MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các quốc gia xử phạt vi phạm của những tập đoàn công nghệ như thế nào?

07-10-2023 - 08:40 AM | Kinh tế số

Nhiều quốc gia trên thế giới đang liên tiếp đưa ra những quy định nhằm mạnh tay xử phạt vi phạm và kiểm soát các công ty công nghệ xuyên quốc gia như Google, Meta...

Mạng tìm kiếm Google của tập đoàn Alphabet và Apple có thể bị phạt tổng cộng 68 tỷ Won, tức khoảng 50,42 triệu USD vì vi phạm các luật thanh toán trong ứng dụng tại Hàn Quốc. Đây là thông tin mới được cơ quan quản lý viễn thông Hàn Quốc đưa ra ngày 6/10.

Cách đây 3 ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo quy tắc nhắm đến các hạn chế kiểm duyệt nội dung của các ông lớn công nghệ như Google, Meta Platforms - công ty mẹ của Facebook và các nền tảng trực tuyến lớn khác.

Trước đó, EU cũng chính thức thông qua dự thảo luật nhắm vào những "gã khổng lồ" công nghệ như Google, Amazon và Facebook - vốn bị Brussels coi là mối nguy đối với sự cạnh tranh trên thị trường công nghệ của khối này. Trong nội dung các dự thảo có những điều khoản như phạt tối đa 10% doanh thu nếu vi phạm quy tắc cạnh tranh nghiêm trọng nhất hoặc phạt 6% doanh thu hoặc cấm hoạt động tạm thời tại thị trường EU nếu vi phạm nghiêm trọng và tái diễn vi phạm gây nguy hại an ninh của các công dân châu Âu.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng sẽ có quyền xử lý những nền tảng truyền thông xã hội đăng tải những nội dung phạm luật như các bài đăng tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan, phát ngôn thù hận, thông tin sai lệch và khiêu dâm trẻ em. EC có thể yêu cầu các nền tảng gỡ bỏ những nội dung sai phạm, minh bạch trong hoạt động quảng cáo...

Đầu tháng 9, Australia đã yêu cầu các công cụ tìm kiếm như Google và Bing áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn việc chia sẻ các tài liệu về lạm dụng và xâm hại tình dục trẻ em do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra và phát tán trong kết quả tìm kiếm cho người sử dụng.

TikTok, ứng dụng thuộc công ty ByteDance của Trung Quốc, thông báo sẽ ngừng các giao dịch trên tính năng mua sắm của nền tảng chia sẻ video ngắn này tại Indonesia kể từ ngày 4/10. Quyết định mới nhất được đưa ra sau khi Indonesia tuyên bố cấm bán hàng trực tiếp trên các nền tảng truyền thông xã hội nhằm bảo vệ hàng triệu doanh nghiệp nhỏ.

Ủy ban Viễn thông Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra với các cửa hàng ứng dụng Google Play và App Store liên quan các phương thức thanh toán trong ứng dụng và các bất thường khác mà giới chức Hàn Quốc cho là gây bất lợi cho những nhà phát triển ứng dụng.

Theo số liệu mới nhất được Kepios đưa ra trong báo cáo hằng quý tư vấn kỹ thuật số, có gần 5 tỷ người, tương đương hơn 60% dân số thế giới, hoạt động trên mạng xã hội.

Theo Nguyễn Mai

vtv.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên