Bức tranh kinh tế Việt Nam tháng 5 vừa qua có gì đặc biệt?
Mới đây công ty chứng khoán ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBS) công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô tháng 5/2019. Kinh tế Việt Nam tháng 5 có những điểm sáng về FDI, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới.
- 30-05-2019Kinh tế Việt Nam vượt Singapore vào 2029: Đâu là sự thật?
- 28-05-2019Kinh tế Việt Nam được dự báo vượt Singapore vào 2029
- 20-05-2019Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới
CPI tháng 5 tăng 0,49% so với tháng trước
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 1,5% so với tháng 12/2018 và tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2019 tăng 2,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Giá xăng dầu tăng theo giá thế giới cùng với giá điện tăng do sản lượng điện tiêu thụ tăng cao đã ảnh hưởng tới tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Năm, tuy nhiên diễn biến của dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tiếp tục giảm.
IIP 5 tháng đầu năm 2019 tăng chậm hơn so với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2019 ước tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ 2018. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, IIP ước tăng 9,4% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 10,3% của cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9% (cùng kỳ năm trước tăng 12,1%), đóng góp 8,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước (khai thác dầu thô giảm 7,9%, khai thác than tăng 12,9%), làm giảm 0,02 điểm phần trăm mức tăng chung.
Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng nhẹ so với tháng trước
Hoạt động thương mại dịch vụ 5 tháng đầu năm nay tăng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tháng 5/2019 ước tính đạt 403,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.983,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,6% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,5%).
Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới 5 tháng đầu năm 2019 tăng mạnh cùng số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2018
Tính chung 5 tháng đầu năm nay có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới với tổng vốn đăng ký là 669,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2018.
Trong 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu ở các lĩnh vực: ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 37,6% tổng số doanh nghiệp thành lập mới); ngành xây dựng (chiếm 15,1%); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 11,6%); ngành khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 6,3%)…
Bội thu ngân sách đến 15/5 ước tính 66,6 nghìn tỷ đồng
Tính tới 15/04/2019, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 553,5 nghìn tỷ đồng, tương đương với 39,2% dự toán năm. Trong đó thu nội địa ước tính đạt 447,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,1% kế hoạch năm. Tổng chi ngân sách ước đạt 486,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 29,8% dự toán năm chủ yếu là chi thường xuyên với 358,2 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8% dự toán năm. Như vậy tính tới giữa tháng 5/2019, ước tính ngân sách nhà nước bội thu khoảng 66,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với mức bội thu ngân sách của cùng kỳ năm 2018 (19,9 nghìn tỷ đồng).
Vốn FDI đăng ký cấp mới tiếp tục tăng mạnh cùng giá trị góp vốn, mua cổ phần
Tính tới 20/5/2019, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm đạt 9.086,7 triệu USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ 2018. Bên cạnh đó, giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 7,65 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn FDI giải ngân trong 5 tháng đầu năm ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 5 tháng, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là ngành thu hút vốn FDI nhất với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 4.744,4 triệu USD, chiếm 73,5% tổng vốn FDI. Lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 742,3 triệu USD, chiếm 11,5%; các ngành còn lại đạt 971,2 triệu USD, chiếm 15%.
5 tháng đầu năm 2019 ước tính nhập siêu 548 triệu USD
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu thực hiện tháng 4/2019 lần lượt là 20.440 triệu USD và 20.994 triệu USD. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 4 nhập siêu 555 triệu USD.
Trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước tính đạt 21,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 22,8 tỷ USD, tăng 8,6% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu ước đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt 101,28 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Như vậy, Việt Nam ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD trong tháng 5 và nhập siêu 548 triệu USD tính chung 5 tháng đầu năm (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,6 tỷ USD).
Trong 5 tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 29,6 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ.
Trí Thức Trẻ/VPBS