Bùng nổ điện mặt trời mái nhà ở TP HCM
Đã có khoảng 30 trụ sở cơ quan hành chính, công lập trên địa bàn TP HCM lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và được đánh giá hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
- 22-11-2020Đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ mang lại lợi ích quốc gia
- 22-11-2020Hiệp định RCEP - Rộng mở thị trường, khốc liệt "đường đua"
- 22-11-2020Tại sao hoạt động M&A trong lĩnh vực năng lượng mặt trời ở Việt Nam sẽ bùng nổ trong tương lai?
UBND quận Phú Nhuận, quận 10, quận 8, huyện Củ Chi, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Tôn Đức Thắng… là những địa chỉ đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, ghi nhận hiệu quả khả quan.
Tiết kiệm tới 400 tỉ đồng/năm
Đầu năm 2017, quận Phú Nhuận xây lại trụ sở HĐND và UBND tại số 159 Nguyễn Văn Trỗi. Dịp này, quận đã dành một phần kinh phí trong tổng vốn gần 137 tỉ đồng đầu tư trụ sở để lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Hệ thống này đạt công suất 90 KWp, bình quân mỗi ngày tạo ra 350-370 KWh điện, tức xấp xỉ 11.000 KWh/tháng, tương đương 35%-40% lượng điện tiêu thụ toàn trụ sở hằng tháng.
Điện mặt trời trên mái nhà đang được rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, người dân tại TP HCM quan tâm
Tại quận 12, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chánh văn phòng HĐND và UBND quận, cho biết thực hiện chủ trương chung về tiết kiệm điện cũng như tạo môi trường xanh, UBND quận đã đầu tư lắp đặt điện năng lượng mặt trời công suất khoảng 80 KWp. "Qua gần 3 năm sử dụng, hiệu quả mang lại rất cao, bình quân mỗi tháng tiết kiệm được 20 triệu đồng, tương đương 30% chi phí điện hằng tháng" - ông Hiệp nêu số liệu.
Cũng khẳng định lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà giúp mang lại những hiệu quả thiết thực, một số đơn vị cho hay ngoài việc tiết kiệm tiền điện phải trả do giảm sử dụng từ nguồn điện lưới, việc lắp đặt các tấm pin mặt trời còn giúp làm mát tòa nhà, giảm công suất sử dụng máy lạnh và các cơ quan còn có thêm nguồn thu bổ sung từ tiền bán sản lượng điện mặt trời dư phát ngược lên lưới điện.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), thông tin mới đây, UBND TP HCM đã đồng ý với đề xuất của Sở Công Thương TP về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái trụ sở công trên địa bàn TP. Theo tính toán, nguồn vốn đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 3.000 tỉ đồng cho toàn bộ hệ thống mái của cơ quan hành chính trên địa bàn TP lắp đặt tổng công suất trên 150 MWp. Sau khi hoàn vốn, mỗi năm TP có thể tiết kiệm tới 400 tỉ đồng tiền điện. "Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện có một số khó khăn và còn chờ quyết định chính thức của UBND TP" - ông Kiên nói.
Theo phó tổng giám đốc EVNHCMC, các sở, ngành đang tham mưu với TP dùng vốn ngân sách để lắp điện mặt trời trên mái trụ sở công. Việc đầu tư sẽ chia làm nhiều đợt, có thể thực hiện theo hình thức cuốn chiếu để dễ cân đối nguồn vốn.
"Tùy từng thời điểm, chi phí đầu tư điện mặt trời trên mái nhà sẽ có giá khác nhau nhưng trung bình khoảng 15 triệu đồng/KWp. EVNHCMC sẽ làm nhiệm vụ kết nối nhà đầu tư là các đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ quan công quyền TP với nhà cung cấp giải pháp, thiết bị điện mặt trời. Song song đó, sẽ tư vấn về kỹ thuật, vốn đầu tư nếu có yêu cầu. Nguyên tắc là nhà đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu tốt, giá hợp lý nhất để triển khai dự án" - ông Kiên nói.
Tận dụng mái nhà KCX-KCN
Cũng theo EVNHCMC, hiện rất nhiều doanh nghiệp (DN) có nhà xưởng ở các KCN-KCX trên địa bàn TP quan tâm đến phương án đầu tư điện mặt trời trên mái nhằm tận dụng lợi thế mái nhà có sẵn.
Hồi giữa năm nay, Hiệp hội Các DN TP HCM (HBA), Ban Quản lý các KCN-KCX TP HCM (HEPZA) và EVNHCMC đã đồng tổ chức "Lễ phát động Chương trình phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo" tại các KCN giai đoạn 2020-2024. Theo đó, các bên đặt mục tiêu phát triển 1.000 MWp tổng công suất hệ thống điện mặt trời áp mái với 1.000 DN trong các KCN, KCX, Khu Công nghệ cao (KCNC) trên địa bàn TP. Nếu hoàn thành mục tiêu chiến lược đề ra, hoạt động này sẽ giúp giảm 10%-15% lượng điện tiêu thụ, góp phần giảm 23 triệu tấn khí CO2, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng đô thị và giảm áp lực ô nhiễm môi trường.
Đến thời điểm này, theo EVN HCMC, đã có khoảng 60 khách hàng là DN KCN-KCX đầu tư điện mặt trời trên mái nhà với công suất lắp đặt khoảng 22 MWp. "Tiềm năng điện mặt trời mái nhà KCN-KCX trên địa bàn khoảng 1.800 - 2.000 MWp" - ông Bùi Trung Kiên thông tin.
Đơn cử như tại KCN Tân Tạo (quận Bình Tân), 11 dự án điện mặt trời trên mái nhà của các DN với tổng công suất 12,9 MWp đang triển khai, dự kiến sẽ nối lưới trước thời điểm 31-12-2020. Trong khi đó, lũy kế đến thời điểm hiện tại, tại đây có 13 dự án điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất 7,2 MWp.
Tuy vậy, ông Kiên nhìn nhận con số 60 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà KCN-KCX vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Nguyên nhân là do DN còn gặp một số khó khăn khi triển khai. Cụ thể, các KCN-KCX đã phát triển lâu, thời gian thuê đất của nhiều DN chỉ còn vài năm nên rất cân nhắc trong việc đầu tư hệ thống điện mặt trời 20 năm. Cũng vì đầu tư đã lâu nên kết cấu dàn khung mái nhà xưởng đã cũ, đòi hỏi phải đầu tư bổ sung, gia cố nếu muốn lắp điện mặt trời. Cuối cùng, vốn đầu tư điện mặt trời lớn trong khi hầu hết DN gặp khó do dịch Covid-19, đang ưu tiên vay vốn để sản xuất - kinh doanh hơn là đầu tư điện mặt trời. "Các ngân hàng và công ty tài chính đều có chính sách phát triển năng lượng mặt trời, nếu DN gặp vướng mắc thì ngành điện sẽ giới thiệu" - đại diện EVNHCMC cho hay.
Hơn 11.000 công trình đã nối lưới
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho hay trên cơ sở thực tế một số quận, huyện, trường học, bệnh viện... lắp hệ thống điện mặt trời giúp tiết kiệm chi phí hằng tháng, sở đã tham mưu UBND TP có hướng nhân rộng việc đầu tư điện mặt trời trên mái nhà. Hiện UBND TP mới có chủ trương chung, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan sẽ báo cáo các phương án cụ thể mới có thể triển khai.
Tính đến ngày 1-11, trên địa bàn TP HCM đã có gần 11.281 công trình điện mặt trời mái nhà có nối lưới với tổng công suất trên 192 MWp. Ngoài ra, còn có hơn 70 công trình điện mặt trời mái nhà độc lập. Tổng công suất điện phát lên lưới trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt gần 52 triệu KWh.
Theo Người lao động