MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bứt tốc thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Nhiều địa phương phía Bắc đang trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến hết tháng 8-2023 đạt gần 18,15 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong "tốp 5" tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI lớn nhất 8 tháng qua, có 3 địa phương tại miền Bắc là Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Giang. Nếu xét "tốp 10", khu vực này còn có Bắc Ninh, Quảng Ninh.

Hà Nội dẫn đầu cả nước

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn FDI đăng ký hơn 2,34 tỉ USD, chiếm gần 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước, tăng gấp 2,89 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,08 tỉ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 72,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Bắc Giang đạt 1,49 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm 2023.

Tại Hà Nội, mới đây, Tập đoàn Inventec (IEC) đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm máy chủ internet, máy tính xách tay, thiết bị đeo tay, thiết bị y tế thông minh tại khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 125 triệu USD. Theo dự kiến, nhà máy sẽ đi vào vận hành cuối năm 2024, tạo việc làm cho gần 20.000 lao động.

Bứt tốc thu hút vốn đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Công nhân làm việc trong một nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: MINH PHONG

Tại Hải Phòng, với 67 dự án đăng ký mới chỉ riêng trong tháng 8-2023, địa phương này giữ vững vị trí thứ 2 về thu hút vốn FDI. Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, các doanh nghiệp FDI đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ cao, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tiết kiệm năng lượng, tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ cho công nghiệp thành phố.

Ông Kiên cho rằng nhờ hệ thống hạ tầng đồng bộ, được đầu tư mạnh mẽ - từ cảng biển đến đường cao tốc, sân bay, logistics - mà TP Hải Phòng tiếp tục là điểm đến được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Trong đó, hệ thống đường cao tốc, đường bộ kết nối thuận tiện với toàn vùng, miền Bắc và cả nước.

Bắc Giang cũng đã thu hút dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của nhà đầu tư Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited (Trung Quốc) và nhà máy công nghệ chính xác Fulian (Singapore) chuyên sản xuất linh kiện điện tử với tổng mức đầu tư hơn 761 triệu USD.

Với 3 tỉnh, thành lọt vào "tốp 5" thu hút vốn FDI 8 tháng qua, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng yếu tố hạ tầng giao thông, kết nối liên vùng đã tạo thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn quan trọng này của các địa phương khu vực miền Bắc. Bên cạnh đó, sự sẵn sàng về hạ tầng KCN - chẳng hạn, tỉnh Bắc Giang với nhiều KCN như Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung, Hòa Phú… được đầu tư bài bản - là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư đến tìm hiểu và "rót" vốn.

Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá những dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh. Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết đây là các địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong khâu xúc tiến đầu tư…

Ưu tiên dòng vốn chất lượng cao

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông, Việt Nam đã chủ động thu hút, hợp tác FDI theo hướng chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá hàng đầu.

Việt Nam ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Việt Nam đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel, Samsung.

Đây cũng là định hướng mà TP Hà Nội đang hướng tới trong việc thu hút dòng vốn quan trọng này thời gian tới. Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết thành phố đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI vào công nghệ mới, công nghệ cao có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất, từ đó tạo thêm nhiều giá trị gia tăng. Bên cạnh việc thúc đẩy hạ tầng các KCN, tiếp nhận quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội cũng đang cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư.

Cũng từ góc độ địa phương, ông Lê Trung Kiên khẳng định việc đầu tư mở rộng các KCN, sẵn sàng về hạ tầng luôn là nhiệm vụ ưu tiên của Hải Phòng để bứt tốc mạnh mẽ trong thu hút vốn FDI. Cùng với đó, Hải Phòng chú trọng việc xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu cơ hội hợp tác.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng các địa phương cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật KCN, nhà xưởng, điện, nước, hạ tầng xã hội và nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần chú trọng thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao và chuyển giao công nghệ.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cũng lưu ý các địa phương cần rà soát những ưu đãi để thu hút FDI chất lượng cao. Trong đó, cần có tiêu chuẩn cao hơn cho công nghệ cao và chuyển giao công nghệ; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thực tế. 

Xây dựng "bộ lọc"

Để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê cho rằng các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện cần thiết như: rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một "bộ lọc" mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến.

Theo Tổng cục Thống kê, cần nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên