MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các thương hiệu việt đang dẫn đầu thị trường FMCG

26-12-2016 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Lâu nay, khi nhắc đến ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), người ta thường dễ dàng đưa ra một nhận xét: Đây là sân chơi của các thương hiệu ngoại. Vì thế, nhiều người sẽ rất ngạc nhiên nếu biết rằng trên thực tế, các công ty nội địa đang đối trọng khá cân bằng với các công ty đa quốc gia trong ngành hàng sản phẩm tiêu dùng nhanh tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, theo Kantar Worldpanel, trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại của ngành hàng FMCG, các thương hiệu nội địa có vẻ đang tăng trưởng tốt hơn các nhãn hàng quốc tế. Và mặc dù các nhãn hàng quốc tế đang giành chiến thắng áp đảo ở ngành hàng sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình, nhưng khối nội lại đang chiếm ưu thế ở mảng sữa, thức uống và mì gói, theo báo cáo 11/2015.

Báo cáo toàn cầu về “Nguồn gốc quốc gia của các Nhãn hàng” được công bố hồi tháng 4/2016 bởi Nielsen cho biết, tại khu vực Đông Nam Á, các công ty nội địa đang trở thành một đối thủ đáng gờm, cạnh tranh trực tiếp cùng các ông lớn đa quốc gia và chính điều này đang làm thay đổi ngành hàng FMCG.

Theo số liệu từ báo cáo này, tại ngành hàng chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình và nước giải khát, các doanh nghiệp nội chỉ chiếm thị phần từ 30 - 36%. Nhưng trong ngành hàng thực phẩm, thị phần của doanh nghiệp nội lên tới 55%, không những vậy, tốc độ tăng trưởng 10% của khối này cũng sẽ khiến cho các doanh nghiệp đa quốc gia phải e dè.

Thực tế, một trong những nguyên nhân tạo nên thành công của doanh nghiệp nội địa chính là niềm tự hào quốc gia. Điều này đã thúc đẩy người tiêu dùng Việt Nam muốn sử dụng thương hiệu địa phương hơn. Khảo sát của Nielsen cho thấy, hơn 69% người tiêu dùng Việt Nam tin rằng các doanh nghiệp nội có thể đáp ứng tốt hơn những nhu cầu mà họ cần (cao hơn so với tỷ lệ 60% người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á).

Báo cáo này cũng chỉ ra niềm tự hào quốc gia là một yếu tố rất quan trọng trong việc người tiêu dùng Việt Nam quyết định mua sản phẩm của doanh nghiệp nội hay ngoại. Chính sự ủng hộ cho các doanh nghiệp nội địa đã khiến 48% số người tiêu dùng được khảo sát trả lời sẽ chọn sản phẩm nội địa thay vì lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp ngoại (9%).

Tại thị trường mỳ ăn liền, UNIBEN hiện là doanh nghiệp được nhắc đến nhiều nhất bởi sự tăng trưởng ấn tượng tới trên 25% trong Quý 3/2016. Doanh nghiệp này đã duy trì được mức tăng trưởng 2 con số từ tháng 9/2015 đến nay.

Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, tính đến cuối quý 3/2016, UNIBEN đứng thứ 2 về thị phần mì ăn liền tại khu vực nông thôn – khu vực chiếm tới 80% lượng tiêu thụ mì gói tại Việt Nam. Thương hiệu “3 Miền” cũng đang chiếm trên 25% thị phần, cùng chia sẻ vị trí số 1 trên thị trường với Hảo Hảo của Vina Acecook. Về số lượng, chênh lệch thị phần giữa UNIBEN và Acecook (nhà sản xuất Hảo Hảo) gần như không đáng kể, hiện chỉ còn xấp xỉ 1%.

Nhắc đên khẩu vị, cha đẻ của thuyết cạnh tranh Michael Porter từng nhận xét: Việt Nam là bếp ăn của thế giới. Khẩu vị ẩm thực của người Việt Nam, nghe thì tưởng như đơn giản nhưng thực tế lại vô cùng “khó”. Chính vì thế mà một doanh nghiệp nội địa như UNIBEN, với bí quyết sản phẩm “3 Miền” “đậm đà hương vị Việt” đang được người tiêu dùng vô cùng yêu thích.

Trong báo cáo được nhắc đến ở trên, Nielsen đánh giá, các công ty nội địa ngày nay đang phát triển mạnh mẽ và có những công ty đã trở thành những công ty lớn trong khu vực thậm chí có thể trở thành những công ty đa quốc gia trong tương lai gần. Mì 3 miền của UNIBEN là một trong những công ty như thế. Không dừng lại ở thị trường Việt Nam, họ đã và đang vươn dài cánh tay ra tầm quốc tế.

A.D

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên