động thái của các nước thành viên khối EU ra sao, tình hình kinh tế của các nước khác ra sao sau sự kiện trên cũng cần được theo dõi.

Một câu hỏi muôn thuở nhưng không bao giờ lỗi thời: Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu căng thẳng như vậy, người có tiền nên làm gì lúc này thưa ông?

Trong thời gian tới, việc đầu tư chứng khoán là cực kỳ rủi ro, do thị trường tài chính toàn cầu sẽ có nhiều diễn biến phức tạp và theo chiều hướng không tốt sau sự kiện Brexit. TTCK Việt Nam sẽ không tránh khỏi tác động của TTCK toàn cầu. Do đó, đầu tư kênh chứng khoán sẽ nhiều rủi ro, nhưng lại không mang lại lợi nhuận cao. Thị trường này khó tăng thêm cho đến cuối năm.

Về kênh đầu tư vàng, rõ ràng là khi các thị trường khác hứng chịu nhiều rủi ro thì vàng vẫn luôn được xem là kênh trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, việc đầu tư vàng nên được xem là kênh cất trữ lâu dài, còn nếu xem vàng là kênh đầu cơ và lướt sóng thì người dân cũng sẽ gánh chịu nhiều rủi ro như đã từng xảy ra vài năm về trước. Trong 6 tháng còn lại, nhiều khả năng giá vàng sẽ tăng thêm khoảng từ 7-10%, tức tăng lên mức từ 1400 – 1440 USD/oz.

An toàn hơn hết vẫn là kênh gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, với lãi suất trung bình có thể đạt đến trên 8%/năm ở các kỳ hạn dài, tức là 6 tháng còn lại có thể hưởng với mức lãi suất là 4%.

Còn nếu người dân mong muốn lợi nhuận cao hơn và rủi ro hơn 1 tí thì có thể xem xét kênh đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, với kênh đầu tư này, người dân cần có kiến thức và kinh nghiệm trong việc chọn lựa dự án cần đầu tư và chủ đầu tư. Tỷ suất sinh lời trong 6 tháng còn lại của năm nay có thể đạt được từ 7-10%, tuỳ theo từng dự án.

Còn nếu đầu tư sản xuất, kinh doanh thương mại các lĩnh vực khác, bạn cần có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực đó, nếu không sẽ dễ gặp thua lỗ hơn các kênh ở trên.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên