Các ngân hàng sẽ tiếp tục rót khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Ngoài ra, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ đã có quyết định bổ sung hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà đầu tư.
Trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 15/8, về triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ là một trong những trục đường quan trọng nhất đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã triển khai dự án này cách đây gần 10 năm, nhưng đến thời điểm này tiến độ vẫn chậm.
Đối với đoạn từ Trung Lương - Mỹ Thuận, vừa qua Chính phủ đã quyết định bổ sung 2.186 tỷ đồng hỗ trợ cho nhà đầu tư và cho nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án và đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. UBND tỉnh Tiền Giang và cơ quan nhà nước có liên quan đã điều chỉnh hợp đồng, đưa vào điều khoản liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư. Về phía nhà nước đã hỗ trợ phương án tài chính khả thi, hiện nay, phần vốn nhà đầu tư đã bỏ vào hơn 3.000 tỷ đồng và vốn còn lại liên quan đến cơ quan tín dụng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, Chính phủ đã họp giao Thống đốc NHNN chỉ đạo các ngân hàng và vốn liên doanh để hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.
Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức tín dụng đã phối kết hợp để bổ sung vốn, nếu được vốn tín dụng này cùng với vốn nhà nước và nhà đầu tư thì dự án đến cuối năm 2020 sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương - Mỹ Thuận và hoàn thành toàn bộ công tác này trong năm 2021.
Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết NHNN đã chỉ đạo các TCTD đang thu xếp vốn cho dự án tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, chủ đầu tư dự án để điều chỉnh, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hạ tầng quan trọng này.
Theo Phó Thống đốc, hiện phía các NHTM như VietinBank, BIDV, Agribank và liên danh các chủ đầu tư đã và đang bổ sung, thống nhất lại các điều khoản của hợp đồng tài trợ vốn. Trong bối cảnh nhiều dự án BOT trước đây đã kinh doanh không hiệu quả thậm chí thua lỗ thì việc các NHTM đặt ra những điều kiện rõ ràng cụ thể đối với các chủ đầu tư, nhất là vấn đề sử dụng vốn và tính toán các phương án thu hồi vốn là hợp lý và cần thiết. Các chủ đầu tư và các bên liên quan cũng cần hợp tác, sớm thống nhất với các NHTM trong các tính toán, quản trị rủi ro vốn này.