MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cá gỏi kiến vàng Kon Tum: Đặc sản nức tiếng vùng đất bạt ngàn nắng gió Tây Nguyên

05-11-2022 - 10:51 AM | Lifestyle

Cá gỏi kiến vàng được chế biến từ "lộc trời ban" ở Tây Nguyên, mỗi năm chỉ có một mùa vào khoảng cuối tháng 5 - đầu tháng 6.

Nghe tên gọi "cá gỏi kiến vàng" có vẻ độc lạ, hấp dẫn nhưng nhìn cách bà con chế biến, hẳn nhiều người sẽ không dám ăn. Tuy nhiên, nếu lỡ nếm thử một lần, chắc chắn thực khách sẽ bị cuốn hút bởi sự thơm ngon, bổ dưỡng và hương vị vô cùng đặc biệt của món ăn này.

Cá gỏi kiến vàng Kon Tum: Đặc sản nức tiếng vùng đất bạt ngàn nắng gió Tây Nguyên - Ảnh 1.

Người Rơ Măm thường dùng trứng kiến để nấu canh chua, trộn gỏi, xào thịt (Ảnh: Trần Hiền)

Người Rơ Măm là dân tộc rất ít người ở Việt Nam, với gần 160 hộ (khoảng 460 nhân khẩu) sinh sống chủ yếu ở làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Là tộc người cổ sống từ lâu trong rừng sâu nên bà con Rơ Măm có nhiều món ăn rất kì dị, khác thường, ít ai có thể thưởng thức được. Người Rơ Măm thường dùng kiến vàng và trứng kiến để nấu canh chua, trộn gỏi, xào thịt hoặc làm gia vị chấm.

Cá gỏi kiến vàng Kon Tum: Đặc sản nức tiếng vùng đất bạt ngàn nắng gió Tây Nguyên - Ảnh 2.

Cá gỏi kiến vàng được chế biến từ "lộc trời ban" (Ảnh: Trần Hiền)

Tuy nhiên, hương vị thơm ngon, tinh túy nhất phải kể đến món cá gỏi kiến vàng được chế biến từ "lộc trời ban", mỗi năm chỉ có một mùa, vào khoảng cuối tháng 5 - đầu tháng 6. Quanh khu vực cư trú của người Rơ Măm có rất nhiều kiến vàng nhưng theo kinh nghiệm của bà con nơi đây, kiến vàng ngon phải là những ổ kiến non hoặc có thật nhiều trứng.

Cá gỏi kiến vàng là một trong những đặc sản nức tiếng của vùng đất bạt ngàn nắng gió Tây Nguyên chính bởi vị ngon, lạ và nét độc đáo không hề trộn lẫn. Hơn nữa, sức hấp dẫn của món cá gỏi kiến vàng lại không thể hiện ở hình thức bên ngoài.

Cá gỏi kiến vàng Kon Tum: Đặc sản nức tiếng vùng đất bạt ngàn nắng gió Tây Nguyên - Ảnh 3.

Sức hấp dẫn của món cá gỏi kiến vàng không thể hiện ở hình thức bên ngoài (Ảnh: mia)

Để chế biến được món cá gỏi kiến vàng cần trải qua nhiều công đoạn cầu kì, tỉ mỉ. Muốn giữ đúng hương vị đặc trưng của món cá gỏi, người Rơ Măm thường chọn cá suối với phần thịt săn chắc, vảy đều, tươi ngon. Như vậy, món ăn sẽ có vị ngọt, dai, mùi thơm tự nhiên và không hề bị tanh.

Còn đối với nguyên liệu thứ hai, bà con sẽ tìm kiếm những tổ kiến thật to, khối lượng trứng lớn bởi trứng kiến vàng rất thơm, ăn lại bùi, chế biến cùng cá suối cho vị ngọt thơm của cá, ngậy của trứng và chua của kiến.

Cá gỏi kiến vàng Kon Tum: Đặc sản nức tiếng vùng đất bạt ngàn nắng gió Tây Nguyên - Ảnh 4.

Cá suối lọc thịt rồi băm nhuyễn, vắt cạn nước để khử mùi tanh (Ảnh: mia)

Theo kinh nghiệm đi rừng của đồng bào Rơ Măm truyền lại, khi lấy được tổ kiến vàng, họ thường đặt phía dưới một chậu nước, lấy cán dao gõ cho kiến rơi ra rồi nhẹ nhàng tách đôi, nhặt lấy trứng kiến. Trứng kiến vàng thường to bằng hạt gạo, có màu trắng đục và mùi thơm nhẹ.

Khi chọn được cá suối đạt tiêu chuẩn thì đem về làm sạch, lọc thịt rồi băm hoặc giã nhuyễn, vắt cạn nước để khử mùi tanh. Tương tự như cá suối, phần thịt kiến và trứng kiến cũng được làm nhuyễn rồi đem phơi dưới nắng cho se lại.

Cá gỏi kiến vàng Kon Tum: Đặc sản nức tiếng vùng đất bạt ngàn nắng gió Tây Nguyên - Ảnh 5.

Cá gỏi kiến vàng cuốn với lá rừng như lộc vừng, xoài non, lá sung (Ảnh: Phạm Hoàng)

Công đoạn kế tiếp chính là nêm gia vị, trộn chung cá với kiến cùng muối hột, tiêu rừng, ớt xanh, có thể thêm chút thính gạo cho dậy mùi và nhớ phải trộn thật đều tay, để trong khoảng 30 phút. Theo tiếng dân tộc, bà con gọi món cá gỏi kiến vàng là Plat, còn trộn thêm thính gạo vào thì gọi là Trót IagLia, vừa có vị ngọt của cá, vị chua của kiến và vị béo ngậy đặc trưng của trứng kiến.

Không biết món cá gỏi kiến vàng ra đời từ khi nào nhưng theo các già làng thì món ăn được cha ông truyền lại. Trải qua bao đời, cá gỏi kiến vàng trở thành đặc sản lúc nào không hay. Người Rơ Măm thường làm cá gỏi kiến vàng trong dịp Tết, ngày lễ quan trọng của làng hoặc gia đình thiết đãi khách quý. Hiện nay, những người lớn tuổi thạo chế biến món này vẫn thường truyền dạy cho lớp trẻ kinh nghiệm và bí quyết để gìn giữ món ăn truyền thống của dân tộc mình.

Cá gỏi kiến vàng Kon Tum: Đặc sản nức tiếng vùng đất bạt ngàn nắng gió Tây Nguyên - Ảnh 6.

Món ăn có vị ngọt của cá, vị chua của kiến, vị béo ngậy của trứng kiến (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)

Thưởng thức cá gỏi kiến vàng cuốn với lá rừng như lộc vừng, xoài non, lá sung…, uống chung rượu ghè (rượu cần) là một trong những nét văn hóa ẩm thực vô cùng đặc sắc của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Vị ngọt của cá suối quyện cùng vị chua chua, béo ngậy của kiến, vị cay xé của tiêu ớt, thêm một chút đắng của các loại lá rừng tạo cho cá gỏi trứng kiến một hương thơm khác lạ, không thể trộn lẫn với bất kì món gỏi cá nào.

Theo Lãng Du

Tổ quốc

Trở lên trên