Các chính sách cứng rắn gia tăng bảo hộ của Mỹ khiến kinh tế Việt Nam bị tác động như thế nào?
Các loại thuế quan mới có vẻ nhằm trực tiếp vào hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ; và sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất có nhà máy tại Trung Quốc. Việt Nam không liên quan nhiều đến cả 2 diện nói trên, theo đánh giá của CTCK TPHCM.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong thời gian gần đây đã đưa ra nhiều chính sách nhằm bảo hộ nền kinh tế trong nước. Sau quyết định áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu, ngày 22/3, Washington tuyên bố sẽ áp thuế hàng loạt các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 60 tỷ USD và hạn chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.
Các loại thuế cụ thể sẽ được công bố trong vòng 15 ngày và nhắm vào 1.300 dòng sản phẩm của Trung Quốc. Các thông tin gần đây cho thấy các lĩnh vực bị áp thuế sẽ là hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin, truyền thông và máy móc thiết bị.
Những bước đi cứng rắn của Nhà Trắng khiến ngày càng nhiều người lo ngại chính sách bảo hộ của Mỹ có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, với các dữ liệu hiện có, CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh – HSC nhận định: Xuất khẩu Việt Nam có thể không chịu ảnh hưởng nhiều từ xu hướng gia tăng bảo hộ.
Theo phân tích, trong 3 tháng đầu năm nay một số hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã nằm trong mục tiêu của nhiều biện pháp bảo hộ của Mỹ. Đơn cử, nước này đã tăng thuế đánh vào máy giặt, đánh thuế chống bán phá giá đối với cá tra fillet đông lạnh cũng như các sản phẩm thép và nhôm của Việt Nam.
Dù vậy, ảnh hưởng trực tiếp của các biện pháp trên là không quá lớn dù Mỹ chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam.
Nguyên nhân, hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu gồm: Dệt may với 31,3%, giáy dép là 13%, điện thoại, linh kiện là 9,4%.
Quyết định đánh thuế vào máy giặt có thể làm giảm khoảng 0,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, theo HSC.
Trước đó Mỹ đã áp thuế vào các sản phẩm máy giặt sản xuất tại nước ngoài, trong đó mức thuế quan trong năm đầu tiên sẽ là 20% đối với 1,2 triệu máy giặt gia dụng cỡ lớn đầu tiên được nhập khẩu vào Mỹ. Đối với những máy giặt nhập khẩu trên ngưỡng này, mức thuế sẽ là 50%.
Xuất khẩu máy giặt của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh trong năm 2016 khi nhà máy của LG và Samsung được mở tại Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ là 795.000 USD vào năm 2015 và tăng lên 166,7 triệu USD vào năm 2016 và lên 537,7 triệu USD vào 11 tháng đầu năm 2017 (chiếm 30% thị phần máy giặt tại Mỹ).
Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu máy giặt lớn nhất vào Mỹ và đứng thứ 2 là Thái Lan (390 triệu USD), thứ 3 là Hàn Quốc (253 triệu USD).
Với các loại thuế mới, kim ngạch xuất khẩu máy giặt của Việt Nam vào Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Theo tính toán, kim ngạch xuất khẩu máy giặt vào Mỹ chiếm 0,28% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017.
Giả sử kim ngạch xuất khẩu máy giặt của Việt Nam vào Mỹ giảm mạnh khoảng 30-40% thì tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm tương ứng 0,1%.
Đối với việc áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu có thể bị giảm 0,1%.
Hiện mức thuế mới được áp là 2,39-7,74USD/kg, được Bộ thương mại Mỹ công bố vào ngày 13/3.
Mức thuế 3,87USD/kg gần như tương đương với giá xuất khẩu của cá tra Việt Nam vào Mỹ. Những doanh nghiệp không thể chịu được mức thuế này có thể sẽ phải dừng xuất khẩu. Tuy nhiên phải đến tháng 9 mới có quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ trong năm ngoái là 387 triệu USD, giảm 11%, đóng góp 21,7% vào tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra và 0,18% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của Việt Nam.
Giả sử Mỹ giữ nguyên mức thuế trên và thời gian áp dụng là từ tháng 9 năm nay, thì kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ có thể giảm khoảng 50%. Từ đó làm tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm khoảng 0,1%.
Còn đối với thuế đánh vào thép và nhôm, HSC cũng đưa ra nhận định tương tự là không ảnh hưởng nhiều đến tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Vào đầu tháng 3, Mỹ đã áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào nước này. Theo ước tính của HSC, kim ngạch xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Mỹ đóng góp khoảng 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này và chỉ đóng góp 0,2% vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của Việt Nam. Do đó, ảnh hưởng ở đây là không lớn.
Kết luận cuối cùng về tác động đối với xuất khẩu Việt Nam theo HSC vẫn cần chờ danh sách đầy đủ các sản phẩm hàng hoá bị đánh thuế, còn trước mắt, công ty này giữ quan điểm thuế quan mới của Mỹ ít khả năng tác động đến Việt Nam.
"Những loại thế này có vẻ nhằm trực tiếp vào hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. Và sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất có nhà máy tại Trung Quốc. Và theo đó Việt Nam không liên quan nhiều đến cả 2 diện nói trên.
Trên thực tế chúng tôi vẫn luôn lo ngại về hoạt động xuất khẩu ĐTDĐ của Samsung từ Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm ĐTDĐ này có hàm lượng sản xuất tại Trung Quốc cao. Tuy nhiên trước mắt chúng tôi cho rằng chưa có bất kỳ ảnh hưởng nào khi xét từ khía cạnh này", HSC cho biết.