Cá tra đang lỡ cơ hội tăng doanh số xuất khẩu do hụt nguyên liệu
Năm 2017, xuất khẩu cá tra dự báo tiếp tục sẽ tăng trưởng sản lượng và giá xuất khẩu do các thị trường mới đang có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là thị trường Hồng Kông và Trung Quốc.
Dự báo, riêng hai thị trường này sẽ tăng ít nhất 30% so với cùng kỳ. Trong khi cửa xuất khẩu đang rộng mở thì ngành cá tra Việt Nam lại đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm qua….
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng thừa nhận, chưa bao giờ các doanh nghiệp lại rơi vào tình cảnh không đủ nguyên liệu chế biến như hiện nay. Theo ông Minh, ngay từ đầu năm 2017, thống kê cho thấy số diện tích ao còn thả cá chỉ chiếm khoảng 50% (tức khoảng 2.500 ha), trong khi cũng có đến 50% diện tích ao bỏ trống. Đặc biệt, diện tích ao bỏ trống của doanh nghiệp còn nhiều hơn trong dân do suốt cả năm 2016 họ không chú trọng đầu tư mà ỉ lại nguồn cá của dân nuôi. Điều này cho thấy, sản lượng cá tra cung ứng cho các nhà máy sản xuất đang thiếu hụt rất nặng.
Khác hẳn với mọi năm, ông Dương Ngọc Minh nói vào thời điểm cuối tháng 12 đầu tháng 1 năm nay, doanh nghiệp và người dân vẫn mua được cá giống cho vụ mới, nhưng năm nay thì thị trường không còn. Tình hình này đang đẩy giá cá giống tăng khá mạnh, hiện đang được giao dịch từ 45.000 đồng đến 55.000 đồng/kg tùy theo size cỡ. Tuy nhiên, dù giá tăng lên đỉnh nhưng lượng cung không đáp ứng đủ nhu cầu mà phải chờ đến tháng 4.2017 mới có cá giống trở lại.
Với tình hình này, theo Phó chủ tịch Vasep, ngay từ đầu năm 2017, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với việc thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất chứ không phải chờ lâu thêm. Việc thiếu nguyên liệu dự báo sẽ kéo dài đến hết năm chứ không chỉ diễn ra cục bộ một vài tháng. Thời điểm căng nhất sẽ rơi vào tháng 2 đến tháng 4 do các tháng này gặp thời tiết gặp nhiều bất lợi.
“Từ tháng 2 đến tháng 4.2017, chúng tôi thống kê sản lượng cá nguyên liệu chỉ đủ cung ứng tối đa 50% so với nhu cầu xuất khẩu”, ông Minh khẳng định.
Do nguyên liệu khan hiếm nên giá cá tra đã tăng khá mạnh ngay từ đầu năm và hiện đang ở mức 23.000 đồng/kg nhưng thị trường vẫn không còn cá. Doanh nghiệp phản ánh, chưa có năm nào mà lượng cá tra có size cỡ từ 1kg cho đến 2kg lại khan hiếm như vậy, kể cả trong dân và doanh nghiệp. Để có cá tra sản xuất, các doanh nghiệp phải mua size cỡ từ 800 gram trở xuống, điều này càng làm cho nguyên liệu hụt nhanh hơn.
Dự báo, cùng với những biến động giá cả và sản lượng trong nước, giá cá tra xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2017. Rất có thể, lần đầu giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam sẽ bằng với cá rô phi, do lượng cung còn quá ít so với nhu cầu nhập khẩu đang tăng mạnh.
Năm nay, các nhà máy đã phải nghỉ tết sớm, và qua năm 2017, chắc chắn cũng phải khai trương muộn hơn so với mọi năm. Như vậy, sau hơn 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu, con cá tra, mặc dù có bước tăng trưởng mạnh nhưng giữa cung và cầu vẫn còn bấp bênh, lúc thừa, lúc thiếu. Ngay từ lúc này, ngành cá tra cần có chiến lược tổng thể cho vấn đề nuôi trồng thì mới có thể đủ nguyên liệu để cung ứng cho 2018. Còn 2017, xem như các nhà máy phải chuẩn bị cho việc chỉ có thể chạy 20-30% công suất.
Năm 2016, giá trị XK cá tra ước đạt 1,66 tỷ USD, tăng 7% so với năm trước và chiếm 24% tổng kim ngạch XK thủy sản. Năm 2016, cá tra Việt Nam có mặt tại 137 thị trường trên thế giới, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất 23%, Trung Quốc 17% và EU đã tụt xuống vị trí thứ 3 với 16%.
Trí Thức Trẻ