MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các lãnh đạo Trung Quốc đối mặt "khủng hoảng kép" ở Bắc Đới Hà

03-08-2019 - 19:10 PM | Tài chính quốc tế

Cú sốc thương mại "đổ thêm dầu" vào một mùa hè vốn đã "rực lửa" với những câu hỏi nổi cộm về cách làm thế nào để giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đứng vững trong bối cảnh tăng trưởng quý II vừa qua ở mức yếu nhất kể từ năm 1992.

Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ đến mùa hè là các lãnh đạo cấp cao hàng đầu Trung Quốc lại có mặt tại khu nghỉ dưỡng bên bờ biển ở Bắc Đới Hà, cách Bắc Kinh 200km. Nhưng năm 2019 có lẽ là năm không khí căng thẳng nhất trong nhiều năm trở lại đây với những rủi ro ngày càng gia tăng ở cả trong và ngoài nước, mà mới nhất là thuế quan mới được Tổng thống Trump đưa ra chỉ 1 tháng sau khi Mỹ - Trung quyết định đình chiến sau hội nghị G20 ở Osaka.

Cú sốc thương mại "đổ thêm dầu" vào một mùa hè vốn đã "rực lửa" với những câu hỏi nổi cộm về cách làm thế nào để giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đứng vững trong bối cảnh tăng trưởng quý II vừa qua ở mức yếu nhất kể từ năm 1992. Đồng thời những cuộc biểu tình ở Hồng Kông cũng đang khiến các lãnh đạo Trung Quốc phải đau đầu.

"Kịch bản Trung Quốc đưa ra các biện pháp đối phó cứng rắn đang ngày càng trở nên rõ ràng, cả về vấn đề Hồng Kông và vấn đề thương mại", Suisheng Zhao - giám đốc điều hành Trung Tâm hợp tác Mỹ - Trung tại ĐH Denver nhận định. "Trung Quốc sẽ mong muốn điều tốt nhất, nhưng ngày càng có ít khả năng họ sẽ thỏa hiệp, đặc biệt là dưới áp lực lớn như hiện nay. Tập Cận Bình không phải là người dễ thỏa hiệp", ông nói.

Mặc dù các cuộc họp ở Bắc Đới Hà có sự góp mặt của cả những lãnh đạo đương nhiệm và các lãnh đạo thế hệ trước, sự kiện này vẫn rất kín tiếng. Người ta chỉ suy đoán rằng cuộc họp đã bắt đầu vì các lãnh đạo cấp cao không xuất hiện trên phương tiện truyền thông nhà nước.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, lần gần nhất cuộc họp ở Bắc Đới Hà diễn ra, ông Tập đã hoàn toàn vắng bóng trên trang nhất tờ Nhân dân Nhật báo trong suốt 15 ngày từ 31/7 đến 17/8.

Năm nay, lần cuối cùng ông Tập xuất hiện trên truyền thông là cuộc gặp với Tổng thống Colombia Iván Duque Márquez hôm thứ 4 ở Bắc Kinh. Băt đầu từ thứ 5 không có tin tức gì về ông.

Điều đó có nghĩa là có thể cuộc họp ở Bắc Đới Hà đang diễn ra khi ông Trump tuyên bố sẽ đánh thuế 10% lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc sẽ thảo luận về các chiến lược đối phó với chiến tranh thương mại, nỗ lực cô lập Huawei của Mỹ, bất ổn ở Hồng và những thách thức khác, theo nhận định của các chuyên gia phân tích Michael Hirson, Paul Triolo và Jeffrey Wright tại Eurasia Group.

Cuộc họp kín ở Bắc Đới Hà được khởi xướng từ thời Mao Trạch Đông, khi các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc thường bơi dưới biển với đội ngũ cận vệ luôn túc trực ở bên cạnh. Bên bờ biển Bắc Đới Hà, Trung Quốc đã đưa ra quyết định thực hiện chiến dịch Đại Nhảy Vọt nhiều tranh cãi năm 1958. Cuộc họp này là cơ hội để các nhà lãnh đạo Trung Quốc đi đến đồng thuận trước khi Đại hội Đảng diễn ra vào mùa thu trong đại lễ đường ở Bắc Kinh.

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang phải đối mặt với một nước Mỹ khó đoán có thể quay ngoắt thái độ chỉ sau 1 đêm. Chỉ 1 tháng trước, ông Trump và ông Tập đã bắt tay nhau ở Nhật Bản và thống nhất sẽ tạm dừng cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài hơn 1 năm.

Không chỉ áp thuế, Tổng thống Mỹ còn có một động thái đáng ngạc nhiên khác mà chắc chắn sẽ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc không vui: gắn mác "bạo động" cho các cuộc biểu tình đã kéo dài 9 tuần ở Hồng Kông.

Ông Tập Cận Bình hiện đang phải đối mặt với những rắc rối ở cả trong và ngoài nước, với "thù trong giặc ngoài" - tình cảnh mà trong lịch sử đã khiến không ít triều đại của Trung Quốc phải sụp đổ.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên