MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các đặc khu kinh tế sắp hình thành đang tạo lực hút mới cho ngành xây dựng

21-12-2017 - 08:16 AM | Bất động sản

2 năm qua, kết quả kinh doanh của các công ty xây dựng nói riêng và toàn ngành xây dựng nói chung tăng trưởng khả quan. Nhiều dự báo cho thấy, một khi 3 đặc khu kinh tế được khởi động, sẽ lập tức xuất hiện một làn sóng đầu tư mới, tạo cú hích cho thị trường BĐS và xây dựng cùng tăng trưởng.

Từ lâu, thị trường BĐS đã khá quen với cái tên các doanh nghiệp xây dựng truyền thống như Công ty CP Xây dựng Coteccons - Coteccons (CTD), Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC), Vinaconex, Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX), Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), Công ty CP Tasco (mã HUT). Ngoài ra, còn phải kể đến các công ty có tiếng khác như Unicons, An Phong... cũng đang muốn mở rộng thị phần và nhận thầu những công trình quy mô hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Vietnam Report, những công ty này đều có năng lực tài chính ổn định, có kinh nghiệm hoạt động trong ngành, thương hiệu được nhiều người tin tưởng và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của toàn ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, cùng với những nhà thầu nội uy tín thì khối ngoại đã xuất hiện những cái tên đáng chú ý như Công ty CP Xây dựng công trình Trung Quốc (CSCEC) là công ty con của Tổng công ty Xây Dựng Trung Quốc có trụ sở chính được đặt ở Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM; Tập đoàn phát triển bất động sản Daiwa House Industry và nhà thầu xây dựng Fujita đến từ Nhật Bản; Tập đoàn Posco E&C của Hàn Quốc...

Đánh giá về các doanh nghiệp ngành xây dựng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết ngành xây dựng Việt Nam đang đón nhận những làn sóng tăng trưởng mới, với sự góp mặt của rất nhiều nhà thầu xây dựng các nước. Các nhà thầu nước ngoài luôn được đánh giá có tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm và công nghệ cao, nhưng về mặt am hiểu thị trường không thể sánh được với các nhà thầu trong nước.

"Thị trường địa ốc Việt Nam trong 5 năm qua đã tăng trưởng một cách mạnh mẽ, đang để lại dấu ấn bằng các dự án quy mô khá lớn như tòa nhà Landmark 81, hay như Saigon Centre... đều do các doanh nghiệp nội địa làm tổng thầu và sắp tới sẽ còn hơn thế nữa bởi dư địa tăng trưởng còn khá lớn", ông Châu cho biết.

Chia sẻ gần đây với báo giới, ông Lê Quốc Duy, Thành viên HĐQT - Phó tổng giám đốc HBC cũng nhận định trước đây đối với nhiều dự án phức tạp các nhà đầu tư hầu hết đều tìm đến nhà thầu quốc tế do không tin tưởng năng lực thực hiện của nhà thầu nội địa. HBC từng làm nhà thầu phụ cho nhà thầu Hàn Quốc ở dự án Kengnam Hà Nội 70 tầng.

Tuy nhiên, sau đó đã vượt qua nhà thầu quốc tế để làm nhà thầu chính cho dự án Vietinbank Tower tại Hà Nội cao 363m và dự án Saigon Center với 26m tầng hầm. Đồng thời, nhờ việc liên doanh với các đối tác nước ngoài mà công ty tham gia được những công trình vốn chỉ dành cho nhà thầu quốc tế, mới đây nhất là liên doanh với nhà thầu Nhật Bản Kajima nhận thầu dự án Aeon mall Hà Đông.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi mới đây, tổng giám đốc một công ty xây dựng tại TP.HCM cho biết xu thế cạnh tranh là không thể nào tránh được, vấn đề là các doanh nghiệp trong nước phải làm gì để thích ứng với môi trường phát triển mới.

"Tốc độ đô thị hóa gia tăng là nền tảng tăng trưởng cho ngành xây dựng. Do vậy, tiềm năng tăng trưởng phân khúc nhà ở trong nước còn rất lớn, nhu cầu văn phòng tăng mạnh mẽ và phân khúc công nghiệp – kho vận tiếp tục hoạt động tốt nhờ dòng vốn FDI mạnh", vị này cho biết.

Đánh giá về triển vọng ngành xây dựng trong thời gian tới, ông Châu chia sẻ hiện các doanh nghiệp xây dựng đang hướng đến "chiếc bánh" tại 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc vì được kỳ vọng sẽ tạo nên lực hút đầu tư quy mô lớn trong thời gian tới.

“3 khu vực này đang tạo nên một sức hút cực lớn, các khoản đầu tư sẽ bùng nổ trong năm tới và chắc chắn điều kiện để phát triển thị trường bất động sản rất tốt. Bên cạnh đó, ba đặc khu này đều có tiềm năng du lịch lớn, do vậy khả năng phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phục vụ du lịch sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn các phân khúc khác như là bất động sản nhà ở”, ông Châu nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với ông Châu, đại diện Hòa Bình cũng cho biết trong thời gian tới doanh nghiệp này tiếp tục nhắm tới các dự án nghỉ dưỡng, đặc biệt là những tổ hợp dự án du lịch và nghỉ dưỡng đầy tiềm năng ở Vân Đồn – Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ được triển khai trong năm tới. Song song đó, thị trường Phú Quốc được coi là thị trường tiềm năng, hiện Hòa Bình đang thi công 13 dự án, tập trung ở mảng khách sạn, resort.

Ông Duy cho biết năm 2017, tỷ trọng ở mảng resort, hotel của tập đoàn chiếm 25% tổng doanh số hợp đồng trúng thầu của cả năm. "Hòa Bình đã có năng lực thi công những dự án về siêu cao tầng, quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế nên hoàn toàn tự tin đảm nhận cũng như hướng đến hợp tác với các nhà thầu quốc tế để cùng tham gia các dự án siêu lớn casino, resort tại 3 đặc khu kinh tế sắp hình thành", ông Duy nhấn mạnh.

"Để tăng khả năng cạnh tranh trong tình hình mới, HBC đã có sự chuẩn bị các nguồn lực (vật lực, nhân lực) với hệ thống quản lý dự án hiện đại PMS và khai thác tối đa hiệu quả của giải pháp B.I.M trong thiết kế và thi công.... Năm 2017, Hòa Bình ước đạt doanh thu 16.500 tỷ đồng, tức vượt 5% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế có thể vượt 15% - 20% kế hoạch. Năm 2018, HBC đặt mục tiêu doanh thu đạt khoảng 21.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.100 tỷ đồng", đại diện Hòa Bình cho biết thêm

Trong bức tranh chung của ngành, ngoài mảng xây dựng nhà ở, xây dựng hạ tầng tại các đặc khu kinh tế cũng đang thu hút các nhà thầu trong và ngoài nước tham gia. Bởi hiện có hàng loạt dự án hạ tầng lớn từ vốn nhà nước, ODA lẫn các hợp đồng BT, BOT... đang và sắp triển khai. Đây cũng là cơ hội lớn mở ra cho các doanh nghiệp ngành xây dựng trong 3-5 năm sắp tới.

Đăng Khải

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên