MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BS Trương Hữu Khanh: Có nên mở dịch vụ xét nghiệm Covid-19 cho người cách ly tại nhà?

21-03-2020 - 20:09 PM | Sống

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM rất nhiều người đang cách ly tại nhà họ cho rằng cuộc sống đảo lộn, bị kỳ thị, xa lánh.

Bị kỳ thị, xa lánh

Anh K.H.C (quê Thái Bình) 1 du học sinh từ Daegu, Hàn Quốc về Việt Nam vào cuối tháng 2. Ngay sau đó anh về tới nhà có người của cơ quan y tế tới khám sức khoẻ. Anh C bị ngạt mũi, khó thở. Anh được đưa vào Bệnh viện tỉnh cách ly.

Những thông tin về anh được mọi người chia sẻ và thêu dệt thêm như: anh đi dự đám cưới, bị công an đưa đi… Hàng xóm không ai dám giao tiếp với cả gia đình anh vì sợ lây.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay, mỗi ngày bác sĩ nhận được hàng trăm tin nhắn, điện thoại của những người phải cách ly tại nhà. Có người trên chuyến bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng, được báo phải cách ly tại nhà. Cả gia đình bị hàng xóm tránh như tránh tà. Vợ con đi ra ngoài là bị chửi "nhà có người mắc dịch".

Có lúc chính những người cách ly tại nhà lại muốn đi cách ly tập trung, như vậy sẽ dễ chịu hơn và không ảnh hưởng tới người thân.

BS Trương Hữu Khanh: Có nên mở dịch vụ xét nghiệm Covid-19 cho người cách ly tại nhà? - Ảnh 1.

Có nên cho những người F2 tự xét nghiệm?

Không chỉ những người thân thuộc đối tượng F2 mà cả người thân và đối tượng F3, F4 cũng bị hàng xóm cách ly, bạn bè đồng nghiệp xa lánh.

Bác sĩ Khanh cho rằng, giữa lúc này người dân nên tỉnh táo, không nên sợ dịch Covid-19 mà kỳ thị những người cách ly. Cách ly là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch bệnh khi chưa có vắc - xin và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Cách ly là để đề phòng không may người đó bị nhiễm bệnh và phát bệnh thì không có nguy cơ lây lan cho người khác và dịch bệnh sẽ được khống chế. Việc cách ly cần sự tự giác của tất cả những người đi từ vùng có dịch về và những người tiếp xúc với người nghi ngờ, đảm bảo ngăn cản đến mức thấp nhất sự lây lan.

Bác sĩ Khanh cho biết sự giám sát của cộng đồng dân cư cũng quan trọng, nhưng chỉ để nhắc nhở những người không tự giác, chứ không phải để soi mói, kỳ thị nhau. Sợ dịch quá mà thiếu hiểu biết cũng rất nguy hiểm.

Nên mở rộng dịch vụ xét nghiệm cho người cách ly tại nhà?

Hầu hết người trở thành F1, F2, F3 là do vô tình, điều này nằm ngoài ý muốn của họ. Ví dụ, một người đi công tác trên một chuyến bay có người nhiễm bệnh, họ sẽ vô tình trở thành F1. Họ về nhà ở với người nhà, người nhà của họ tự nhiên thành F2. Chúng ta phải hiểu họ chỉ vô tình trở thành F1, F2. Có người cầm tờ giấy biết họ thành F1, F2 họ đã phát khóc, không phải vì lo sợ bệnh tật mà lo bị kỳ thị.

BS Trương Hữu Khanh: Có nên mở dịch vụ xét nghiệm Covid-19 cho người cách ly tại nhà? - Ảnh 2.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh.

Thậm chí, có những người F2 bị cấm đi ra ngõ, cấm đi đổ rác. Họ thêu dệt đủ câu chuyện về những người F2 đã làm gì, đi đâu trước đó và cảnh giác vô cùng.

Bác sĩ Khanh cho rằng, đối với sàng lọc cách ly thì F2 vô cùng ít nguy cơ. Đặc biệt người F2 đó có F1 đã cách ly đến ngày 13, 14 nhưng không có triệu chứng gì thì họ đều an toàn.

Trước thực tế bị kỳ thị cách ly, nhiều người F2 họ sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền đi xét nghiệm chỉ để chứng minh âm tính để không bị hàng xóm, đồng nghiệp kỳ thị.

Bác sĩ Khanh đề xuất nên mở ra dịch vụ xét nghiệm Covid-19 để những người nằm trong diện nguy cơ đang cách ly tại nhà có thể làm xét nghiệm tự trả tiền. Thậm chí, những người F được khuyến cáo cách ly ở nhà cũng muốn xét nghiệm để sớm biết kết quả. Nếu có dịch vụ xét nghiệm theo yêu cầu này sẽ đỡ được tình trạng đề phòng quá mức dẫn đến kỳ thị trong người dân.

Theo Ngọc Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên