Các nước ít giàu có thể phải dựa vào vắc xin Trung Quốc để chống Covid-19, vấn đề duy nhất là lòng tin
Việc khó tiếp cận các loại vắc xin của phương Tây có thể khiến nhiều quốc gia ít giàu có hơn phải dựa vào vắc xin của Trung Quốc. Điều duy nhất họ cần biết lúc này là chúng có hiệu quả hay không.
- 24-12-2020Vắc xin chống Covid-19 của Trung Quốc chỉ hiệu quả trên 50%, dữ liệu tiếp tục bị giấu kín
- 22-12-2020BioNTech: Chúng tôi có thể sản xuất vắc-xin chống lại chủng virus corona mới chỉ trong 6 tuần
- 20-12-2020Vì sao ông Biden và bà Harris không tiêm vắc-xin Covid-19 cùng lúc?
- 20-12-2020Tướng Mỹ xin lỗi vì phân phối nhầm vắc-xin Covid-19
- 17-12-2020Bộ trưởng Singapore: Vắc xin sẽ giúp kinh tế phục hồi nhưng đừng vội nghĩ tới mốc trước dịch
Các quốc gia giàu có hiện dự trữ khoảng 9 tỷ trong số 12 tỷ vắc xin Covid-19 mà phương Tây dự kiến sản xuất trong năm tới. Trong khi đó, COVAX, một nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng với vắc xin Covid-19, đã không đạt được 2 tỷ liều như họ đã hứa.
Đối với các nước chưa có vắc xin, Trung Quốc có thể là giải pháp duy nhất. Trung Quốc có 6 ứng viên vắc xin được đưa vào thử nghiệm cuối cùng và là một trong số ít quốc gia đang thử nghiệm vắc xin chống Covid-19 trên quy mô lớn. Các quan chức Trung Quốc cho biết họ sẽ sản xuất 1 tỷ liều vắc xin vào năm tới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng hứa hẹn vắc xin sẽ mang lại lợi ích cho cả thế giới.
Việc hàng triệu người ở các quốc gia sử dụng vắc xin của Trung Quốc có thể là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để Bắc Kinh sửa chữa hình ảnh, vốn suy giảm nghiêm trọng sau khi đại dịch Covid-19 bùng lên ở nước này và lan ra khắp thế giới. Ngoài gia, đó cũng là lời khẳng định cho trình độ khoa học kỹ thuật của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những vụ bê bối trong quá khứ đã làm tổn hại đến niềm tin của mọi người đối với vắc xin của Trung Quốc. Các vấn đề trong sản xuất và chuỗi cung ứng khiến người ta nghi ngờ vắc xin của Trung Quốc có thực sự là vị cứu tinh hay không.
Joy Zhang, giáo sư nghiên cứu đạo đức của ngành khoa học mới nổi tại Đại học Kent, Vương quốc Anh, cho biết: "Một dấu hỏi vẫn còn là làm thế nào để Trung Quốc đảm bảo rằng vắc xin họ cung cấp là đáng tin cậy". Zhang dẫn những sự không minh bạch về dữ liệu khoa học trong thử nghiệm vắc xin cùng những bê bối trong quá khứ ở Trung Quốc để minh chứng cho lập luận của mình.
Tuần trước, Bahrain đã trở thành quốc gia thứ 2 phê duyệt vắc xin Covid-19 của Trung Quốc sau Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Maroc cũng có kế hoạch sử dụng vắc xin Trung Quốc trong chiến dịch tiêm chủng hàng loạt. Vắc xin Trung Quốc cũng đang trong tiến trình phê duyệt ở Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Brazil trong khi các thử nghiệm vẫn đang được tiến hành ở hàng chục quốc gia trong đó có Nga, Ai Cập và Mexico.
Ở một số quốc gia, vắc xin Trung Quốc tạo ra những hoài nghi. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã nhiều lần nghi ngờ về tính hiệu quả của vắc xin do Sinovac sản xuất. Tuy nhiên, ông Bolsonaro không đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho những nghi ngờ của mình.
Jamie Triccas, trưởng khoa miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm tại trường y Đại học Sydney, chia sẻ về kết quả thử nghiệm lâm sàng của vắc xin Trung Quốc: "Các nghiên cứu có vẻ được thực hiện tốt. Tôi sẽ không quá lo lắng về điều đó".
Trung Quốc đã xây dựng các chương trình tiêm chủng của mình trong hơn 1 thập kỷ qua. Họ cũng từng sản xuất thành công vắc xin trên quy mô lớn, bao gồm cả vắc xin phòng bệnh sởi và viêm gan. Thực tế, cũng không có dịch bệnh nào bùng phát ở Trung Quốc liên quan tới các loại bệnh mà quốc gia này đã có vắc xin. Điều đó cho thấy vắc xin của họ an toàn và hiệu quả.
Trung Quốc cũng đã làm việc với Quỹ Gates và các tổ chức khác để cải thiện chất lượng sản xuất vắc xin trong thập kỷ qua. Tổ chức Y tế Thế giới đã kiểm định trước 5 loại vắc xin không phải loại chống Covid-19 của Trung Quốc. Điều này cho phép các cơ quan của Liên Hợp Quốc mua chúng cho các quốc gia khác sử dụng.
Những doanh nghiệp Trung Quốc được Liên Hợp Quốc lựa chọn để mua vắc xin là Sinovac và Sinopharm, hai nhà phát triển hàng đầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán, một công ty con của Sinopharm, đã từng dính vào một vụ bê bối vắc xin năm 2018.
Các điều tra viên chính phủ phát hiện ra công ty có trụ sở tại Vũ Hán, nơi Covid-19 bùng phát đầu tiên, đã sản xuất hàng trăm nghìn liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà không hiệu quả do thiết bị trục trặc. Cùng năm đó, có thông tin cho rằng Công ty Công nghệ sinh học Changsheng đã làm giả dữ liệu về vắc xin phòng bệnh dại.
Năm 2016, truyền thông Trung Quốc tiết lộ rằng 2 triệu liều vắc xin các loại dành cho trẻ em đã được bản quản và phân phối không đúng cách trong suốt nhiều năm qua. Tỷ lệ tiêm chủng đã giảm sau nhưng bê bối đó.
Ray Yip, cựu giám đốc quốc gia của Gates Foundation ở Trung Quốc, cho biết: "Tất cả những người bạn Trung Quốc của tôi, những lao động cổ cồn trắng, khá giả và không ai nói rằng họ sẽ mua thuốc sản xuất tại Trung Quốc. Đó là một thực tế". Tuy nhiên, Yip nói rằng ông là một trong số ít người không ngại sử dụng các loại thuốc do Trung Quốc sản xuất.
Hiện tại, Trung Quốc đã sửa luật vào năm 2017 và 2019 nhằm thắt chặt việc quản lý và tăng cường kiểm tra xử phạt đối với những nhà sản xuất vắc xin lỗi. Tuy nhiên, điều đó cũng không làm yên lòng nhiều người.
Với vắc xin chống Covid-19, các chuyên gia quốc tế đặt câu hỏi về cách Trung Quốc tuyển dụng tình nguyện viên để thử thuốc cũng như cách thức mà họ ghi nhận tác dụng phụ có thể xảy ra. Hiện nay, nhà sản xuất vắc xin và Chính phủ Trung Quốc chưa công bố những thông tin chi tiết.
Hiện tại, sau khi dữ liệu về vắc xin của Pfizer và Moderna được công bố, các chuyên gia đang chờ xem số liệu của Trung Quốc.