MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các doanh nghiệp ngành điều “đói” vốn và không chủ động nguyên liệu

Hiện nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều tại Bình Phước đã phải tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn và không chủ động nguồn nguyên liệu.

Doanh nghiệp điều lao đao vì thiếu nguyên liệu

Một doanh nghiệp nhập khẩu nguồn nguyên liệu điều ở Bình Phước cho biết, năm nay công ty phải nhập khoảng hơn 1.000 tấn điều từ nước ngoài, chiếm 2/3 lượng điều mà doanh nghiệp sản xuất. Những tháng đầu năm, công ty mới nhập được 500 tấn thì giá nguyên liệu tăng cao đột biến. Công ty kí hợp đồng với giá 37.000 đồng, nhưng thời điểm này, giá điều nhập từ cảng cán mốc 50.000 đồng/kg nên công ty không thể nhập hàng, đành phải chấp nhận bỏ cọc 10% tổng lượng hàng đã kí cho đợt này là 200 tấn. Giá cả biến động, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến cho doanh nghiệp gặp khó.

“Ngân hàng tăng lãi suất, năm 2017 là 7%/năm, năm nay lại lên 8,6%/năm, công ty hoạt động cầm chừng và ngưng hoạt động nên mong ngân hàng giảm bớt lãi suất để công ty đỡ khó khăn trong thời điểm này”, chủ doanh nghiệp chia sẻ.

Các doanh nghiệp ngành điều “đói” vốn và không chủ động nguyên liệu - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều tại Bình Phước đã phải tạm ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu (Ảnh minh họa: KT)

 

Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến cho các doanh nghiệp điều Bình Phước gặp không ít rủi ro do không thể chủ động được về giá. Hiện nay, 50% nguyên liệu cho chế biến điều của Việt Nam là nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà và Campuchia, còn lại từ một số vùng khác. Hình thức mua bán chủ yếu qua hợp đồng, chất lượng hạt điều nhập khẩu hoàn toàn phụ thuộc, giá biến động không ngừng.

Năm nay, theo Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), giá nhập khẩu nguyên liệu điều tăng mạnh (trung bình trên 2.000 USD/tấn), dẫn đến các doanh nghiệp không dám nhập hàng. 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu ước khoảng trên 750 triệu USD, giảm mạnh 40,7% so với cùng kỳ. Chính việc thiếu hụt nguyên liệu chế biến đã khiến hơn 30% doanh nghiệp ngành này phải tạm đóng cửa.

Nghịch lý là giá nguyên liệu tăng cao, nhưng giá điều nhân xuất khẩu lại giảm mạnh. Nhân điều loại cỡ trung, chỉ còn từ 4,1-4,15 USD/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái, giá loại này đạt từ 5,1-5,3 USD/kg. Nguyên nhân là do những tháng đầu năm, công suất chế biến của nhà máy trong nước tăng đột biến, dẫn đến tình trạng tranh bán, nhà nhập khẩu lấy cớ ép giá. Chính sự sụt giá này, khiến không ít doanh nghiệp ngành điều lỗ nặng.

“Giá cả không ổn định, thị trường mỗi người bán 1 giá, không ai đứng ra để đảm bảo giá chung để xuất khẩu ra nước ngoài, nên sản xuất rất cầm chừng, đơn hàng kí đến đâu làm đến đó. Tôi đề nghị Hiệp hội điều hỗ trợ các nhà máy sản xuất để cho ra một giá thống nhất để ổn định sản xuất”, Ông Đặng Văn Ân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ánh Thi, thị xã Phước Long, Bình Phước nêu ý kiến.

Giải pháp nào cho ngành điều phát triển bền vững?

Mới đây, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam đề xuất và kêu gọi các ngân hàng thương mại đang tài trợ vốn cho ngành điều tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp ngành này, bằng việc xem xét tài trợ cho toàn ngành điều một “gói tín dụng” trị giá khoảng 800 triệu USD. Số vốn này thực sự cần thiết để các doanh nghiệp ngành điều trong nước từ nay đến cuối năm có thể nhập khẩu khoảng 500.000 tấn hạt điều giá rẻ (khoảng 1.600 USD/tấn).

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi nhập nguyên liệu điều thô về để sản xuất chưa bao giờ là giải pháp bền vững. Biện pháp căn cơ hơn là phải chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước để ngành điều sản xuất bền vững. Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cũng đã nhìn thấy được hạn chế của lĩnh vực sản xuất điều hiện nay và đã có giải pháp nâng cao năng suất.

“Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ bà con, thực hiện CLB điều 2 tấn để tiến hành thâm canh điều nâng cao năng suất, chất lượng vườn điều. Đặc biệt là làm sao để cho người dân có cái nhận thức chăm sóc, có cái thâm canh vườn điều chứ không làm quảng canh như từ trước tới giờ nhăm tăng năng suất lên. Thứ hai là tiến hành tái canh những vườn điều già cỗi”, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết.

Cùng với tập trung vào việc quy hoạch lại vùng nguyên liệu tại các địa phương có diện tích điều lớn trong cả nước, cần phải siết lại hoạt động của các cơ sở chế biến điều nhỏ lẻ. Bởi hiện nay có quá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu điều, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu tăng lên sau mỗi năm. 80% trong số đó đạt kim ngạch xuất khẩu dưới 5 triệu USD/năm. Nhiều doanh nghiệp không có cơ sở chế biến, chỉ mua gom để xuất khẩu, do đó chất lượng sản phẩm xuất khẩu không đồng đều, thấp và với số lượng không đáng kể nhưng lại cạnh tranh về giá, làm thiệt hại cho ngành điều nói chung.

“Anh phải lệ thuộc vào người ta, nếu thị trường lên thì người ta tới mua còn thị trường xuống người ta không mua, bởi vì mình không nắm được yêu cầu thị trường, không có khách hàng, lại không có kĩ thuật, cho nên mình thất thế”, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp Hội Điều Việt Nam nhận định.

Theo đề án phát triển bền vững ngành điều đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ngành điều phát triển bền vững, cần hội đủ các yếu tố thâm canh, trồng xen, cải tạo giống, chuyển giao kỹ thuật trồng điều cho nông dân, hình thành tổ chức sản xuất cho người trồng điều và đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu điều. Cùng với đó, đầu tư vào công nghệ và máy móc hiện đại để sản xuất thêm nhiều sản phẩm hạt điều gia trị gia tăng cao.

“Xây dựng mối liên kết chặt chẽ để làm sao hình thành mối liên kết chặt. Từ tổ chức sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ổn định đầu thu mua, chế biến và tổ chức phát triển thị trường, mà thị trường ở đây phải chú ý cả hai đó là trong nước và nước ngoài. Riêng hạt điều là việc chú ý thị trường trong nước chưa tương xứng mà phải coi đây là thị trường tiềm năng và phải coi đây là một thế để ổn định về mặt thương mại chứ nếu quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài thì việc phát triển thị trường lệch lạc không đầy đủ và cũng không hết chuỗi giá trị”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Việc tổ chức sản xuất của ngành điều còn thiếu bền vững, thiếu tính chiến lược lâu dài không phải mới được đề cập, mà đã được chỉ ra từ nhiều năm nay, nhưng việc khắc phục vẫn rất chậm chạp. Các doanh nghiệp vẫn chủ quan dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu mà chưa có kế hoạch gắn sản xuất với xây dựng vùng nguyên liệu trong nước. Những khó khăn mà ngành điều đang đối mặt hôm nay cũng là dịp để Hiệp hội Điều Việt Nam và các doanh nghiệp sớm có những chấn chỉnh để tiếp tục khẳng định và duy trì vị thế là nhà chế biến – xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới./.


Theo Anh Ngọc – Viết Bằng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên