MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nước đang "hiểu lầm" về phép màu của Singapore như thế nào?

04-06-2017 - 19:17 PM | Tài chính quốc tế

Không chỉ ở những nước đang phát triển, cả các nước phát triển giàu có mới đây cũng bắt đầu hướng về quốc gia Đông Nam Á. Một vài tiếng nói ủng hộ Brexit cũng mơ về việc biến nước Anh thành “Singapore bên bờ sông Thames”.

Singapore chưa bao giờ thiếu người hâm mộ. Nhiều lãnh đạo của các nước đang phát triển luôn ngưỡng mộ Lý Quang Diệu, “ông tổ” của Singapore hiện đại, vì đã có thể biến quốc đảo này từ một quốc gia được xếp vào loại “thế giới thứ ba” lên đứng hàng đầu mà vẫn phớt lờ lời kêu gọi cải cách hệ thống chính trị theo hướng cởi mở hơn. Paul Kagame, vị Tổng thống “có nắm đấm thép” của Rwanda hi vọng một ngày nào đó đất nước của ông sẽ trở thành “Singapore của châu Phi”. Những người ủng hộ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thường so sánh ông với Lý Quang Diệu: họ đều là những người có ý chí mạnh mẽ, không tha thứ cho nạn tham nhũng và những tên tội phạm.

Không chỉ ở những nước đang phát triển, cả các nước phát triển giàu có mới đây cũng bắt đầu hướng về quốc gia Đông Nam Á. “Muốn loại bỏ Obamacare ư? Hãy sao chép phép màu về chăm sóc sức khỏe của người Singapore”. Đó là 1 đoạn trong bài bình luận được đăng trên tờ Fox News không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử. Theo bài báo, “phép màu” này dựa trên 2 yếu tố không mấy xa lạ với đảng Cộng hòa: “gia tăng sức mạnh cho người tiêu dùng và tăng mức độ cạnh tranh”.

Một vài tiếng nói ủng hộ Brexit cũng mơ về việc biến nước Anh thành “Singapore bên bờ sông Thames”: 1 quốc gia với mức thuế suất thấp, ít luật lệ ràng buộc những doanh nghiệp háo hức muốn giao thương với châu Âu. Tuy nhiên, theo Economist, những điều này giống như “thầy bói xem voi” bởi tất cả những quan điểm kể trên chỉ chú trọng vào những khía cạnh riêng biệt mà quên mất bức tranh tổng thể.

Hãy bắt đầu từ những người ủng hộ Brexit. Với 65 triệu người, dân số của nước Anh lớn gấp 12 lần số dân Singapore, đồng thời họ sống trên diện tích gấp 337 lần so với Singapore. Ở thời điểm hiện tại, theo tiêu chuẩn châu Âu thì Anh có mức thuế không cao và luật lệ cũng không khắt khe, nhưng nếu so với Singapore thì cả mức thuế và khối lượng luật là khổng lồ. Hiện mức thuế thu nhập cao nhất ở Anh là 45%, gấp đôi so với Singapore; chi tiêu Chính phủ chiếm 38% GDP, cũng cao gấp đôi so với Singapore. Tuy nhiên, nếu thu nhỏ Chính phủ, nước Anh sẽ phải cắt giảm mạnh chi tiêu và thay đổi hoàn toàn hệ thống chăm sóc sức khỏe. Và các cử tri sẽ trừng phạt bất cứ đảng nào muốn làm như vậy.

Kể cả khi giả định nước Anh với mức thuế thấp được EU cho phép dễ dàng tiếp cận thị trường chung châu Âu, những nước láng giềng của Anh vẫn khác xa so với láng giềng của Singapore. Đông Nam Á là một khu vực đang bùng nổ với 630 triệu dân, mà không ít trong số đó sống trong những đất nước thiếu ổn định, tham nhũng tràn lan hoặc thiếu hụt cơ sở hạ tầng. Do đó, Singapore đóng vai trò quan trọng khi sẵn sàng trở thành cửa ngõ để các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường đầy tiềm năng này trong khi có thể tối thiểu hóa rủi ro. Ngược lại, dù kinh tế châu Âu đang ì ạch và có thể bị đe dọa một chút bởi làn sóng chủ nghĩa dân túy, “lục địa già” vẫn là khu vực có môi trường chính trị ổn định. Do đó, các doanh nghiệp sẽ không tìm thấy nhiều ý nghĩa ở Anh.

Về phần những người ủng hộ xóa bỏ Obamacare ở Mỹ. Họ đã đúng khi cho rằng Singapore đạt được thành tựu về chăm sóc y tế cộng đồng là nhờ tập trung vào trách nhiệm của cá nhân, mức độ cạnh tranh và giảm chi tiêu công. Người Singapore có tuổi thọ thuộc nhóm cao nhất thế giới và có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong thấp nhất thế giới. Nước này chỉ giành 5% GDP cho y tế, trong số đó chỉ có 2% đến từ công quỹ. Ở Mỹ con số lần lượt là 17% và 8% trong khi sức khỏe của người dân thì không bằng.

Tuy nhiên, có một sự thật là hệ thống y tế của Singapore mang tính bắt buộc nhiều hơn và chịu sự can thiệp của Chính phủ nhiều hơn so với những gì người Mỹ có thể chấp nhận. Hầu hết các bệnh viện là do nhà nước điều hành. Hầu hết các nhà tế bần và trạm xá thuộc sở hữu của tư nhân nhưng là do Chính phủ tài trợ. Chính phủ Singapore tài trợ rất nhiều cho các trường hợp cấp cứu, đồng thời khuyến khích cạnh tranh bằng cách công khai hóa đơn bệnh viện. Ngược lại, các bên cung cấp dịch vụ y tế ở Mỹ thường mập mờ để kiếm lợi nhiều nhất. Chính phủ Singapore yêu cầun gười dân phải trích ra 10,5% thu nhập hàng tháng để nộp vào tài khoản “Medisave” (chủ sử dụng lao động cũng đóng góp). Ngoài ra Chính phủ trợ giá cho những loại thuốc “hiệu quả về giá mà lại cần thiết”. Những loại thuốc không được phê duyệt sẽ rất đắt.

Giáo sư Kishore Mahbubani của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu đã nói: “Hệ tư tưởng đã dẫn dắt Lý Quang Diệu không phải là tư tưởng của Ayn Rand”. Ayn Rand là một nhà tiểu thuyết và triết gia quốc tịch Mỹ sinh tại Nga nổi tiếng với những tác phẩm nhấn mạnh chủ nghĩa vị kỷ, tự do cá nhân. Bà tin rằng con người phải chọn cho mình các giá trị và hành động theo lý trí; và rằng cá nhân có quyền để tồn tại vì lợi ích của chính bản thân mình, không hy sinh bản thân cho người khác hoặc người khác vì mình.

Nền kinh tế Singapore áp dụng một tư tưởng tương tự nhưng đã biến hóa: đề cao trách nhiệm cá nhân, nhưng trách nhiệm ấy được hỗ trợ bởi một hệ thống an sinh xã hội mang tính bắt buộc nhưng mạnh mẽ. Hơn 90% dân số Singapore sở hữu nhà riêng, nhưng đó là những căn hộ do Chính phủ xây dựng và áp đặt giá cả. Luật quy định trong các khu nhà ở bắt buộc phải có nơi sinh hoạt cộng đồng để những giá trị của mọi chủng tộc đều được phản ánh, do đó tránh xung đột về chủng tộc.

Cấu trúc xã hội mà Singapore đang áp dụng sẽ khiến các cử tri phương Tây “kinh hãi” và ngay lập tức bị hệ thống tòa án phương Tây bác bỏ. Nhưng người Singapore đã chấp nhận nó. Người gốc Hoa chung sống hòa bình với những người gốc Malaysia và Indonesia. Quan trọng hơn, thành công của Lý Quang Diệu vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay: người dân chấp nhận nền chính trị không tự do bằng các nước phương Tây, nhưng đổi lại họ có 1 Chính phủ trong sạch khỏe mạnh và chất lượng cuộc sống ở mức cao.

Những nhà lãnh đạo Singapore luôn nỗ lực bảo vệ danh tiếng của họ trước những lời rèm pha và làm mọi cách để đảm bảo đảng cầm quyền giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Đổi lại, họ đem đến sự yên bình cho những con phố, dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng hàng đầu thế giới, mạng lưới giao thông công cộng hiện đại và 1 Chính phủ trong sạch, có trách nhiệm. Qua bỏ phiếu, người dân có thể tác động đến chính sách: sau khi đảng cầm quyền chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ 60%, thấp nhất từ trước đến nay, đảng này đã lắng nghe dân chúng nhiều hơn và chiến thắng vang dội 4 năm sau đó.

Những nước cờ mà Lý Quang Diệu đã đi khó có thể lặp lại. Trong khi những nước như Philippines chưa có đủ tiềm lực tài chính và Chính phủ chưa đủ trong sạch, những nước như Anh hay Mỹ lại thiếu đi khả năng thoải mái hoạch định chính sách mà không cần lo lắng quá nhiều về cuộc bầu cử tiếp theo.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên