Điều gì khiến nhiều người lo ngại vì biến cố ở Credit Suisse?
Không giống như các ngân hàng địa phương sụp đổ gần đây ở Mỹ, Credit Suisse là 1 định chế có vai trò rất quan trọng đối với hệ thống tài chính toàn cầu.
Từ nhiều năm nay, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ là Credit Suisse đã gặp phải nhiều rắc rối. Đến hôm qua, cả cổ phiếu và trái phiếu của ngân hàng này đều lao dốc mạnh. Một số ngân hàng lớn nhất trên thế giới quay lưng với ngân hàng Thụy Sĩ, chạy đua để bảo vệ tài sản của mình trước rủi ro.
Cổ phiếu Credit Suisse giảm 31%, chạm đáy mới. Trong khi đó trái phiếu của Credit Suisse cũng lao dốc xuống mức cảnh báo tình hình tài chính của ngân hàng này đang căng thẳng. Kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đến nay, đây là điều hiếm khi xảy ra ở 1 ngân hàng tầm cỡ như vậy.
Nhiều ngân hàng có giao dịch với Credit Suisse đã mua vào các hợp đồng mà sẽ đền bù cho họ nếu như kịch bản xấu xảy ra. Giá các hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng (credit-default swaps – CDS) tăng vọt.
Ngân hàng Pháp BNP Paribas đi xa hơn 1 bước nữa khi thông báo với khách hàng rằng họ sẽ không chấp nhận các hợp đồng phái sinh có Credit Suisse là đối tác. Thực chất thì từ nhiều tháng nay nhiều ngân hàng ở Mỹ cũng đã giảm dần các giao dịch với Credit Suisse.
Sau khi tin tức khiến thị trường tài chính toàn cầu giảm điểm, các nhà quản lý hệ thống tài chính Thụy Sĩ đã có động thái trấn an. SNB cam kết sẽ bơm thanh khoản cho Credit Suisse nếu cần thiết và đến sáng nay đã cấp khoản vay 53 tỷ USD.
Theo Mark Heppenstall, Chủ tịch quỹ Penn Mutual, diễn biến vừa qua cho thấy Credit Suisse đang vướng phải 1 cuộc khủng hoảng niềm tin. “Mọi người đang tìm mọi cách có thể để tự bảo vệ mình”.
Thị trường bắt đầu hoảng loạn sau thông báo bất ngờ từ cổ đông lớn nhất của Credit Suisse là Saudi National Bank. Khi được hỏi có sẵn sàng bơm thêm vốn cho ngân hàng Thụy Sĩ hay không, Chủ tịch SNB là Ammar Al Khudairy trả lời “hoàn toàn không”. Thực chất thì đây không phải tin mới, và 1 ngày trước đó CEO Ulrrich Koerner của Credit Suisse vừa thông báo tình hình đang bắt đầu cải thiện, chừng đó vẫn đủ để khiến nhà đầu tư bất an sau khi 3 ngân hàng Mỹ đóng cửa chỉ trong vài ngày.
Trái phiếu USD của Credit Suisse có lúc giảm 40 cent, tệ nhất thế giới. Giá CDS kỳ hạn 1 năm tăng vọt vì các ngân hàng khác cố gắng tìm cách bảo vệ bản thân.
Vừa mới hồi phục chút ít sau sóng gió từ phía Mỹ, các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm điểm trở lại. Cổ phiếu Morgan Stanley và Citigroup giảm hơn 5%, trong khi JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Wells Fargo đều giảm hơn 3%.
Tất cả những diễn biến này thể hiện rõ những nỗi lo ngại của nhà đầu tư toàn cầu hiện lớn đến mức nào. Không chỉ về số phận của Credit Suisse mà đó còn là nỗi lo về nền kinh tế toàn cầu vốn đang rung lắc mạnh trong bối cảnh các NHTW tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát. Nỗi lo suy thoái khiến giá dầu thô tại Mỹ giảm xuống dưới ngưỡng 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ 2021.
Đối với hệ thống tài chính toàn cầu, nhà đầu tư lo ngại cuộc chạy đua tích trữ tiền mặt của các ngân hàng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn. Lãi suất của các thỏa thuận mua lại qua đêm đã liên tục tăng do nhu cầu tăng vọt.
Không giống như các ngân hàng địa phương sụp đổ gần đây ở Mỹ, “Credit Suisse là 1 định chế có vai trò rất quan trọng đối với hệ thống tài chính toàn cầu”, Scott Kimball, lãnh đạo Loop Capital Asset Management nhận định. “Các rắc rối của Credit Suisse sẽ ảnh hưởng lớn hơn đến thị trường tín dụng quốc tế”.
Và không chỉ có các ngân hàng, các quỹ đầu tư trên toàn cầu cũng đang chạy đua để giảm thiểu rủi ro. Mới đây quỹ đầu cơ Millennium của Izzy Englander đã khuyên các nhà quản lý danh mục ngừng giao dịch hợp đồng phái sinh với Credit Suisse, cho dù đó là các giao dịch được thực hiện qua 1 trung tâm thanh toán bù trừ.
Theo các chuyên gia Alison Williams và Ravi Chelluri của Bloomberg Intelligence, giá CDS và cổ phiếu sẽ càng diễn biến tệ hơn trong 1 thị trường vốn biến động mạnh trong những ngày này. Các lỗ hổng trong quản trị rủi ro ở Credit Suisse đã xuất hiện và phình to từ vài năm qua, và các ngân hàng lớn khác tất nhiên sẽ phải siết chặt lại hoạt động quản trị rủi ro của chính họ.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường