BS Quốc Khánh - bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: “Mang tâm trạng buồn lo, xin đừng cầm dao mổ”
“Chiếc xe máy hỏng có thể mua lại xe khác, con người hỏng phải trả giá bằng những thương tật, thậm chí là cả mạng sống” – bác sĩ Trần Quốc Khánh.
- 08-02-2020Nghệ sĩ điêu khắc Đinh Công Đạt: “Tôi từng cao ngạo nói, khách của Đạt rồ này không biết tiếng Việt vì toàn Tây”
- 02-01-2020PGS.TS 8X của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á: “Đừng nghĩ làm nghiên cứu là gạt tiền ra khỏi đầu, không có kinh tế sẽ khó theo đuổi nghề!”
- 21-09-2019Bác sĩ “nghìn like” Quốc Khánh: Cuộc gọi từ số lạ lúc nửa đêm như tiếng còi xe cấp cứu, nghe nhiều thành quen
- Sự lạc quan là điều ai cũng có thể thấy xuyên suốt trong những chia sẻ của bác sĩ Khánh trên trang cá nhân. Đó là một phần tính cách hay là yếu tố tích lũy theo năm tháng của người làm nghề y như anh?
- Lạc quan là quá trình chúng ta học tập, rèn luyện, trau dồi và nhận thức lấy nó. Tôi nghĩ một phần có thể do bẩm sinh nhưng phần lớn sẽ đến từ quá trình chúng ta đọc sách, học tập, gặp gỡ những người thành đạt… để rồi tự mình "giác ngộ".
Có những cuốn sách tôi được truyền cảm hứng cũng như niềm tin vào cuộc sống, ví dụ "Luật hấp dẫn" hay "Thế giới thật là rộng lớn và chúng ta có rất nhiều việc phải làm". Tôi đọc và thấy sự lạc quan rất lớn ở trong đó.
Cùng là một tình huống, một hoàn cảnh xảy đến trong cuộc sống nhưng cách nhìn của mỗi người sẽ khác nhau. Người lạc quan nhìn nhận bao dung và luôn hướng về phía trước. Chính điều đó sẽ cộng hưởng cũng như "hồi đáp" lại giúp chúng ta đón nhận những niềm vui trong cuộc sống.
Hơn nữa, sống cho đi càng nhiều, niềm vui nhận lại sẽ càng lớn. Có một người anh từng nói với tôi, làm từ thiện như… nghiện thuốc phiện, càng làm càng mong muốn được làm nhiều hơn nữa. Tôi thực hành cho đi mỗi ngày và cảm nhận được điều đó. Sự lạc quan trong tôi không hề gượng ép, nụ cười luôn nở trên môi. Vậy nên với tôi, cuộc sống vô cùng ý nghĩa, mỗi ngày qua đi luôn là một ngày vui.
- Anh có duy trì thái độ đó trong những ca mổ không?
- Đương nhiên. Bước vào phòng mổ mà mặt mày ủ rũ, niềm tin không có thì xin đừng cầm dao mổ, sẽ nguy hiểm vô cùng.
Giống như nấu ăn, người đầu bếp mang theo sự giận dữ để vào chuẩn bị bữa cơm thì mâm cơm đó chẳng khác nào liều thuốc độc. Nhưng nếu ai đó vào bếp với niềm vui cùng sự háo hức thì hạnh phúc sẽ tràn ngập, bữa cơm đầm ấm và vô cùng ngon. Đó là quy luật của cuộc sống, "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" mà.
Ngoài rèn luyện kỹ năng phẫu thuật, người thầy thuốc luôn cần sự tự tin và cả niềm lạc quan. Điều đó được thể hiện từ việc thăm khám ban đầu, giải thích trước mổ cho đến động viên bình phục sau phẫu thuật.
Khi tiếp xúc với nguồn năng lượng tốt từ người thầy thuốc, chắc chắn bệnh nhân sẽ thấy an tâm và tự tin hơn rất nhiều. Ngược lại, khi không nắm rõ bệnh tình cũng như chuyên môn về bệnh, bệnh nhân hỏi trả lời ú ớ không chắc chắn thì làm sao mọi người có thể an tâm trao cả tính mạng của mình cho người thầy thuốc.
Thực tế, có rất nhiều yếu tố để tạo nên một ca mổ thành công, trong đó có thể kể đến tình trạng bệnh tật, trình độ chuyên môn của người bác sĩ, trang thiết bị và ê-kíp mổ… Vì thế, khi ai đó nói người bác sĩ này "mát tay", thực sự nó không đến ngẫu nhiên hay bẩm sinh mà là sự hội tụ của tất cả những gì tinh tuy nhất người thầy thuốc đã gửi gắm vào từng ca mổ.
- Yếu tố may mắn có được tính đến không?
- Cũng có thể. Trong cuộc đời, chúng ta vẫn luôn có phần may mắn ở tất cả các lĩnh vực, nhưng chỉ rất ít thôi.
Trước mỗi ca mổ, luôn cần có sự chuẩn bị chu đáo nhất có thể cho các tình huống với mục đích giảm thiểu tối đa nhất có thể những rủi ro, dẫu biết rằng sẽ không có gì là hoàn hảo.
Rộng ra trong cuộc sống này, mọi thứ cơ bản do mình định đoạt.
- Ca đầu tiên anh mổ chính đã diễn ra thế nào?
- Ca mổ chính đầu tiên đối với tôi rất nhẹ nhưng niềm vui không tả được. Đó là thương hiệu của mình nên trách nhiệm cũng nặng nề lắm.
Chiếc xe máy hỏng thì có thể mua xe khác, con người hỏng phải trả giá bằng những thương tật, thậm chí là cả mạng sống. Cảm giác lo lắng và hãnh diện đan xen.
- Một tuần anh mổ tối đa bao nhiêu ca?
- Đến thời điểm này thì khoảng 15-20 ca, cả mổ chính, phụ mổ và những ca tiểu phẫu thuật.
- Với ca đại phẫu, anh sẽ chuẩn bị như thế nào?
- Đầu tiên phải xem lại kiến thức về bệnh lý đó, đặc biệt là video mổ từ những chuyên gia. Sau đó là sự chuẩn bị về các tình huống có thể xảy đến trong quá trình phẫu thuật. Thường tôi ít khi để ý đến thuận lợi mà hay trù liệu về những khó khăn có thể xảy đến. Ví dụ như ca này khả năng mất mấy tiếng, mất máu thế nào, nguy cơ nhiễm trùng kèm theo… Khi có sự chuẩn bị tối đa về các tình huống có thể xảy đến, chúng ta sẽ đỡ bất ngờ hơn trong ca mổ.
Khi gặp một ca bệnh nặng, tôi luôn tương tác với bệnh nhân cũng như ê-kíp gây mê trước mổ. Đó là việc rất quan trọng. Tương tác để giúp bệnh nhân và người nhà chuẩn bị tâm thế cho các tình huống xảy ra. Tốt thì thế này, không tốt thì thế này mà xấu hơn nữa thì có thể sẽ thế kia.
Bác sĩ gây mê cũng cần được biết về tình trạng bệnh nhân và những nguy cơ trong phẫu thuật. Sự chia sẽ phối hợp với nhau để trở thành một "team work" là điều vô cùng quan trọng. Giống như trước một trận đánh lớn, mọi bộ phận hiểu nhau hết thì khả năng thành công sẽ cao hơn.
Trước ngày có ca mổ lớn, tôi cũng sẽ dành thời gian để nghỉ ngơi, ít nhất là giúp cho cơ thể minh mẫn nhất có thể. Đó là quyền lợi bệnh nhân được hưởng.
- Đâu là ca mổ khiến anh cân não nhất?
- Cân não thì rất nhiều, đặc biệt là khi tiếp cận với hệ thống thần kinh bởi những tế bào thần kinh vô cùng nhạy cảm và dễ tổn thương. Cột sống con người chúng ta có 2 phần cơ bản là cấu trúc khung xương và hệ thống thần kinh được bao bọc bên trong. Khi tiếp cận tổ chức thần kinh là lúc đòi hỏi người phẫu thuật viên phải có sự tỉnh táo tối đa, tỉ mẩn và cẩn thận nhiều nhất có thể cùng với sự tập trung cao độ.
So sánh cho vui, công việc này giống như đi gỡ bom mìn vậy, áp lực nhưng vô cùng thú vị và cuốn hút.
- Những ca mổ đó thường kéo dài bao lâu?
- Tôi từng tham gia kíp mổ một ca kéo dài gần 12 tiếng, từ hơn 8 giờ sáng đến 8 giờ tối mới xong. Nhiều ê-kíp thay nhau, bệnh nhân gặp vấn đề về cột sống cổ rất nặng, "chỉnh sửa" cổ đường trước rồi lại quay ra chỉnh đường sau.
Những ca đại phẫu thường không bao giờ chỉ có 1-2 người mổ mà luôn đòi hỏi một ê-kíp rất lớn. Như một ca ghép đa tạng từ người cho chết não tại bệnh viện Việt Đức năm ngoái, có tới gần 300 nhân viên y tế cùng tham gia thực hiện.
Nhiều người hỏi chúng tôi, giữa lằn ranh sự sống và cái chết với những ca cân não đó, các anh thường nghĩ gì. Thực tế, chúng tôi hầu như không có thời gian để suy nghĩ, chỉ cố gắng phối hợp với mọi người làm tốt nhất có thể và cứu sống được bệnh nhân.
- Cảm xúc khi "buông dao" sẽ thế nào?
- Nếu ca mổ thành công thì cảm thấy vui vô cùng. Nếu không thì rất buồn, buồn nhất là khi phải ra giải thích với người nhà.
Trong nghề y, những giọt nước mắt, những tiếng khóc than và công việc giải thích với người nhà khi bệnh nhân không qua khỏi là khoảnh khắc người bác sĩ ngại đối mặt nhất, dù biết rằng đó cũng là một phần của công việc, của cuộc sống.
- Anh có chuẩn bị tinh thần cho việc gia đình người bệnh sẽ phản ứng mạnh trong tình huống ngoài ý muốn không?
- Luôn luôn phải chuẩn bị. Vấn đề là làm sao để tình huống đó ít xảy ra hơn, để người nhà ít thắc mắc, bức xúc hơn.
Tôi có tâm niệm thế này. Thứ nhất là mình cần làm hết sức có thể và làm đúng chuyên môn. Thứ hai quan trọng không kém đó là giải thích cho gia đình cũng như bệnh nhân trước mỗi can thiệp điều trị để luôn đảm bảo sự "thông suốt" về bệnh tình và những nguy cơ có thể xảy đến trong qua trình chữa trị.
Mọi người thường bức xúc vì không được giải thích thấu đáo từ đầu, không biết người nhà bị bệnh gì, điều trị thế nào, tiên liệu ra sao. Khi gia đình hiểu vấn đề rồi thì các tình huống sẽ dễ dàng hơn.
Tôi từng gặp trường hợp, bệnh tình nặng và cả ê-kíp đã không thể cứu nổi bệnh nhân nhưng ngày sau tang lễ, gia đình vẫn tới để nói lời cảm ơn. Gia đình chia sẻ rằng những tháng ngày đó đã được bác sĩ tận tình cứu chữa.
- Với một bác sĩ lạc quan như anh, tình huống nào trong nghề nghiệp mang tới cảm giác bất lực?
- Là lúc bệnh nhân đến viện khi đã quá muộn màng. Tức là mình biết rằng nếu người ta đến sớm hơn một chút thôi, câu chuyện đã khác.
Ví dụ, một bệnh nhân có khối u ở trong cột sống chèn ép tuỷ thần kinh. Nếu cái u đó được phát hiện khi bệnh nhân chưa liệt thì câu chuyện khác, còn bệnh nhân đến sau khoảng 10 ngày khi hai chân đã liệt rồi, câu chuyện hoàn toàn khác. Tôi từng gặp một bạn sinh viên tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, trong lúc chờ ngày nhận bằng đi du lịch ở Tây Bắc gặp tai nạn, bị gãy cột sống và liệt hoàn toàn hai chân. Với những tai nạn đó, nếu bệnh nhân còn cử động được hai chân thì ca mổ sẽ tiên lượng vô cùng tốt. Còn sau tai nạn hai chân đã mất hết cảm giác và vận động thì khả năng hồi phục là rất thấp, dù mọi can thiệp có được thực hiện kịp thời đến mức nào. Và quãng đời còn lại của bạn ấy, khả năng cao sẽ gắn bó với chiếc xe lăn.
Cuộc đời con người thực sự mỏng manh như thế đấy. Hôm nay có thể đang rực rỡ nhưng ngày mai không còn lại gì. Vậy nên bác sĩ luôn mong muốn nhắn gửi đến mỗi người xin hãy luôn trân quý sinh mạng cha mẹ mình cho và tận hưởng từng khoảnh khắc sống.
- Cũng vì mong mỏi đó mà anh vẫn dành thời gian duy trì những bài viết "nghìn like" trên trang cá nhân dù công việc bác sĩ rất bận rộn phải không?
- Tôi sẽ vẫn dành thời gian cho công việc đó. Thực tế là để một bài viết có thể phát huy được giá trị sức khỏe và lan toả tới cộng đồng thì cần có những dấu ấn về ca mổ, về những tình huống bệnh tật. Những thông tin đó là có thật mà người bác sĩ đã chứng kiến, đã trải qua. Ngoài ra, những nội dung chia sẽ cần thực sự có giá trị với cộng đồng, kết hợp lời văn nhẹ nhàng dí dỏm.
Trong các bài viết, tôi thường không chia sẻ những kiến thức quá chuyên sâu, cũng ít mổ xẻ vấn đề mà chủ yếu tập trung đưa ra những giải pháp cộng đồng có thể thực hiện được. Thực hành dự phòng không cho bệnh tật xảy đến kết hợp kiểm tra sức khoẻ định kỳ để phát hiện những tổn thương còn trong "trứng nước" là những nội dung quan trong nhất.
- Nghĩa là câu chuyện dự phòng này đang cần được nhân rộng và chia sẻ nhiều hơn nữa?
- Chính xác. Có những đồng nghiệp của tôi thỉnh thoảng kể về ca mổ hay, ca mổ xuyên ngày xuyên đêm... Tôi ghi nhận vô cùng nhưng thường chia sẻ với họ rằng, bạn ơi bạn mổ ca này 5, 7, 10 tiếng là điều rất tuyệt vời nhưng chúng ta dự phòng hạn chế để bệnh lý đó không xảy ra sẽ là điều tuyệt vời hơn.
Bạn mổ những ca đấy, chứng kiến những tình huống đấy xin hãy về viết và chia sẻ cho cộng đồng để mọi người có thể dự phòng. Đó sẽ là một điều ý nghĩa vô cùng. Ví dụ mổ ca ung thư thực quản, chúng ta có thể viết một bài về dự phòng ung thư thực quản. Đặt stent mạch vành do nhồi máu cơ tim thì viết bài về cách dự phòng nhồi máu cơ tim.
Mỗi người đều chia sẻ một phần như vậy thì sự lan tỏa sẽ là rất lớn vì có hàng chục nghìn y bác sĩ. Không cần viết hay, chỉ cần viết những giải pháp dự phòng thôi là người dân được lợi rất nhiều rồi. Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân, nhưng khi tất cả chung tay, cộng đồng sẽ được đón nhận rất nhiều những thông tin sức khoẻ bổ ích và mùa xuân sẽ tới.
- Trong mùa dịch bệnh do virus corona, anh có lời khuyên gì dành cho mọi người?
- Hiện tại, chưa có vắc-xin để ngăn ngừa nhiễm Covid-19 cũng như chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Cách tốt nhất để ngăn ngừa lây nhiễm là tránh tiếp xúc với vi-rút này. Mỗi chúng ta cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh; trước khi ăn; và sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi.
Nếu xà phòng và nước không có sẵn, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn với ít nhất 60% cồn. Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước nếu tay bẩn rõ ràng. Mang bên mình lọ sát khuẩn tay nhanh, anh chị nhé!
Đồng thời, tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không rửa sạch. Đeo khẩu trang khi ra chỗ đông người hoặc nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Che mũi miệng kín khi ho - hắt hơi bằng khăn giấy rồi cho chúng vào thùng rác có nắp đậy, sát khuẩn-rửa tay ngay sau đó. Tập thể dục nâng cao thể trạng, uống nhiều nước, giữ ấm, sử dụng những thực phẩm tang cường sức đề kháng cho cơ thể như mật ong, chanh, gừng, tỏi, sả… và những hoa quả nhiều Vitamin các loại.
Các bạn nên súc miệng thường xuyên bằng những dung dịch sát khuẩn, đăch biệt sau khi đi làm về-đi chỗ đông người về, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy. Làm sạch và khử trùng các đồ vật và bề mặt thường xuyên chạm vào bằng cách sử dụng cồn hoặc chất sát khuẩn tay nhanh (Điện thoại, chùm chìa khoá, máy tính, ví, nắm đấm cửa, bàn làm việc...).
Nên dùng mu tay để bấm các nút nơi công cộng, khuỷ hoặc vai để mở cánh cửa nơi công cộng hoặc dùng giấy lọt trước khi cầm nắm đấm cửa, sát khuẩn tay sau khi đi vệ sinh, sau khi thanh toán tiền. Đồng thời, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.
Cảm ơn những chia sẻ của anh.
Các bạn có thể theo dõi trang "VIRUS CORONA" của bác sĩ Trần Quốc Khánh trên Lotus để cập nhật những bài viết hữu ích, đáng tin cậy tại đây.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Sống cùng đam mê
Xem tất cả >>- NTK váy cưới hàng đầu Việt Nam: 12 năm tâm huyết để biến “giấc mơ” của mọi cô dâu thành hiện thực, từng bước vươn mình ra thế giới
- “Phù thuỷ sân khấu” đứng sau loạt sự kiện đình đám của làng mốt Việt, được Vogue khen ngợi: “Show đến tay tôi đều không đơn giản, nếu dễ dàng các NTK đã không tìm đến tôi”
- Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn
- Cựu giảng viên Ngoại ngữ đứng sau chuỗi cafe chục tỷ Hầm Trú Ẩn: 6 tháng lỗ ròng để "trả học phí", lao đao suýt bỏ cuộc thì nhận cơ hội đắt giá
- Từ chủ thầu xây dựng “phá sản” tới ông chủ chuỗi 32 cửa hàng Thai Market, CEO Lê Thái Hoàng kể chuyện khởi nghiệp với 120 triệu đồng, từng “lao đao” suốt 2 năm vì hợp tác với bạn bè