MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ông lớn dầu khí đồng loạt ‘lấn sân’ sang ô tô điện, đổ xô đặt cược vào nguồn ‘vàng trắng’ quý hiếm, dự kiến sẽ khiến cuộc chơi toàn cầu thay đổi

26-06-2023 - 19:27 PM | Tài chính quốc tế

Các ông lớn dầu khí đồng loạt ‘lấn sân’ sang ô tô điện, đổ xô đặt cược vào nguồn ‘vàng trắng’ quý hiếm, dự kiến sẽ khiến cuộc chơi toàn cầu thay đổi

Các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới đang “đặt cược” vào một nguồn “vàng trắng” cực hot trên thị trường. Liệu có phải quyết định sáng suốt?

Các “ông lớn” dầu khí chú ý tới “vàng trắng”

Theo tờ Financial Times (FT), có thông tin cho rằng những ông lớn ngành dầu khí trên toàn cầu đang nỗ lực “thâm nhập” vào ngành công nghiệp lithium để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh thay vì chỉ tập trung vào nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Từ đó họ tham vọng tạo ra bước đột phá công nghệ trong quá trình tạo ra kim loại quý cho pin xe điện.

Một số tập đoàn lớn như ExxonMobil, Schlumberger, Occidental Petroleum và Equinor đang nghiên cứu liệu các kỹ thuật cốt lõi của họ trong khai thác và chế biến dầu khí có thể điều chỉnh phù hợp để xử lý lithium từ nguồn nước muối hay không.

Nếu thành công, điều này giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt lithium - nguyên liệu được ví như “vàng trắng” - rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của thế giới.

Brian Menell, Giám đốc điều hành của TechMet, một quỹ đầu tư tập trung vào ngành khai khoáng cho biết: “Có một số công ty dầu khí lớn đang dành nhiều thời gian và công sức để tìm cách giúp họ có thể phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực lithium”.

Ông nhận định quá trình đa dạng hóa kinh doanh đó là một điều tất yếu đối với các công ty dầu mỏ. Nước muối cô đặc chứa lithium là một lựa chọn hiển nhiên vì họ có đầy đủ kỹ năng cũng như hiểu biết về chất lỏng cũng như công nghệ bơm dưới bề mặt.

Được biết, việc “lấn sân” sang lĩnh vực khai thác lithium xuất hiện khi các nhà sản xuất dầu mỏ lớn, bao gồm ExxonMobil và Chevron của Mỹ đến Equinor và BP ở châu Âu đang cố gắng duy trì lợi nhuận trong bối cảnh hạn chế khí thải và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch hơn.

Ngoài ra, việc các công ty dầu mỏ tập trung vào lithium sẽ trấn an các nhà sản xuất ô tô điện trên toàn cầu. Trong tương lai, lượng lithium có thể sẽ được cung cấp số lượng lớn - đủ để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia, trong bối cảnh nhiều nước dự kiến cấm vận hành xe xăng cũng như nhu cầu xe điện tăng vọt tại Trung Quốc.

Các ông lớn dầu khí đồng loạt ‘lấn sân’ sang ô tô điện, đổ xô đặt cược vào nguồn ‘vàng trắng’ quý hiếm, dự kiến sẽ khiến cuộc chơi toàn cầu thay đổi - Ảnh 1.

Giá lithium phục hồi

Những động thái ban đầu

Nhưng hoạt động ở mảng lithium của các công ty dầu mỏ cho đến nay vẫn chưa thực sự “bùng nổ”. Chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong vốn đầu tư cho sản xuất nhiên liệu hóa thạch của các tập đoàn mỗi năm.

Ngoài ra, họ cũng mới “chạm đến” hoạt động mua quyền khai thác các nguồn lithium tiềm năng cũng như nắm giữ cổ phần thiểu số trong các công ty lithium thông qua liên doanh và thỏa thuận cấp phép công nghệ khai thác.

Theo tờ Financial Times, gần đây, ExxonMobil đã chi hơn 100 triệu USD để mua quyền khai thác ở một số mỏ chứa lithium nằm ở khu vực Smackover thuộc bang Arkansas.

Các ông lớn dầu khí đồng loạt ‘lấn sân’ sang ô tô điện, đổ xô đặt cược vào nguồn ‘vàng trắng’ quý hiếm, dự kiến sẽ khiến cuộc chơi toàn cầu thay đổi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Equinor đã mua cổ phần của Lithium de France, một công ty khai thác lithium vào năm 2021. Nhà sản dầu đá phiến Occidental (Mỹ) cũng đã đồng sở hữu TerraLithium -  tập đoàn chuyên về công nghệ lithium. Ngoài ra, giám đốc điều hành của Chevron cũng bày tỏ sự quan tâm tới nguồn “vàng trắng” quan trọng cho pin xe điện này.

Được biết, ngoài việc khai thác lithium từ nguồn nước muối tại Mỹ Latinh, sự tăng trưởng nguồn cung lithium trong những năm qua đến từ nguồn tài nguyên đá muối của Úc và Trung Quốc.

Chìa khóa - Công nghệ DLE

Tuy nhiên, việc đóng góp của nước muối đặc kết hợp với sự tham gia của các công dầu mỏ đối với nguồn cung lithium trong tương lai phụ thuộc vào sự phát triển thương mại của phương pháp chiết xuất lithium trực tiếp (DLE) - một công nghệ chưa được chứng minh ở quy mô lớn - có tác dụng tách khoáng chất lithium màu trắng bạc ra khỏi hỗn hợp muối.

Hiện tại, lithium trong nước muối đặc ở Nam Mỹ được chiết xuất thông qua các ao bốc hơi có tác dụng loại bỏ mọi nguyên tố ngoại trừ lithium.

Còn DLE làm điều ngược lại và được Goldman Sachs nói rằng đó là một công nghệ có khả năng “thay đổi cuộc chơi”. Theo đó, phương pháp này có thể lọc lithium trực tiếp - sử dụng kỹ thuật thủy lực bẻ gãy (fracking).

Công nghệ này dự kiến giúp tăng tốc độ khai thác lithium từ vài tháng xuống còn vài ngày, với tỷ lệ thu hồi lithium trung bình từ 60-80% so với 40-60% đối với các ao bốc hơi.

Thành công của DLE, vốn đã được công ty chế biến lithium Livent sử dụng ở Argentina từ năm 1998 và trong một số dự án ở Thanh Hải, Trung Quốc. Nó được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới khi các công ty dầu mỏ có thể chiết xuất lithium từ nước thải tại các mỏ dầu và tại các dự án năng lượng địa nhiệt có nước muối tại chỗ.

Gần đây, công ty tư vấn dầu mỏ Enverus đã nhận định “cơ hội tiềm năng trị giá hàng tỷ USD” này đang chờ đợi các nhà đầu tư công nghệ DLE tại lưu vực dầu đá phiến Permian nằm giữa Texas và New Mexico.

Enverus ước tính nước thải trong quá trình sử dụng kỹ thuật thủy lực bẻ gãy để khai thác dầu đá phiến ở một phần của lưu vực này có thể tạo ra 225.000 tấn lithium carbonate mỗi năm, trị giá 19 tỷ USD doanh thu.

Các dự án sử dụng công nghệ DLE cũng đang được tiến hành ở bang Nevada và bang Utah của Mỹ. Ở Alberta, tỉnh bang giàu dầu mỏ phía tây Canada, công ty Imperial Oil, phần lớn thuộc sở hữu của Exxon, đã tham gia một liên doanh khai thác lithium bằng công nghệ DLE với E3 Lithium.

Ahmed Mehdi, cố vấn của Benchmark Mineral Intelligence, chuyên gia tư vấn chiến lược lithium cho các công ty dầu mỏ, dự báo đóng góp của công nghệ DLE vào nguồn cung lithium có thể tăng từ 10% hiện nay lên 15-20% vào năm 2030.

Một số người trong ngành dự đoán rằng các hoạt động ở giai đoạn đầu có thể mở đường cho một bước nhảy vọt lớn đối với việc sản xuất lithium.

Equinor cho biết họ đang theo dõi sự phát triển của công nghệ DLE và thị trường để khai thác lithium từ nước muối đặc ở các dự án địa nhiệt. Vulcan Energy Resources cũng đang phát triển một dự án khai thác lithium địa nhiệt ở Thung lũng sông Rhine của Đức. Công ty này cũng đã tiến hành đàm phán hợp tác với các công ty dầu khí cũng như ứng dụng công nghệ DLE.

Phó giám đốc điều hành của Vulcan, Cris Moreno, nói: “Cho dù là BP, Shell, Eni, ExxonMobil hay Equinor, tất cả họ đều đang xem xét đầu tư vào mảng này”.

Liệu có phải là một thị trường “béo bở”

Bên cạnh đó, FT nhận định quy mô thị trường của lithium vẫn chưa thực sự “lớn” so với dầu mỏ.

Ngay cả với các giả định về sự tăng trưởng và định giá một cách lạc quan, thị trường lithium toàn cầu chỉ có thể đạt giá trị 150 tỷ USD vào năm 2030 so với quy mô thị trường dầu mỏ 2,6 nghìn tỷ USD hiện tại. Điều này có thể “cản trở” các công ty dầu mỏ đặt một “ván cược lớn” vào lithium.

Tham khảo FT

Thùy Bảo

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên