MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cà Mau lo đứt gãy chuỗi cung ứng tôm

01-09-2021 - 15:06 PM | Thị trường

Cà Mau lo đứt gãy chuỗi cung ứng tôm

Con tôm có thể gọi là "đầu cơ nghiệp" của ngành thuỷ sản tỉnh Cà Mau, chiếm tới 91% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh.

Là một trong những tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Cà Mau cũng đang gánh chịu nhiều thiệt hại bởi những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4.

Thế mạnh của Cà Mau là nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, trong đó tôm là mặt hàng chủ lực.

Trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Cà Mau đạt 596 triệu USD, trong đó riêng xuất khẩu tôm đạt 543 triệu USD, chiếm 91%.

Xét riêng về sản phẩm tôm sú xuất khẩu, Cà Mau đang đứng đầu cả nước, chiếm 54% kim ngạch, với trên 175 triệu USD trong 7 tháng đầu năm.

Cà Mau có khoảng 60 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong đó có top 5 doanh nghiệp lớn gồm Minh Phú, Cases, Minh Quý, CAMIMEX và SEAPRIMEXCO, chiếm 69% xuất khẩu thủy sản của tỉnh.

Riêng đối với mặt hàng tôm, ngoài Cà Mau thì thêm Sóc Trăng và Bạc Liêu, đây là 3 tỉnh trọng điểm về nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm, chiếm 61% xuất khẩu tôm của cả nước.

Diễn biến và kết quả xuất khẩu tôm những tháng cuối năm của Việt Nam đang và sẽ phụ thuộc và tình hình sản xuất, xuất khẩu của cả 3 tỉnh.

Trao đổi với Nhịp sống doanh nghiệp BizLIVE,  ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, những khó khăn các tỉnh phía Nam nói chung và Cà Mau nói riêng đang gặp phải nếu như chậm khắc phục, hoặc khắc phục không hiệu quả sẽ nguy cơ dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất chế biến xuất khẩu là khó tránh khỏi và việc khôi phục lại cực kỳ khó khăn.

Khi dịch bệnh bùng phát mạnh và các tỉnh phía Nam phải giãn cách theo Chỉ thị 16, Cà Mau đã bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Cà Mau với đặc thù là một tỉnh sản xuất thủy sản xuất khẩu, và sản phẩm chủ lực của địa phương là con tôm. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam (bao gồm Cà Mau) đã làm cho hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng này vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Tình hình sản xuất chế biến bị giảm sút khiến nguyên liệu đầu vào bị dư thừa và dẫn đến giảm giá. Nếu như không khắc phục được người nông dân sẽ không duy trì được sản xuất và kéo sau đó nuôi trồng thủy sản xuất khẩu sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu và các ngành hàng khác cũng sẽ có chung kịch bản như vậy.

Cà Mau có khoảng 300 ngàn hecta tôm nuôi ước sản lượng khoảng 150.000 tấn, chủ yếu cung ứng chế biến xuất khẩu. Sản lượng khai thác thủy sản biển trên 200.000 tấn/ năm. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủy sản của Cà Mau bình quân khoảng 1 tỷ USD/ năm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp chế biến thủy sản, tỉnh đã tổ chức cho gần 40 doanh nghiệp duy trì sản xuất vớ phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”, nhưng có một số không đáp ứng được yêu cầu này phải đóng cửa và chỉ có khoảng 10.000 công nhân/20.000 công nhân của hơn 50 doanh nghiệp còn làm việc, với công suất chế biến trên dưới 50%.

Phương án sản xuất này chỉ cầm cự tạm thời để doanh nghiệp duy trì sản xuất, và nếu không có các biện pháp khôi phục kịp thời thì nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất từ nuôi trồng - khai thác - chế biến - kinh doanh - xuất nhập khẩu đang hiển hiện trước mắt.

Dịch bệnh đã tác động lên chuỗi sản xuất, cung ứng chế biến xuất khẩu của tỉnh ra sao? 

Để biết dịch bệnh tác động mạnh đến chuỗi cung ứng thủy hải sản như thế nào, bạn hãy nhìn vào giá đầu ra sản phẩm sẽ hình dung được mức độ tác động.

Sản phẩm chủ lực của tỉnh là tôm và tùy theo size đã giảm từ 8.000 - 23.000 đồng/ kg. Đặc biệt đối với tôm thẻ chân trắng các size từ 60 - 100 con/kg đã giảm rất sâu, từ 10.000 - 23.000đ/kg, với giá bán này nông dân không lời thậm chí thu lỗ, dẫn đến tái sản xuất của nông dân đang gặp khó khăn. Vì vậy, theo nhận định của nhiều người chuỗi sản xuất tôm bị gãy đổ là có cơ sở.

Đối với khai thác hải sản, mặc dù ngư dân vẫn bám trên biển nhưng giá bán hải sản đang sụt giảm mạnh, hiện giá mực tươi, mực khô các loại đã giảm 20 - 30%/ kg, cá chợ giảm từ 20 - 29%, khiến lực lượng khai thác biển gặp nhiều khó khăn và ngư dân khó duy trì sản xuất.

Những khó khăn các tỉnh phía Nam nói chung và Cà Mau nói riêng đang gặp phải nếu như chậm khắc phục, hoặc khắc phục không hiệu quả sẽ nguy cơ dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất chế biến xuất khẩu là khó tránh khỏi và việc khôi phục lại cực kỳ khó khăn.

Giải pháp của Cà Mau đang triển khai là gì, thưa ông?

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp và đến từ nhiều phía nhất là từ lực lượng tài xế vận chuyển hàng hóa, đã có tỷ lệ khá nhiều tài xế dù thời gian xét nghiệm còn hiệu lực nhưng khi test nhanh vẫn phát hiện dương tính, có những trường hợp phát hiện kịp thời nhưng vẫn có một số trường hợp phát hiện trễ, đã gây ra ổ dịch trong cộng đồng khó khống chế.

Do vậy, có những lúc tỉnh phải thay đổi biện pháp quản lý phòng chống dịch bệnh, và sự thay đổi này đã từng lúc tác động lên hoạt động sản xuất thậm chí có lúc tác động rất khó đến hoạt động sản xuất, đặc biệt là hoạt động của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.

Để gắn công tác phòng, chống dịch bệnh với đảm bảo và tạo điều kiện duy trì sản xuất, tỉnh Cà Mau ưu tiên cho phòng chống dịch và trên cơ sở đó căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế sẽ tạo điều kiện cho sản xuất, vì khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch quá nghiêm ngặt thì người dân và doanh nghiệp kêu than rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu mở ra cho sản xuất mà không đảm bảo an toàn dịch bệnh sẽ làm cho dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát thì mọi hoạt động duy trì sản xuất lúc đó sẽ không còn ý nghĩa.

Do vậy, cần phải căn cứ vào tình hình thực tế sẽ mở ra cho sản xuất ở mức độ thích hợp, có như vậy mới đảm bảo và được duy trì kết quả phòng chống dịch mà vẫn ít ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chế biến xuất khẩu của doanh.

Cám ơn ông về cuộc trao đổi này!


Theo Nguyễn Huyền

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên