MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cả nước vẫn còn 1.766 thôn chưa có điện, 112 xã chưa có trường mầm non, tiểu học

09-10-2017 - 21:38 PM | Xã hội

Chiều 9.10, Tổng cục Thống kê họp báo công bố kết quả tổng điều tra về nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản giai đoạn 2011-2016). Theo công bố tại thời điểm 1.7.2016 cả nước còn 1.766 thôn vẫn chưa có điện và 58 xã chưa có trường mầm non…

Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, đây là cuộc điều tra về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản có quy mô lớn được thực hiện tại 8.978 xã và 79.898 thôn với gần 16 triệu hộ ở nông thôn và trên 1 triệu hộ ở thành thị đang hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản…

Cuộc tổng điều tra có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, huy động trên 180.000 điều tra viên, áp dụng công nghệ đã giảm được thời gian điều tra xuống 6 tháng. Cuộc điều tra thu thập đầy đủ và toàn diện nhất về bức tranh hoạt động kinh tế nông thôn để làm căn cứ điều chỉnh lại kế hoạch hàng năm, với tổng chi phí khoảng 600 tỉ đồng.

Theo báo cáo, tại thời điểm 1.7.2016 cả nước có 8.927 xã có đường ôtô kết nối từ UBND xã đến UBND huyện (chiếm 99,4% tổng số xã và tăng 8% so với năm 2011); gần 74,9 nghìn thôn có đường ôtô kết nối với trụ sở UBND xã (chiếm 93,7%); hệ thống trường mầm non và trường phổ thông các cấp được quy hoạch lại, đảm bảo phù hợp với sự biến động số số lượng học sinh;

Cơ sở hạ tầng y tế ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, năm 2016 cả nước có 8.930 xã có trạm y tế (chiếm 99,5%); hệ thống cung cấp nước sạch tiếp tục được đầu tư xây dựng, tại thời điểm điều tra, trên địa bàn nông thôn có 4.498 xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (chiếm 50,1% tổng số xã).

Ngoài ra vẫn còn những hạn chế, bất cập như vẫn còn 1.766 thôn chưa có điện; 51 xã chưa có đường ôtô từ trụ sở UBND xã tới UBND huyện và 5.042 thôn chưa có đường ôtô tới trụ sở xã. Về kết cấu hạ tầng giáo dục và còn 58 xã chưa có trường mầm non (chiếm 0,6%) và 64 xã chưa có trường tiểu học.

Cùng đó, cơ cấu kinh tế dịch chuyển chậm nên kinh tế nông thôn chủ yếu vẫn là nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Đặc biệt là chất lượng lao động thấp đang là trở ngại lớn đối với phát triển KTXH, nhất là cư dân tại các vùng núi rẻo cao, vùng sâu, vùng xa.

Theo Đặng Tiến

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên