Các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư trái phiếu Chính phủ
Lượng vốn ròng đầu tư mới vào kênh trái phiếu của hệ thống ngân hàng tại thời điểm 20/06/2017 sẽ vào khoảng 19.700 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức -3.500 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý I/2017.
- 24-05-2017Quốc hội nóng chuyện vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài
- 04-05-20172 bộ, 10 tỉnh nhận hơn 17.526 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ
- 06-04-2017Kho bạc Nhà nước đã huy động được hơn 61 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ
Thống kê cho thấy, trong tuần trước, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức gọi thầu tại bốn loại kỳ hạn: 5 năm, 7 năm, 15 năm và 20 năm. Khối lượng gọi thầu cho các kỳ hạn trên đều ở mức 1.000 tỷ đồng và lượng đặt thầu cho các kỳ hạn cũng đều ở mức rất cao (gấp 3-4 lần so với giá trị gọi thầu). Kết quả trúng thầu đều đạt 100% với lãi suất tiếp tục giảm nhẹ từ 0,01-0,12% tùy từng kỳ hạn.
Diễn biến trên cho thấy nhu cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ (TPCP) tại thời điểm hiện tại vẫn khá cao. Ngoài ra, động thái cắt giảm một loạt các loại lãi suất điều hành của NHNN cuối tuần vừa qua cũng cho thấy thông điệp của nhà điều hành: chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng hơn nữa nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Thông tin này được đánh giá sẽ có tác động hỗ trợ tích cực đối với hoạt động phát hành TPCP của KBNN. Trên cơ sở đó, dự báo lãi suất trúng thầu nhiều khả năng sẽ đi ngang, thậm chí giảm nhẹ đối với một số kỳ hạn dài trong thời gian tới.
Nhìn trong khoảng thời gian rộng hơn thì một điểm đáng chú ý là mặc dù thanh khoản không thật sự dồi dào trong phần lớn thời gian của hai quý đầu năm nhưng các ngân hàng vẫn có xu hướng gia tăng đầu tư vào kênh trái phiếu.
Theo tính toán của CTCP chứng khoán BVSC, giả định các ngân hàng hấp thụ 80% lượng TPCP và các loại trái phiếu khác phát hành trong hai quý vừa qua (tỷ lệ này giảm so do hiện các công ty bảo hiểm và nhà đầu tư nước ngoài đã trở nên năng động hơn trên thị trường TPCP sơ cấp) thì lượng vốn đầu tư mới vào kênh trái phiếu của toàn hệ thống là khoảng 106.874 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng vốn trái phiếu đáo hạn (cả gốc và lãi) trong 6 tháng đầu năm theo số liệu của Bloomberg là 105.800 tỷ đồng. Với giả định 90% lượng trái phiếu đáo hạn thuộc nắm giữ của các NHTM thì con số này sẽ là 87.141 tỷ đồng.
Như vậy lượng vốn ròng đầu tư mới vào kênh trái phiếu của hệ thống ngân hàng tại thời điểm 20/06/2017 sẽ vào khoảng 19.700 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức -3.500 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý I/2017.
Việc các ngân hàng thương mại tăng lượng vốn ròng đầu tư vào kênh TPCP rõ ràng đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động huy động vốn của KBNN. Tính đến cuối tuần qua, KBNN đã hoàn thành 71,4% kế hoạch phát hành năm.
Diễn đàn doanh nghiệp