Các cửa hàng trên phố cổ Hà Nội chật vật "vượt bão" dịch Covid-19 để "sống sót"
Các chủ cửa hàng kinh doanh trên phố cổ Hà Nội than vắng khách, doanh thu sụt giảm thê thảm. Nhiều tiểu thương tạm đóng cửa vì dịch Covid-19.
- 03-07-2020iPhone XS, iPhone 11 Pro Max,... ngày càng rẻ, cửa hàng tung chiêu tặng kèm Airpods và Apple Watch để kích cầu
- 02-07-2020Hậu giảm phí trước bạ: Khách ùn ùn đi mua ô tô, doanh số cửa hàng tăng 300%
- 23-06-2020Qua thời mọc như nấm, chiếm địa bàn, hàng trăm cửa hàng VinMart+ không hiệu quả sẽ bị đóng cửa
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều cửa hàng kinh doanh tại khu phố cổ Hà Nội lâm vào cảnh ế ẩm, sụt giảm doanh thu... khiến phải đóng cửa hay tạm nghỉ kinh doanh chờ dịch mau qua để tái khởi động. Những cửa hàng còn đang trụ lại hầu hết địa điểm kinh doanh tại nhà, không phải thuê cửa hàng.
Cả dãy cửa hàng trên con phố mua sắm sầm uất Lương Văn Can (Hà Nội) đã đóng cửa.
Chị Sinh - chủ một cửa hàng kinh doanh đồ thời trang trên tuyến phố Hàng Đào chia sẻ, mấy tháng nay cửa hàng của chị ế ẩm, khách mua rất ít, số lượng giảm đến 80% so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
"Cửa hàng nhà tôi chủ yếu bán buôn cho các tiểu thương tại Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước. Hiện giờ khách mua thưa thớt, cả ngày chỉ bán được vài bộ lẻ, khách mua buôn từ các nơi mua ít lắm vì họ cũng ế hàng", chị Sinh cho hay.
Một gian hàng nhỏ trên phố cổ cũng có giá thuê vài chục triệu đồng mỗi tháng, do đó các tiểu thương như "ngồi trên đống lửa" khi không bán được hàng. |
Nhiều cửa hàng nằm trên các tuyến phố đông đúc như Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Mã, Lương Văn Can,... ngán ngẩm với cảnh đìu hiu, ế ẩm, nhiều cửa hàng không trụ nổi với tiền thuê nhà đắt đỏ đã phải tạm thời đóng cửa, hoặc cho thuê lại mặt bằng.
Anh Tiến - một chủ kinh doanh hàng lưu niệm trên phố Hàng Bồ cho biết, anh đã phải cắt giảm một nửa số lượng nhân viên phục vụ vì hàng không bán được. Doanh thu sụt giảm đến hơn 80% vì khách du lịch nước ngoài không đông đúc như trước.
"Khách đến mua hàng hiện giờ chủ yếu là khách quen. Nếu có khách Tây cũng chỉ là những người đang sinh sống tại Việt Nam chứ không phải là khách du lịch. Hàng bán rất chậm. Cũng may cửa hàng là của nhà không phải đi thuê, chứ nếu không tôi cũng không trụ nổi", anh Tiến nói.
Cửa hàng lưu niệm vắng bóng du khách vào mua sắm. |
Các địa điểm vốn là nơi mua sắm tấp nập vào hè như phố kinh doanh quần áo và đồ chơi trẻ em giờ cũng không có khách, sức mua giảm hẳn do "hầu bao" của khách đang thắt chặt mùa dịch bệnh.
Chị Kim Dung, chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên phố Lương Văn Can, tâm sự: "Thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày doanh thu cửa hàng của tôi lên đến cả trăm triệu, hiện nay chỉ bán được vài triệu thôi. Nhân viên cửa hàng tôi cũng không thuê nữa".
Chủ cửa hàng rất sốt ruột khi cả ngày chỉ... ngồi chơi. |
Nhiều cửa hàng trên tuyến phố mua sắm tấp nập như Hàng Gai, hàng Bông, hàng Da cũng phải tạm thời đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. "Chưa bao giờ thuê cửa hàng trên phố cổ Hà Nội lại dễ như bây giờ vì người thuê trả nhà rất nhiều, họ không thể trụ lại được nữa nên trả cửa hàng và chấp nhận chịu phá sản", anh Tùng - một chủ cho thuê nhà ở phố Hàng Gai cho biết.
Bản thân anh Tùng cũng đã miễn tiền thuê cửa hàng 1 tháng và giảm giá cho thuê từ 50 triệu xuống còn 40 triệu/gian hàng 20m trên phố Hàng Gai nhưng người thuê cũng không thể duy trì kinh doanh được nên trả lại nhà. Hiện cửa hàng vẫn đóng cửa và treo biển cho thuê cả tháng nay vẫn chưa có người đến thuê.
Hàng loạt cửa hàng trên phố Hàng Gai đang "nằm" chờ khách tới thuê. |
Anh Hùng - chủ cửa hàng trang sức trên phố Hàng Bạc cho hay, sau khi dịch bùng phát tại Hà Nội, nhiều cửa hàng trang sức không có khách đến mua sắm, doanh thu sụt giảm thê thảm. Nếu tiếp tục đà kinh doanh như thế này, chẳng bao lâu cửa hàng của chị sẽ phải đóng cửa để trả lại mặt bằng cho chủ nhà.
Theo anh Hùng, thời gian tới chị sẽ chuyển hướng kinh doanh sang hình thức online để giảm bớt chi phí thuê mặt bằng. "Dịch bệnh diễn biến phức tạp chưa biết đến bao giờ mới hết, tôi đang tính sẽ chuyển hướng sang kinh doanh online để tiết kiệm chi phí thuê cửa hàng và nhân viên", anh Hùng nói.
Như mọi năm, đây là thời điểm kinh doanh thuận lợi, nhưng các cửa hàng trên phố bán buôn Hàng Đào đã "buông rèm" vì ế hàng. |
Người có cửa hàng kinh doanh đã khổ, những người đi bán hàng rong còn khổ hơn. Giữa trời nắng chang chang, chị Đỗ Thị Lan (quê ở Hưng Yên) đẩy xe hàng nặng trĩu hoa quả đi trên cả tuyến phố dài mà chẳng có khách nào mua.
Chị Lan kể: Trước thời điểm dịch bệnh bùng phát chị bán hàng rong trên phố cổ cũng kiếm được 200-300 nghìn mỗi ngày, nhưng bây giờ chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng, chỉ đủ tiền "rau cháo" qua ngày và tiền thuê nhà trọ. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì chị sẽ về quê trồng rau, nuôi gà chứ cũng không thể bám trụ ở thành phố để mưu sinh được nữa.
"Ngày trước tôi toàn giao hàng cho các chủ quán trên phố cổ Hà Nội, nay họ không cho thuê được cửa hàng, kinh doanh cũng ế ẩm nên không mua sắm mấy. Tôi đẩy xe hàng từ sáng tới chiều mà trên xe hàng vẫn còn nguyên, khách chẳng mua hoa quả ăn dù trời đang nắng gắt. Cứ thế này chắc tôi phải về quê thôi chứ không kiếm ăn ở thành phố được nữa", chị Lan bày tỏ.
VOV