MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các chuyên gia phân tích đánh giá thế nào về quyết định hạ lãi suất của NHNN?

14-09-2019 - 10:07 AM | Tài chính - ngân hàng

Các công ty chứng khoán và chuyên gia kinh tế đã có những nhận định về động thái cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước chiều 13/9.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25% xuống 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25% xuống 4%/năm; Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng giảm từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

"Tuy vậy, dòng tiền được bơm thực tế ra thị trường có thể thấp hơn hoặc không đột biến như kỳ vọng. Việc cắt giảm lãi suất tại các ngân hàng thường chỉ vận động theo điều hành tiền tệ khi thanh khoản gặp khó khăn trên kênh liên ngân hàng"- các nhà phân tích của BSC cho biết.

Nguyên nhân của việc điều hành tiền tệ như vậy là do bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước giảm lãi suất điều hành.

Đầu tiên là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức 50 điểm cơ bản (bps) cho tất cả các ngân hàng, và ở mức 100 bps cho các ngân hàng thành phố đủ điều kiện, hôm thứ sáu tuần trước. PBOC cũng cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng lớn xuống còn 13%. Việc giảm dự trữ bắt buộc như vậy dự kiến sẽ tăng thêm dòng tiền 900 tỷ NDT (tương đương 126 tỷ USD) vào nền kinh tế đang tỏ ra yếu kém của nước này, thể hiện qua các chỉ báo vĩ mô yếu kém. ,PBOC đã giảm tỷ lệ này lần thứ ba năm nay, và là lần thứ bảy kể từ đầu năm 2018. Tuy vậy, PBOC cho biết vẫn duy trì điều hành tiền tệ thận trọng, tránh việc tăng tín dụng đột biến.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng thông qua gói kích thích tăng trưởng kinh tế bao gồm cắt giảm lãi suất và tái khởi động mua lại trái phiếu, nhằm đối phó với su suy yếu của lạm phát cũng như các rủi ro vĩ mô khác như việc suy thoái tại Đức hay việc suy yếu của triển vọng toàn cầu bởi ảnh hưởng tiêu cực của căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Vì lẽ đó, ECB giảm lãi suất tiền gửi xuống mức thấp kỷ lục -0,5% từ mức -0,4%, và sẽ tái khởi động mua vào 20 tỷ Euro/tháng bắt đầu từ tháng 11.

Với diễn biến điều hành chính sách tiền tệ tại các ngân hàng trung ương như vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ gặp thêm áp lực giảm lãi suất tiếp diễn việc cắt giảm tại kỳ họp liền trước, mặc cho các chỉ báo vĩ mô vẫn cho thấy tình hình kinh tế nội địa nước này phát triển ổn định và chưa cho thấy dấu hiệu suy thoái. Việc tiếp tục cắt giảm lãi suất có thể làm thị trường kỳ vọng vào một chu kỳ cắt giẳm lãi suất dài hạn hơn, kích cầu nền kinh tế vốn đã phát triển quá nóng trong thời gian qua.

Theo BSC, áp lực cắt giảm lãi suất tại các ngân hàng trung ương khác có thể làm tăng khả năng cắt giảm lãi suất của FED. Việc cắt giảm lãi suất của Mỹ sẽ tác động đến lãi suất Việt Nam thông qua kênh tỷ giá, cụ thể là việc tỷ giá VND tăng cao so với USD. Việc neo tỷ giá VND với USD sẽ dẫn tới việc NHNN phải bán các tài sản bằng VND và mua vào các tài sản bằng USD để điều phối tỷ giá về mức hợp lý. Việc trao đổi như vậy cuối cùng cũng dẫn tới việc giảm lãi suất bằng VND. Thêm nữa, NHNN giảm lãi suất cũng làm giảm tỷ giá giữa VND và CNY, tránh việc ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu cũng như sức cạnh tranh của Việt Nam với đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc.

"Thị trường đón nhận thông tư này khá tích cực khi đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của chính sách nới lỏng kinh tế. Tuy nhiên, tín hiệu cần theo dõi nhất vẫn sẽ là cung cầu của dòng tiền trên hệ thống tài chính thể hiện qua tăng trưởng M2 trong giai đoạn tới" – BSC nhận xét.

Đánh giá về động thái của NHNN, các nhà phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì cho rằng, trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng và nhiều NHTW các nước khác trên thế giới đã cắt giảm lãi suất, NHNN Việt Nam cũng không muốn đứng ngoài xu hướng trên.

Tuy vậy, ở góc độ thực tế,  tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu...Việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như FED hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất.

Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ NHNN khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng. Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.

"Do vậy, quyết định cắt lãi suất như trên của NHNN mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới", các nhà phân tích của BVSC khẳng định. 

Ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế tài chính, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời gian tới song cần có lộ trình và độ trễ nhất định. Vì khi các TCTD vay từ NHNN, có thể vay dưới dạng tái cấp vốn, vay liên ngân hàng qua đêm,…chỉ ở những trường hợp nhất định ví dụ như có các gói tín dụng mà NHNN yêu cầu phải ưu tiên, hỗ trợ,…Nếu các NHTM tham gia các gói hỗ trợ đó thì sẽ được vay tái cấp vốn từ NHNN với lãi suất thấp hơn một chút và đương nhiên, mức vay sẽ không nhiều.

Ngoài ra, về cơ bản, lãi suất điều hành giảm sẽ có tác động gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát, nhưng không đáng kể. Vì mức độ các TCTD được vay tái cấp vốn từ NHNN là không nhiều, mức giảm lãi suất cũng nhỏ, chỉ 0,25%. Trong bối cảnh VND ổn định trong thời gian qua thì áp lực nếu có thì rất ít.

TS. Phan Minh Ngọc trong khi đó cho rằng, việc NHNN hạ lãi suất là hợp lý, dù có lẽ đây chỉ là bước thăm dò phản ứng thị trường bởi mức giảm khá nhỏ chỉ 0,25 điểm phần trăm so với các mức lãi suất chính sách hiện hành.

Với câu hỏi động thái này liệu sẽ tác động ra sao tới lạm phát cũng như sức khỏe của nền kinh tế ra sao? Theo TS. Phan Minh Ngọc, ở giai đoạn thăm dò này thì việc hạ lãi suất của NHNN chưa thể gây ra áp lực gia tăng mạnh lên lạm phát. Còn tác động lên nền kinh tế thì còn phụ thuộc vào việc NHNN sẵn sàng cho vay bao nhiêu. Nếu như lượng tiền sẵn sàng cho vay từ NHNN mà không đáng kể thì nó sẽ đọng lại trước tiên trong hệ thống ngân hàng để giải quyết các vấn đề nội tại của ngân hàng như thanh khoản eo hẹp, dự trữ tụt giảm. Sau đó, lượng tiền còn dư sẽ tiếp tục chảy qua những chỗ ưu tiên của ngân hàng thương mại, không nhất thiết là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực "ưu tiên" theo quy định của NHNN. Nói cách khác, nếu liều lượng nới lỏng tiền tệ nhỏ thì tác động thực sự lên nền kinh tế thực cũng sẽ vì thế mà nhỏ đi hơn nữa.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên