MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh kinh tế năm 2022 với nhiều con số tích cực

Ước tính GDP cả năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: VN Media)

Ước tính GDP cả năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: VN Media)

Sáng nay (29/12), nhiều con số kinh tế đáng chú ý đã được công bố trong Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 của Tổng cục Thống kê.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 và 2021.

Ước tính GDP cả năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022.

Khi bóc tách cấu phần tăng trưởng, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%.

Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Đặc biệt, tính chung cả năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

"Trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao, lạm phát của Việt Nam đạt 3,15%. Chúng tôi đánh giá đó là sự thành công rất lớn của Việt Nam. Trong thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra một loạt giải pháp kịp thời về việc hỗ trợ giá, khắc phục nguồn cung cũng như giảm thuế hàng hóa", bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho biết.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, cùng mức xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước 3,32 tỷ USD) là rất ấn tượng. Tuy nhiên theo đại diện Tổng cục Thống kê, chất lượng tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ cần lưu ý trong năm tới.

"Theo chúng tôi xuất siêu 11,2 tỷ USD trong ngắn hạn có vẻ tốt, nhưng thực chất cũng là dấu hiệu cảnh báo các doanh nghiệp đã nhập khẩu ít đi. Nhập khẩu như vậy sẽ tác động tác chu kỳ sản xuất tiếp theo", ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ thống kê Thương mại Dịch vụ, nhận định.

Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động bất thường với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động kinh tế - xã hội năm 2022 của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó chính là nhờ vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Hoàng Nam

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên