MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các khu thương mại tự do của Trung Quốc vắng tanh vì các doanh nghiệp dịch chuyển sang Việt Nam và Đông Nam Á

17-10-2019 - 19:18 PM | Tài chính quốc tế

Nằm cách biên giới với Việt Nam chỉ 1 giờ chạy xe, khu tự do thương mại ở Quý Châu đến nay vẫn chưa thành hình và vẫn là vùng đất sình lầy hẻo lánh. Chỉ có vài doanh nghiệp hoạt động và xe cộ qua lại rất thưa thớt.

Ngày 1/4/2012, 2 cựu lãnh đạo của Trung Quốc và Malaysia là ông Ôn Gia Bảo và ông Najib Razak đã tới tham dự lễ khai trương khu công nghiệp Quý Châu – nơi có tham vọng sẽ trở thành một thị trấn "công nghệ cao, thải ra ít khí thải carbon và mang tầm cỡ quốc tế" với dân số nửa triệu người.

Đến nay là 7 năm rưỡi đã trôi qua, giai đoạn đầu tiên của dự án - với diện tích bằng khoảng 1/10 đảo Hong Kong – vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra đủ số lượng doanh nghiệp để lấp đầy những khu vực đang trống trơn. Một số nhà đầu tư trong các lĩnh vực "công nghệ y sinh, điện tử và năng lượng mới" đã tới đây, nhưng trọng tâm đã nhanh chóng chuyển thành "chuỗi giá trị toàn cầu về tổ yến". Hoạt động sôi nổi nhất ở đây là nhập khẩu tổ yến từ các nước Đông Nam Á, xử lý lại thành các nguyên liệu có thể được sử dụng trong các món súp của người Trung Quốc.

Nằm cách biên giới với Việt Nam chỉ 1 giờ chạy xe, khu công nghệ cao đến nay vẫn chưa thành hình và vẫn là vùng đất sình lầy hẻo lánh. Chỉ có vài doanh nghiệp hoạt động và xe cộ qua lại rất thưa thớt. Có lẽ sinh động nhất lại là 1 nhà hàng có tên "3 anh em" phục vụ các món rau xào và bán cả thuốc lá cũng như đồ uống cho một nhóm nhỏ các công nhân xây dựng.

Sự ra đời và phát triển của những khu công nghiệp thường được coi là yếu tố then chốt giúp kinh tế Trung Quốc hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tạo ra tốc độ tăng trưởng thần kỳ. Kể từ khi khu công nghiệp đầu tiên được mở ra ở vùng Shekou thuộc Thâm Quyến vào năm 1979 để đón nhận dòng vốn đầu tư từ Hong Kong, mô hình này đã lan rộng đến nỗi ở Trung Quốc hiện có hàng chục nghìn khu công nghiệp. Tuy nhiên trong số này chỉ có khoảng 600 dự án được Bắc Kinh phê duyệt, còn lại phần lớn là do các chính quyền địa phương lập nên.

Hưởng nhiều ưu đãi về thuế, đất đai và chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, các khu công nghiệp thường được thiết kế để thúc đẩy xuất khẩu và phát triển các ngành công nghệ cao hoặc các ngành công nghiệp đặc biệt ví dụ như ô tô và điện tử. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh giành nguồn vốn đầu tư vốn hạn chế đang ngày càng trở nên khốc liệt.

Giải pháp mới nhất của Bắc Kinh là nâng cấp các khu công nghiệp thành các khu vực thương mại tự do thí điểm. Kể từ khi bắt đầu triển khai chương trình thử nghiệm tại Thượng Hải năm 2013, Trung Quốc đã phê duyệt 6 cụm tự do thương mại tại 18 tỉnh thành. Ngoại trừ đảo Hải Nam (nơi mà Trung Quốc tự coi là khu vực tự do thương mại), mỗi tỉnh đã lập ra những khu vực rộng khoảng 120km2 để thu hút nhà đầu tư với những đặc quyền như miễn thuế, giảm chi phí hải quan, hạ thấp các rào cản gia nhập thị trường và nới lỏng quy định về tiếp cận các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới.

Bắc Kinh kỳ vọng những khu tự do thương mại này có thể giúp Trung Quốc giữ vững vị trí trong dòng chảy thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu để đảm bảo chỗ đứng trong nền kinh tế toàn cầu khi mà cuộc chiến với Mỹ ngày càng leo thang và dòng vốn có xu hướng chạy từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.

Trong danh sách mới nhất được công bố hồi tháng 8, Trung Quốc phê duyệt 6 khu vực tự do thương mại mới, trong đó có 1 khu ở Quảng Tây với nhiệm vụ trở thành "cánh cổng kết nối với con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21". Khu này sẽ bao gồm cả khu công nghiệp Quý Châu.

Vấn đề của Quảng Tây – địa phương có diện tích lớn bằng cả Campuchia và có 48 triệu dân – là phải cạnh tranh với Việt Nam để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ và cả EU, trong khi các nhà sản xuất ở Trung Quốc phải chịu thuế và vẫn bị Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thêm thuế. Quá trình đàm phán thương mại EU – Trung Quốc vẫn chưa thể kết thúc.

Ngay cả khi đó là 1 ngày làm việc bình thường, trung tâm dịch vụ công ở Quý Châu, Sùng Tả và Nam Ninh vẫn vắng tanh và chỉ có rất ít nhà đầu tư tiềm năng xuất hiện. Một nhân viên ở Nanning cho biết đã có khoảng hơn chục doanh nghiệp đến đăng ký kinh doanh kể từ khi khu này được cấp phép là khu vực tự do thương mại vào cuối tháng 8 vừa qua, nhưng tất cả đều là công ty Trung Quốc.

Joe He, người cung cấp dịch vụ logistics ở thị trấn biên giới Pingxiang ở thành phố Sùng Tả, cho rằng chiến lược trở thành cầu nối giữa trung tâm sản xuất truyền thống Quảng Đông với Đông Nam Á đang sụp đổ vì các nhà đầu tư không nhìn thấy nhiều ưu điểm của Trung Quốc khi so sánh với Việt Nam.

Trong 7 tháng đầu năm 2019, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Quảng Tây là 570 triệu USD, tăng 75% so với 1 năm trước. Tuy nhiên, ở Quý Châu thì lượng vốn FDI lại sụt giảm 71%, xuống còn 22,8 triệu USD. FDI vào Việt Nam tăng 6,6%, lên 11 tỷ USD.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang khiến rất nhiều nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài xem xét chuyển địa điểm sản xuất sang những nơi nằm ngoài "đường kiếm" của ông Trump, và Quảng Tây là nơi nhộn nhịp nhất. Theo báo cáo được cơ quan thống kê của tỉnh này công bố hồi tháng 8, các doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành điện tử, đang đẩy mạnh việc chuyển sang các nước Đông Nam Á để "giảm thiểu tối đa tác động của chiến tranh thương mại".

Nanning Fugui Precision Industry, 1 chi nhánh của Foxconn, đã chuyển các đơn đặt hàng tổng trị giá 436 triệu USD sang Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019. Jianxing Photoelectric Technology (Beihai) đã chuyển 4 dây chuyền sản xuất linh kiện máy tính sang Philippines kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, trong khi công ty Ktec của Đài Loan lập nhà máy ở Campuchia và dự định sẽ chuyển hoàn toàn khỏi Quảng Tây.

Quảng Tây đã nỗ lực thành lập các khu vực thương mại biên giới – nơi các sản phẩm có thể được gắn mác made in Vietnam, nhưng phía Việt Nam không hề hào hứng với việc này. Trung Quốc nhanh chóng xây dựng đường xá, cầu cống và nhà kho mới nhưng ở bên kia biên giới gần như không có chút diễn biến nào.

Trên lý thuyết thì các nhà sản xuất Trung Quốc không thể chịu được giá đất và giá nhân công quá cao ở đồng bằng Châu Giang có thể tìm kiếm mức chi phí thấp hơn ở những nơi như Quảng Tây, nhưng trên thực tế câu chuyện phức tạp hơn nhiều.

Năm ngoái Tan Xinggang đã chi khoảng 700.000 USD để chuyển nhà máy giày của mình từ Đông Quản về Nam Ninh nhằm cắt giảm chi phí, nhưng ông không thể tiết kiệm được chút nào vì cơ sở hạ tầng giao thông của Quảng Tây quá tệ và nhân công thì có tay nghề thấp. "Tôi chuyển đi để giảm chi phí, nhưng cuối cùng đã phải chi thêm 3 triệu tệ để đào tạo công nhân địa phương và còn phải gửi sản phẩm về Thâm Quyến và Hong Kong để xuất khẩu", Tan nói.

Thu Hương

SCMP

Trở lên trên