"Bức tranh" kinh hoàng tại khoa Cấp cứu những ngày giáp Tết
Các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ cứ đến dịp Tết là họ cảm thấy ngao ngán đặc biệt là phải tiếp nhận các bệnh nhân vào viện sặc mùi bia rượu.
- 03-02-2019"Mất trí nhớ" sau khi uống rượu: 2 nguyên tắc giúp bạn giảm say, bớt gây hại sức khỏe
- 03-02-2019Cẩn trọng những thực phẩm chứa nhiều hóa chất được ăn nhiều vào dịp Tết, làm thế nào để ăn an toàn?
Ma men nhập viện
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hùng – Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai kể cứ vào Tết là anh lại cảm thấy mệt mỏi và năm nào cũng thế đều tập trung vào các ca cấp cứu liên quan tới rượu. Các bệnh nhân nhập viện có thể do viêm tụy cấp, viêm phổi do rượu thậm chí ngộ độc uống rượu rồi uống thuốc. Tất cả tạo nên bức tranh cấp cứu kinh hoàng.
Bác sĩ Hùng kể lẽ ra những ngày này bác sĩ thay vì dành thời gian cấp cứu các bệnh nhân bị bệnh khác thì họ lại phải quay cuồng cứu những tiên tửu.
Trường hợp của bệnh nhân N. Q. H 29 tuổi, trú tại Hà Nam vào viện cấp cứu do đau bụng, chán ăn và nôn nhiều. Lúc đầu, người thân nghĩ do ăn uống ngộ độc thực phẩm nên ở nhà tự điều trị bằng thuốc và bù dịch.
Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực cấp cứu bệnh nhân.
Tuy nhiên, tình trạng nặng không đỡ nên bệnh nhân vào bệnh viện tỉnh khám và chuyển thẳng lên Bệnh viện Bạch Mai vì viêm tụy cấp. Nguyên nhân chỉ là do những ngày cuối năm bệnh nhân ăn uống quá đà. Bữa nào cũng nhậu, đi đến đâu cũng chén chú, chén anh. Tâm lý uống hết mình và chỉ khi vào viện còn lại một mình.
Giáo sư Nguyễn Gia Bình – nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai ngao ngán lắc đầu bởi ngày Tết các bác sĩ đã mệt nhoài vì trực lại cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu.
Vũ Văn D. 47 tuổi, quê Nam Định nhập viện vì viêm tụy cấp. Điều đáng nói bệnh nhân này đã từng vào viện vì viêm tụy cấp nhưng đến dịp cuối năm không kiềm chế được những lời mời từ bạn bè nên đã uống hết mình dẫn đến viêm tụy cấp tái phát.
Dù bệnh nhân có BHYT 100 % và bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng bệnh nhân cũng không thể qua khỏi do bị viêm tụy hoại tử nặng kèm theo bệnh lý khác.
Giáo sư Bình cho biết ngày Tết trở thành áp lực với các bác sĩ đủ thứ bệnh tăng lên và có nhiều người Việt biết rõ nhậu nhẹt có thể dẫn tới bỏ mạng nhưng vẫn coi thường. Có bệnh nhân tăng huyết áp, uống rượu và không uống thuốc dẫn đến tai biến chảy máu não. Vào viện dù bác sĩ cố cứu cũng không được.
Sinh ly tử biệt sau cuộc liên hoan
Trường hợp của anh N. N. Đ 31 tuổi, quê Thái Bình được đưa lên cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng rất nặng. Gia đình đưa lên Hà Nội với hi vọng còn nước còn tát. Tuy nhiên, chỉ xem phim chụp bác sĩ đã lắc đầu vì bệnh nhân đã chết não và gia đình đành đưa về nhà.
Theo người thân của bệnh nhân anh Đ. làm bảo vệ. Sau buổi liên hoan đồng môn, anh vội vàng đến chỗ làm cho kịp giờ làm vì uống quá nhiều dẫn tới không làm chủ được tốc độ, anh lao vào đống gạch nhỏ ở ven đường và ngã vật ra đường.
Lúc anh bị tai nạn, các bạn nhậu của anh vẫn còn vui 100% còn anh hi vọng sống dù 1% cũng không còn.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội kể bác sĩ đã chứng kiến và chứng kiến rất nhiều những phút biệt ly ngày tết như vậy. Đặc biệt hình ảnh người mẹ già ngồi khóc bên con trai, lòng người như vỡ vụn, buồn thê lương tê tái... không khí đó không phải là ngày Tết vui tươi mà là tang tóc.
Có đêm trực, bác sĩ Khánh kể lúc đó 1h sáng đêm mùng 2 tết, phòng đón tiếp cấp cứu bệnh viện vẫn la liệt bệnh nhân trên cáng. Điều dễ dàng nhận ra nhất đó là hầu hết bệnh nhân lúc này đều rất trẻ và chủ yếu bị tai nạn giao thông hoặc đâm chém nhau, nhiều bệnh nhân còn nồng nặc mùi rượu.
Nhìn qua một lượt, tổn thương chủ yếu trong đêm nay vẫn không khác gì những đêm ngày Tết khác: chấn thương sọ não, vỡ hàm mặt, gãy tay chân và gãy cột sống là đa số.
Ở góc xa buồng bệnh, cậu thanh niên gần như biến dạng hết mặt mũi đang được nhân viên bóp bóng thở, người mẹ già bơ phờ đứng bóp chân cho con, đôi mắt bà đẫm nước mắt. Anh trai và bố bệnh nhân tất tả chạy ra chạy vào lo cho con trai, liên tục lại gặp bác sĩ hỏi tình trạng bệnh.
Bệnh nhân đi làm xa về họp mặt bàn bè ngày tết, sau tiệc rượu, chạy xe máy trên đường về bị tai nạn với ô tô đi ngược chiều, hai người trên xe máy đều bị nặng, chuyển thẳng xuống Việt Đức.
Trường hợp này bị quá nặng, lúc vào viện đồng tử hai bên đã giãn, không còn phản xạ ánh sáng, điểm tri giác về thấp nhất, không còn tự thở, phim chụp cắt lớp cho thấy não của bệnh nhân bị tổn thương phức tạp, não dập nhiều, máu tụ các vị trí, vỡ nền sọ, phù não lan toả…
Với tổn thương và lâm sàng như vậy, các bác sĩ giải thích cho gia đình và tiên lượng cháu khó qua được. Bố bệnh nhân bật khóc như con trẻ, người mẹ đang đứng lau người bóp chân cho con từ xa thấy vậy cũng vội đến bên bác sĩ.
Biết con trai khó có cơ hội sống tiếp, bà òa khóc nức nở. Từ lúc con trai bị tai nạn, bà kìm nén và cố gắng không nghĩ về điều khủng khiếp nhất, nhưng rồi nó vẫn cứ xảy đến, bà sẽ mất con mãi mãi. Ngày tết đoàn viên, cậu con trai đi làm xa về đoàn tụ cùng cha mẹ, cũng là ngày cậu từ biệt người thân để ra đi vĩnh viễn…
Chính vì thế, bác sĩ khuyến cáo khi nâng chén rượu lên, hãy nghĩ một chút thôi khi muốn chúc ai đó hãy nghĩ tới những nguy hiểm tới tính mạng có thể xảy ra với bất cứ ai.
Trí thức trẻ