MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các cao tốc Bắc Nam giai đoạn II lo thiếu hụt nguồn đất cát đắp nền đường

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tổng nhu cầu vật liệu đất, đá, cát cho đắp nền đường 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025 là hơn 93 triệu m3, gồm: Khoảng 27 triệu m3 cát, 48 triệu m3 đất và 18 triệu m3 đá. Tuy nhiên, đến nay, nguồn cung ứng tại các địa phương đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Nỗi lo thường trực

Báo cáo Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khoá XV về tình hình triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT cho biết, để đảm bảo nhu cầu vật liệu cho các dự án, ngay từ bước chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế khảo sát kỹ lưỡng và lập hồ sơ mỏ vật liệu cho dự án.

Các cao tốc Bắc Nam giai đoạn II lo thiếu hụt nguồn đất cát đắp nền đường - Ảnh 1.

Thiếu hụt nguồn đất cát đắp nền đường, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công các dự án cao tốc.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, các Ban Quản lý dự án giao thông, chủ đầu tư, nhà thầu, tình hình cung ứng vật liệu xây dựng cho dự án đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng còn chậm so với yêu cầu. Cụ thể, với các cao tốc thành phần từ tỉnh Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, đến nay các địa phương đã xác nhận 45/69 mỏ các nhà thầu trình, trong số 45 mỏ đã được xác nhận bản đăng ký, các nhà thầu mới khai thác được 16 mỏ.

Đơn cử, tính riêng tổng nhu cầu hơn 18 triệu m3 cát đắp nền đường tại cao tốc thành phần Cần Thơ - Cà Mau, đến nay các địa phương mới chỉ bố trí được gần 1,5 triệu m3. Trong quá trình thi công, các nhà thầu mới tiếp nhận được gần 0,5 triệu m3 thì các mỏ tạm dừng do bị thu hồi. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) đã kiến nghị với các địa phương cần đẩy nhanh thủ tục nâng công suất các mỏ đang khai thác để có thể cấp cho dự án ngay trong tháng 9/2023, đảm bảo tiến độ thi công.

Về vấn đề này, theo ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền đường của dự án, Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho các các tỉnh An Giang 7 triệu m3, Đồng Tháp 7 triệu m3, Vĩnh Long 5 triệu m3 để ưu tiên cung cấp cho dự án. Đến nay, các địa phương đã cơ bản xác định được nguồn vật liệu, nhưng các thủ tục cấp cho dự án vẫn chậm.

Tại buổi sơ kết thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn I (2017 - 2020) mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề xuất các địa phương vào cuộc tích cực, với trách nhiệm chính trị trong việc chủ động tháo gỡ vướng mắc, chủ động có kế hoạch khai thác các mỏ vật liệu, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án đi qua địa phương; đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình.

Cần cơ chế đặc thù

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long". Tuy nhiên, tiến độ thực dự kiến cuối năm 2024 mới hoàn thành, nên không thể đáp ứng nhu cầu vật liệu đắp theo tiến độ thi công (tập trung vào các năm 2023 - 2024).

Bộ GTVT cũng đã chủ động triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT978 thuộc cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Đến nay đã hoàn thành thi công, đưa vào khai thác sử dụng từ giữa tháng 8/2023 và đang tiếp tục theo dõi, quan trắc về chỉ tiêu môi trường. Dự kiến, cuối năm 2023, việc thí điểm sẽ có kết quả đánh giá, để báo cáo Chính phủ.

Nhận định trong giai đoạn trước mắt, nguồn cát sông vẫn là nguồn vật liệu chính cho đắp nền các dự án trong khu vực, Bộ GTVT kiến nghị Uỷ ban Kinh tế Quốc hội có ý kiến với Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án đi qua quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về nguồn cung cấp vật liệu, đáp ứng tiến độ thi công các dự án.

Để tháo gỡ các khó khăn đối với các dự án trọng điểm quốc gia trong việc khai thác nguồn vật liệu xây dựng thông thường cấp cho dự án, Bộ GTVT cũng đề nghị cấp có thẩm quyền báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết hoặc nghiên cứu điều chỉnh Luật Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, theo hướng cho phép giao mỏ trực tiếp để khai thác phục vụ riêng cho dự án, nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản và được phép thu hồi đất đối với các mỏ vật liệu nằm trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu để phục vụ thi công công trình trọng điểm.

Hiện tại, toàn bộ 25 gói thầu xây lắp thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã được tổ chức thi công. Đến nay, giá trị sản lượng hoàn thành đạt gần 8.200 tỷ đồng, đạt hơn 9% giá trị hợp đồng, chậm hơn 1% so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu vật liệu đắp nền đường. Trong bối cảnh nguồn vật liệu khó khăn, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung triển khai các hạng mục có giá trị cao và không phụ thuộc vào nguồn đắp như hệ thống cầu, hầm, cống và thi công cuốn chiếu, có công địa đến đâu thi công đến đó, đảm bảo tiến độ.

Theo Sơn Vân

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên