MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cả thế giới 'sốc' vì thiếu nguồn cung, Trung Quốc đang 'bỏ không' hàng loạt nhà máy lọc dầu với công suất khổng lồ

23-06-2022 - 00:56 AM | Tài chính quốc tế

Cả thế giới 'sốc' vì thiếu nguồn cung, Trung Quốc đang 'bỏ không' hàng loạt nhà máy lọc dầu với công suất khổng lồ

Trong bối cảnh giá xăng dầu cả thế giới tăng cao, còn Mỹ phải cân nhắc các luật có từ thời Chiến tranh Lạnh để thúc đẩy sản xuất, thì một lượng lớn công suất lọc dầu ở phía bên kia bán cầu lại bị bỏ không.

Khoảng 1/3 nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đang ngừng hoạt động khi nền kinh tế lớn nhất châu Á đang nỗ lực phòng dịch. Nếu được khai thác, nguồn cung dầu diesel và xăng có thể đủ để giúp hạ nhiệt thị trường nhiên liệu toàn cầu đang nóng lên. Song, khả năng này lại ít có thể diễn ra.

Nguyên nhân là bởi, lĩnh vực lọc dầu của Trung Quốc được xây dựng chủ yếu để phục vụ thị trường nội địa quy mô lớn của nước này. Chính phủ kiểm soát lượng nhiên liệu được xuất khẩu ra nước ngoài thông qua một hệ thống hạn ngạch, áp dụng với cả các doanh nghiệp tư nhân. Dù Bắc Kinh cho phép xuất khẩu khối lượng dầu lớn hơn trong những năm qua, nhưng họ lại không muốn trở thành nhà cung cấp dầu lớn vì việc này đi ngược lại với mục tiêu loại bỏ khí thải.

Jane Xie - nhà phân tích cấp cao về dầu tại hãng phân tích và dữ liệu Kpler, cho hay: "Sự vắng mặt của Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu là đặc biệt quan trọng đối với thị trường khu vực và thậm chí là toàn cầu." Bà cho biết, công suất lọc dầu ở quốc gia này đã tăng trong 3-5 năm qua, nhưng họ không tăng lượng xuất khẩu đối với các sản phẩm dầu nữa.

Sự khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ - nơi các nhà máy lọc dầu ở một số khu vực đang hoạt động gần hết công suất, phản ánh sự thay đổi lớn trong vài năm qua. Các nhà máy ở châu Âu và Bắc Mỹ đã ngừng hoạt động - xu hướng được đẩy mạnh trong thời kỳ đại dịch, trong khi hầu hết các cơ sở lọc dầu mới lại được xây dựng ở các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Á và Trung Đông.

Cả thế giới sốc vì thiếu nguồn cung, Trung Quốc đang bỏ không hàng loạt nhà máy lọc dầu với công suất khổng lồ  - Ảnh 1.

Khối lượng dầu diesel Trung Quốc xuất khẩu so với công suất lọc dầu của các doanh nghiệp tư nhân (nghìn tấn).

Ở Trung Quốc, nhiều cơ sở được gọi là siêu nhà máy lọc dầu, có khả năng sản xuất cả xăng và các sản phẩm hoá dầu. Tốc độ phát triển nhanh chóng đã giúp quốc gia này có thể trở thành nhà lọc dầu lớn nhất thế giới. Công suất của lĩnh vực này đạt tới 17,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2020 và đạt 20 triệu thùng vào năm 2025, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Công nghệ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Ngược lại, công suất của Mỹ là 18,14 triệu thùng vào năm 2020, dữ liệu mới nhất từ BP Plc.

Theo CITIC Futures Co., các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã hoạt động khoảng 71% công suất vào ngày 10/6. Hầu hết các công ty này, trong đó có nhiều công ty ở Sơn Đông hoàn toàn không được xuất khẩu bất kỳ loại nhiên liệu nào.

Ngay cả ở thời điểm thông thường, Trung Quốc cũng không xuất khẩu các sản phẩm hoá dầu ra nước ngoài. Đơn cử vào năm ngoái, quốc gia này vận chuyển khoảng 1,21 triệu thùng dầu nhiên liệu diesel, xăng và nhiên liệu máy bay/ngày, theo dữ liệu hải quan. Con số này chỉ chiếm khoảng 7% công suất lọc dầu của họ vào cuối năm 2020.

Còn trong năm nay, thay vì cho phép xuất khẩu nhiều dầu hơn khi nhu cầu nội địa giảm, Trung Quốc đã làm điều ngược lại. Cho đến nay, chỉ có 17,5 triệu tấn dầu được xuất khẩu, trong khi năm ngoái là 29,5 triệu tấn. Dữ liệu của chính phủ cho thấy, các lô hàng dầu diesel đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm vào tháng 5.

Ở Singapore, lợi nhuận từ hoạt động lọc dầu thô thành diesel đã tăng vượt mức 60 USD/thùng từ mức 10 USD vào đầu năm nay. Theo hãng tư vấn ngành OilChem, với con số trên, Trung Quốc có thể bỏ lỡ khoản doanh thu tiềm năng lên tới 372 USD/tấn.

Việc Bắc Kinh không muốn tăng sản lượng nhiên liệu và trở thành nhà sản xuất dầu lớn của thế giới diễn ra trong đúng thời điểm cả thế giới thiếu hụt dầu, ảnh hưởng đến từ các tài xế ở Mỹ cho đến các nhà máy ở châu Âu phải đấu thầu để có nhiên liệu. Song, các quốc gia châu Á gần Trung Quốc cùng một số quốc gia như Sri Lanka và Pakistan đang tác động bất lợi lớn, khi thiếu nhiên liệu khiến nền kinh tế của họ tê liệt. 

Tham khảo Bloomberg

https://cafef.vn/ca-the-gioi-soc-vi-thieu-nguon-cung-trung-quoc-dang-bo-khong-hang-loat-nha-may-loc-dau-voi-cong-suat-khong-lo-20220622210504255.chn

Chi Lan

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên