Các nước châu Á "đốt" 50 tỷ USD dự trữ ngoại hối chỉ trong tháng 9 để bảo vệ nội tệ trước đồng USD quá mạnh
Tổng cộng trong tháng trước chính phủ các nước châu Á đã chi khoảng 50 tỷ USD dự trữ ngoại hối – mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 – để bảo vệ đồng nội tệ trước đà tăng phi mã của đồng USD.
- 11-10-2022Ngành chip bết bát vì chính sách mới của Mỹ: 240 tỷ USD vốn hóa bốc hơi chỉ trong vài ngày, cổ phiếu TSMC, Samsung đồng loạt chạm đáy
- 27-09-202260% thực đơn McDonald’s ở Nhật tăng giá vì đồng USD mạnh lên
- 20-09-2022Các nước giàu liệu có thể cùng hợp tác để hạ giá đồng USD?
Theo ước tính của Exante Data, công ty dữ liệu chuyên theo dõi dòng chảy vốn toàn cầu, chỉ trong tháng 9 các quốc gia mới nổi châu Á (không bao gồm Trung Quốc) đã chi gần 30 tỷ USD thông qua bán ra USD trên thị trường giao ngay. Nếu tính đến cả Nhật Bản, con số tăng lên 50 tỷ USD.
Còn tính tổng 9 tháng đầu năm, số tiền mà các nước châu Á (bao gồm cả Nhật Bản) chi ra là khoảng 89 tỷ USD – đánh dấu giai đoạn sôi động nhất kể từ ít nhất là năm 2008. Các con số mà Exante đưa ra được tính toán dựa trên dữ liệu từ NHTW các nước, sau đó điều chỉnh theo tỷ giá.
Sau đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất mà thế giới từng chứng kiến kể từ những năm 1980, hiện chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index – đo lường diễn biến của đồng bạc xanh so với một rổ các đồng tiền lớn khác trên thế giới – đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Đồng bạc xanh tăng giá làm giá trị của các đồng tiền khác trong dự trữ ngoại hối của các NHTW sụt giảm.
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản công khai số liệu về các giao dịch bán ra USD. Tuy nhiên đối với các nước còn lại, hầu hết số liệu được công bố không đầy đủ bởi các NHTW.
Theo Exante, trong tháng 9, Nhật Bản bán ra 20 tỷ USD, Hàn Quốc bán gần 17 tỷ USD. Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Philippines và Thái Lan cũng là những nền kinh tế bán ròng USD trong tháng 9.
“Đồng nội tệ của họ đang chịu áp lực lớn từ lãi suất tăng. Và tệ hơn là không ai có thể chắc chắn lãi suất Mỹ sẽ tăng đến đâu”, chuyên gia cao cấp Alex Etra của Exante nhận định.
Và chắc hẳn các NHTW sẽ tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối. Sau khi yên Nhật giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm trở lại đây vào hôm qua (13/10), nhiều khả năng NHTW Nhật Bản sẽ sớm hành động.
Từ trước đến nay các nước châu Á vẫn thường xuyên can thiệp vào thị trường ngoại hối để ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, lượng USD được bán ra trong tháng trước đã vượt quá cả tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Theo Etra, dự trữ ngoại hối của các nước châu Á sụt giảm một phần là bởi chiến lược phân bổ lại tài sản và giá trị đồng nội tệ sụt giảm. Tuy nhiên nguyên nhân chính có lẽ là các NHTW cần phải bán dự trữ ngoại hối để tăng lượng tiền mặt nắm giữ.
Không chỉ tại châu Á, dự trữ ngoại hối của toàn thế giới đang giảm mạnh. Theo dữ liệu thống kê của Bloomberg, tổng dự trữ ngoại hối trên toàn cầu đã giảm hơn 1.000 tỷ USD, tương đương 8,9% kể từ đầu năm đến nay, xuống còn chưa đến 12.000 tỷ USD. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2003, khi Bloomberg bắt đầu thống kê dữ liệu.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường