Các hãng ô tô đồng loạt cầu cứu vì thiếu chip, các nước trên thế giới bàng hoàng nhận ra họ đang phụ thuộc vào hòn đảo nhỏ bé này như thế nào
Những ngày gần đây, các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới bất chợt nhận ra nền kinh tế của mình đang phụ thuộc vào Đài Loan như thế nào.
- 17-01-2021Khủng hoảng thiếu chip lan rộng toàn cầu, các hãng ô tô Mỹ “cầu cứu” chính phủ
- 30-10-2020Huawei được chính phủ Mỹ "tha chết", có thể mua chip cho smartphone
- 27-09-2020Mỹ chính thức giáng đòn trừng phạt xuống nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, SMIC
Sức hấp dẫn của đảo Đài Loan nằm ở khả năng sản xuất những con chip máy tính tân tiến nhất hiện nay. Trong đó doanh nghiệp nổi bật nhất là TSMC, xưởng đúc chip lớn nhất thế giới và là nhà cung ứng chủ chốt của Apple, cung cấp những con chip được sử dụng trong những chiếc điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo và máy tính hiệu suất cao.
Từ trước đến nay ít ai chú ý đến vai trò của Đài Loan trong kinh tế thế giới, cho đến khi xảy ra tình trạng thiếu hụt chip trầm trọng trong ngành ô tô, nơi những con chip được sử dụng trong mọi thứ từ cảm biến trợ giúp đỗ xe cho đến giảm thiểu khí thải. Với các hãng ô tô từ Volkswagen (Đức) cho tới Ford (Mỹ) hay Toyota (Nhật Bản) đã buộc phải ngừng sản xuất và tạm thời bỏ không nhà máy, tầm quan trọng của Đài Loan bỗng chốc trở nên quá lớn để có thể bỏ qua.
Các hãng ô tô của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều đang cầu cứu chính phủ, Đài Loan và TSMC đang được yêu cầu nhảy vào can thiệp. Từ năm ngoái Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về nguy cơ thiếu hụt và nhất trí rằng châu Âu cần phải tăng tốc việc phát triển ngành chip của riêng mình.
Lời thỉnh cầu của ngành ô tô toàn cầu là minh họa cho thấy kỹ năng đúc chip của TSMC đã đem đến cho Đài Loan đòn bẩy kinh tế và chính trị lớn như thế nào trong 1 thế giới mà công nghệ là lĩnh vực cạnh tranh gay gắt giữa 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Sự cạnh tranh đó được dự báo sẽ không hề hạ nhiệt dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo Jan-Peter Kleinhans, chuyên gia đến từ think tank Stiftung Neue Veantwortung, bằng cách thống trị mô hình thuê ngoài hoạt động sản xuất chip của Mỹ, Đài Loan "có tiềm năng trở thành điểm quan trọng nhất trong toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành chip".
Chính quyền Trump đã khai thác điểm này bằng cách cấm Bắc Kinh tiếp cận với tất cả các công nghệ chip của Mỹ, kể cả khâu thiết kế., từ đó chặt đứt nguồn cung chip bán dẫn từ TSMC và các hãng đúc chip khác đến Huawei, kìm chân công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc.
Mỹ cũng đã đàm phán với TSMC để hãng này xây dựng 1 nhà máy chip trị giá 12 tỷ USD ở bang Arizona. Cách đây ít ngày tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc công bố dự án nhà máy 10 tỷ USD ở bang Texas.
Năm ngoái, đạo luật "CHIPS for America" được đề xuất lên Quốc hội Mỹ, với mục đích khuyến khích xây dựng nhiều nhà máy hơn ở Mỹ. Nghị sĩ Micahel McCaul của đảng Cộng hòa dự kiến sẽ đệ trình lại dự luật này (nhận được sự ủng hộ của cả 2 đảng) với mong muốn có được gói trợ cấp liên bang và ưu đãi thuế trị giá 25 tỷ USD.
Những tin tức xung quanh việc Intel, tập đoàn 1 thời đứng đầu ngành, đang xem xét thuê TSMC sản xuất chip càng thôi thúc nước Mỹ phải sốc lại tinh thần và tìm lại sức mạnh của mình.
Trong khi đó EU đặt mục tiêu củng cố "chủ quyền công nghệ" của khối thông qua 1 liên minh được trang bị khoảng 36 tỷ USD từ dòng vốn đầu tư tư nhân nhằm tăng thị phần của châu Âu trên thị trường chip toàn cầu từ mức dưới 10% hiện nay lên 20%.
EU cũng thôi thúc Đài Loan tăng cường đầu tư vào khối và đã đạt được một số thành công nhất định. GlobalWafers, công ty cũng đặt trụ sở ở Hsinchu là quê nhà của TSMC, đang đưa ra đề nghị thâu tóm Siltronic của Đức trong thương vụ định giá công ty này ở mức 4,4 tỷ euro. Nếu thành công, công ty sản xuất bánh bán dẫn lớn nhất thế giới xét theo doanh thu sẽ ra đời.
Không thể nói Đài Loan là người chơi duy nhất trong chuỗi cung ứng chip. Mỹ vẫn có thế mạnh, đặc biệt là về thiết kế và các công cụ phần mềm. ASML của Hà Lan hiện độc quyền về các cỗ máy có thể sản xuất ra loại chip tân tiến nhất. Nhật Bản là nhà cung ứng chính về thiết bị, hóa chất và bánh bán dẫn.
Tuy nhiên, xu hướng hướng về những con chip nhỏ hơn nhưng mạnh hơn và tiêu tốn ít năng lượng hơn khiến TSMC ngày càng hùng mạnh. Điều đó cũng giúp Đài Loan hình thành 1 hệ sinh thái phức tạp quanh đó: ASE Technology là công ty gia công chip hàng đầu thế giới, trong khi MediaTek trở thành công ty kinh doanh chipset sử dụng trong smartphone lớn nhất thế giới.
Tokyo cũng đang nỗ lực câu kéo TSMC về với Nhật Bản. Năm ngoái Nhật Bản dành ra 110 tỷ yên (1 tỷ USD) đầu tư cho R&D và dự định cung cấp thêm 90 tỷ yên cho năm 2021. Một phần trong số đó sẽ được đổ vào TSMC.
"TSMC đang ngày càng mạnh, đó là điều mà bất kỳ ai trong ngành chip cũng phải tìm cách đối phó", Kazumi Nishikawa, viên chức của Bộ Kinh tế Nhật Bản nhận xét.
Trong kế hoạch 5 năm được công bố tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc cho biết từ nay đến 2025 sẽ đầu tư khoảng 1.400 tỷ USD vào ngành chip và những công nghệ chủ chốt khác. Tuy nhiên con số khổng lồ đó cũng không thể che lấp vai trò của Đài Loan. Lâu nay Trung Quốc vẫn tìm kiếm nguồn nhân lực từ hòn đảo này. Và ngành chip hoàn toàn có thể gặp phải những rắc rối liên quan đến căng thẳng chính trị.
Tất nhiên để dịch chuyển mạng lưới sản xuất của ngành chip là việc rất phức tạp và cần đến nhiều năm. Tuy nhiên, theo Joerg Wuttke, chủ tịch phòng thương mại EU ở Trung Quốc, yếu tố địa chính trị khiến cho tình trạng thiếu hụt chip sẽ xảy ra thường xuyên hơn. "Chuỗi cung ứng của ngành đột ngột bị đứt đoạn không chỉ xuất phát từ nguyên nhân liên quan đến năng lực sản xuất mà còn từ các biện pháp can thiệp của chính phủ các nước. Vì thế tốt hơn hết là hãy chuẩn bị sẵn sàng đối phó", ông nói.
Tham khảo Bloomberg