MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các dự án thua lỗ ngành hóa chất: Bấp bênh giải cứu

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết ngày 19/1, đại diện nhiều đơn vị của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho hay, về tổng thể, hoạt động của các đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nguy cơ tụt hậu về công nghệ, mất sức cạnh tranh, gánh nặng trả nợ ngân hàng và giải cứu hoạt động của nhiều doanh nghiệp ngành phân bón sẽ là vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới.

Nặng gánh trả nợ

Chia sẻ những khó khăn của các đơn vị trong ngành tại hội nghị tổng kết của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ngày 19/1, ông Nguyễn Gia Tường, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho hay, giá phân bón không ổn định, tình trạng gian lận thương mại, xuất khẩu gặp khó đã khiến hoạt động của các đơn vị trong ngành gặp nhiều khó khăn trong năm qua.

Báo cáo của Vinachem cũng cho thấy, qua một năm khó khăn, Vinachem cũng hoàn tất 97,1% kế hoạch năm. Doanh thu cả năm của tập đoàn đạt 44.971 tỷ đồng, lợi nhuận tương đối khiêm tốn khi chỉ đạt vỏn vẹn 47 tỷ đồng. Trong 24 đơn vị thuộc tập đoàn, có 4 đơn vị trong tình trạng thua lỗ. Tổng cộng 675 cán bộ, công nhân viên đã nghỉ việc trong năm qua tại các đơn vị. Năm qua, tập đoàn phải dừng dự án khai thác và chế biến Muối mỏ tại Lào để xin ý kiến các cấp về triển khai dự án.

Đáng chú ý nhất là những đơn vị sản xuất phân bón, đạm. Nhóm sản phẩm chất tẩy rửa của tập đoàn cũng gặp nhiều khó khăn do hệ thống siêu thị MM Mega (trước là hệ thống siêu thị Metro Việt Nam) và Big C Việt Nam sau khi chuyển nhượng quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Thái Lan đã ưu tiên nhập khẩu hàng Thái. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến kênh tiêu thụ các sản phẩm Lix, Net của tập đoàn.

Ông Nguyễn Tiến Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam cho hay, sản xuất kinh doanh của đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn. Một số chỉ tiêu tài chính không đạt kế hoạch đề ra. Nợ khách hàng của công ty hiện khá cao. Tính đến thời điểm tháng 5/2017, công ty nợ khách hàng 1.700 tỷ đồng và đến nay số nợ dù đã giảm nhưng cũng còn gần đến 1.000 tỷ đồng. Công ty phải trích lập dự phòng rủi ro và nợ quá hạn, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty. “Năm 2018, tình hình dự báo sẽ tiếp tục gặp thêm nhiều khó khăn so với năm 2017”, ông Cường cho hay.

Tổng giám đốc Công ty DAP số 2- Vinachem cho hay, thời gian qua hoạt động gặp nhiều khó khăn nên tâm tư của người lao động bị ảnh hưởng rất lớn. Doanh số giảm, công ty không có tiền trả lương cho người lao động nên người lao động nghỉ việc nhiều. Người nghỉ việc nhiều kéo theo việc máy móc không hoạt động được. “Như tôi lên làm lãnh đạo đơn vị nhưng không có tiền để trả lương công nhân, phải xin thêm tập đoàn ứng cho vay 10 tỷ đồng”, lãnh đạo nhà máy DAP số 2 nói.

"Trả nợ vay ngân hàng đang là gánh nặng rất lớn với đơn vị. Cuối năm 2017 công ty đã trả lời ngân hàng về việc nếu cứ thu nợ như này thì không lấy đâu ra tiền mà trả nợ, sản xuất. Sau khi tập đoàn có can thiệp, làm việc với ngân hàng, lãi suất từ 6% đã giảm xuống còn 4,5%"

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc Đỗ Doãn Hùng

Vấn đề lớn đối với DAP số 2, theo lãnh đạo đơn vị, chính là phương thức sản xuất không đúng nên ảnh hưởng rất lớn đến hiện trạng máy móc của nhà máy. Năm 2018, công ty đặt mục tiêu giảm lỗ 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu Nhà nước áp thuế VAT với phân bón thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Các khoản vốn vay ngân hàng là gánh nặng rất lớn. Với khoản vay của Vietinbank, công ty không có nguồn lực để trả. Các ngân hàng thương mại khác như BIDV, Vietcombank cũng đang hỗ trợ đơn vị bằng cách chỉ thu tiền gốc, không thu tiền lãi. Chúng tôi đang đề nghị ngân hàng được cho phép chậm trả lãi. Vì nếu tính tất cả các chi phí, sẽ không thể cạnh tranh được. Chưa kể công ty có nguy cơ dừng sản xuất do thiếu quặng và do không có tiền để trả nợ ngân hàng”, đại diện công ty nói.

Cũng chia sẻ về các khó khăn trong năm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, ông Đỗ Doãn Hùng cho biết, năm 2017 công ty đạt 98,3% kế hoạch đề ra. Sản xuất tăng tốt, bán hàng tốt, tồn kho không có nhưng có những yếu tố bất lợi khiến sản xuất kinh doanh của đơn vị không cao. Giá amoniac và urê giảm cũng khiến doanh thu của đơn vị giảm 70 tỷ đồng.

Theo ông Hùng, năm 2018, công ty sẽ phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh ngay chính giữa các đơn vị trong tập đoàn. Hiện nhiều khách hàng của công ty đang nghe ngóng tình hình về giá do dự án Đạm Ninh Bình sắp sản xuất trở lại. “Giá đạm Ninh Bình là 6.000 đồng/kg, chúng tôi là 6.400 đồng. Khi đạm Ninh Bình ra thì công ty sẽ phải điều chỉnh về giá để cạnh tranh”, ông Hùng nói và cho hay, công ty đang phải tìm nhiều nguồn để trả nợ ngân hàng. Công ty đã đề xuất cơ cấu lại khoản nợ lãi ngân hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã thuộc diện khó khăn nhưng lại bị chính các doanh nghiệp khác trong cùng tập đoàn nợ lại thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều. “Các anh Apatit cứ trả đủ tiền thì chúng tôi sẽ cung cấp đủ hàng”, lãnh đạo Đạm Hà Bắc nói.

Tiếp tục vực dậy 4 dự án thua lỗ

Chia sẻ tại hội nghị, Tổng giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường cho hay, tập đoàn năm qua phải tiếp tục hỗ trợ trả nợ vốn vay đầu tư cho dự án Đạm Ninh Bình từ nguồn vốn tự có của tập đoàn. Bên cạnh đó, còn phải hỗ trợ vốn lưu động cho Công ty Đạm Ninh Bình phục vụ sản xuất kinh doanh, chạy lại máy đợt tháng 1/2017.

Cùng đó, tập đoàn phải làm việc nhiều lần với các cơ quan quản lý, Ngân  hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại về các chính sách tháo gỡ khó khăn cho 4 công ty đang gặp khó khăn là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-Vinachem và DAP số 2 – Vinachem. Việc cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất vay, tiếp tục cho vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh của các đơn vị nói trên cũng được tập đoàn cùng các ngân hàng giải quyết.

Về gỡ khó cụ thể cho 4 dự án thua lỗ nghìn tỷ, đến nay Vietinbank đã giảm lãi suất từ 2,8% xuống 2,5%/năm đối với khoản vay của dự án Đạm Ninh Bình trong thời gian từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2018. Cùng đó giảm lãi vay từ 6%/năm xuống 4,5%/năm đối với khoản vay của dự án Đạm Hà Bắc từ tháng 10/2017 đến tháng 12/2017.

Ngân hàng Phát triển cũng điều chỉnh mức trả nợ gốc của đạm Ninh Bình trong năm 2017 từ 25 tỷ đồng/tháng xuống còn 50 triệu đồng/tháng và 200 USD/tháng. Dự án Đạm Hà Bắc cũng được điều chỉnh mức trả nợ từ 40 tỷ đồng xuống còn 417 triệu đồng/tháng trong hai năm 2017 và 2018. Tương tự, dự án DAP – Vinachem cũng được giảm mức trả nợ từ 9 tỷ đồng/tháng xuống còn 2 tỷ đồng/tháng trong năm 2017.

“Bộ Tài chính đã có văn bản chấp thuận điều chỉnh mức trích khấu hao tài sản cố định với cả 4 công ty thua lỗ. Tập đoàn năm nay sẽ tiếp tục thực hiện giám sát đặc biệt đối với 4 công ty thua lỗ. Tập đoàn đã thuê đơn vị tư vấn để hỗ trợ, đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác quyết toán 3 dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2”, lãnh đạo Vinachem cho hay.

Để gỡ khó cho các đơn vị ngành hóa chất, lãnh đạo Vinachem cho biết đã kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định các giải pháp gỡ khó cho các dự án thua lỗ mà tập đoàn đã trình. Trong đó có phương án kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng thành 20 năm và ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau. Cùng đó, các ngân hàng không tính lãi quá hạn. Các đơn vị sẽ trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế.

“Mức lãi suất tiền vay cũng điều chỉnh trong 5 năm từ 2017 đến 2021 xuống còn 3%. Từ năm 2022 trở đi, các khoản vay có lãi suất 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước. Ngoài ra, nợ lãi chưa trả được tính đến 31/12/2017 của các đơn vị sản xuất phân đạm và phân DAP được trả dần trong 5 năm tiếp theo từ 2017 đến 2021. Cùng đó, các ngân hàng thương mại xem xét cho phép 4 công ty gặp khó khăn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ”, lãnh đạo Vinachem đề xuất.


Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên